Áp trần lãi vay: Mới được một nửa…
Áp trần lãi suất cho vay với 4 nhóm đối tượng mới chỉ là một nửa của mong đợi. Nửa còn lại tùy thuộc và thực tế triển khai của các ngân hàng.
Từ ngày mai (8/5), Thông tư số 14/2012/TT-HNNN của Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế bắt đầu có hiệu lực.
Thêm một giải pháp hành chính
Ngay sau khi chính sách ban hành, thị trường đón nhận nhiều ý kiến đa chiều, từ các ngân hàng thương mại, từ giới chuyên gia và từ người dân, doanh nghiệp.
Tựu trung, có hai hướng: một là, sự vui mừng và ủng hộ chính sách mới, đặt trong mong đợi chi phí vay vốn của một bộ phận lớn doanh nghiệp sẽ được kiểm soát và có thể giảm nhiều so với trước; hai là, Ngân hàng Nhà nước có hơi hướng lạm dụng các biện pháp hành chính để can thiệp.
Còn một hướng thứ ba, quan trọng hơn, lại ít được đề cập tới là thực tế chính sách trên sẽ được triển khai như thế nào?
Ở cơ chế áp trần lần này, rõ ràng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sử dụng biện pháp hành chính để can thiệp vào hoạt động quan trọng bậc nhất, chủ yếu nhất của các tổ chức tín dụng là cho vay, can thiệp một cách cụ thể là lãi suất.
“Đưa mệnh lệnh hành chính vào thị trường lãi suất chỉ càng làm thêm méo mó thị trường mà thôi” - ý kiến này của bạn đọc Phạm Đăng Hưng gửi về VnEconomy hẳn có tính đại diện nhất định cho nhiều bạn đọc khác. Vấn đề còn lại sự thuyết phục của Ngân hàng Nhà nước, thuyết phục ở giá trị của chính sách.
Có thể tham khảo một cách gián tiếp. Trả lời một câu hỏi tương tự nội dung trên tại cuộc họp báo mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận rằng: “Trần lãi suất là một biện pháp hành chính, mang tính áp đặt. Áp đặt thì trong cuộc sống bình thường thì có người muốn lách qua. Phải có chế tài đủ mạnh để biện pháp hành chính đó phát huy giá trị. Chúng ta áp đặt, nhưng sẽ tìm giải pháp để dần dần thay thế bằng các biện pháp kinh tế, vì lợi ích kinh tế để tuân thủ”.
Về giá trị của giải pháp này, Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ là “để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân giảm chi phí vay vốn, phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý”.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng từng đặt ngược lại câu hỏi rằng, nếu biện pháp hành chính mà cần cho hệ thống, tốt cho nền kinh tế nói chung thì tại sao lại không?
Trong khi đó, trao đổi với VnEconomy ở nội dung liên quan đến sự can thiệp của các biện pháp hành chính tại thị trường Việt Nam, ông Simon Morris, Tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Techcombank, đưa ra nhìn nhận: “Mỗi cơ quan hữu quan tại mỗi quốc gia đều có phương pháp khác nhau, nhưng có một điểm chắc chắn là khi nền kinh tế trải qua giai đoạn khó khăn, người ta mong đợi nhà điều hành tham gia nhiều hơn vào thị trường hơn là rời xa nó”.
Nửa còn lại…
Với trần lãi suất huy động kỳ hạn trên 1 tháng hiện tại, lãi suất cho vay 4 nhóm đối tượng trên tối đa là 15%/năm. Đây là mức lãi suất có thể xem là thấp nhất hiện nay, xét theo độ mở của các đối tượng thụ hưởng.
4 nhóm đối tượng, lĩnh vực theo quy định trong Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước là rất rộng, ước tính có thể chiếm tới từ 60% - 80% tổng dư nợ tại mỗi ngân hàng thương mại. Độ trải rộng của lãi suất thấp như vậy là rất lớn.
Một số ý kiến cho rằng cơ chế mới với độ rộng đó sẽ khơi thông dòng vốn. Thực tế không phải đến lúc này những nhóm trên mới được khơi thông, mới được tập trung cho vay. Ngay trong năm 2011, cơ cấu tín dụng cũng đã có sự dịch chuyển rõ nét; trong khi dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán giảm trên 43%, ở bất động sản giảm trên 10% thì tín dụng cho xuất khẩu tăng kỷ lục với khoảng 58%, hay tín dụng nông nghiệp - nông thôn cũng tăng trưởng cao với khoảng 25%...
Ngược lại, chính vì độ rộng như vậy có thể sẽ khiến dòng chảy sẽ khó khơi thông. Thử đặt một câu hỏi: với tỷ trọng dư nợ chiếm từ 60% - 80% như vậy, các ngân hàng có sẵn sàng chia sẻ mức lãi suất cho vay 15%/năm không? Bởi phần lớn dư nợ theo đó chỉ được lãi biên chưa đầy 3%, trong khi bình quân năm 2011 theo phân tích của một số tổ chức đầu tư là được trên dưới 4,5%, cá biệt có những thời điểm và trường hợp lên tới trên 5%. Các ngân hàng còn phải chịu áp lực chỉ tiêu lợi nhuận, mà tín dụng còn là chỗ dựa chủ yếu.
Hay ở một câu hỏi khác, mức lãi suất 15%/năm đó có được áp dụng cho toàn bộ nhóm đối tượng quy định có đủ điều kiện vay vốn?
Trước hết, những khách hàng tốt thực tế đã vay được lãi suất này thời gian qua; thậm chí có nhà băng còn áp thấp hơn nhiều, kể cả chỉ từ 10% - 12%/năm (qua chuyển đổi các nguồn vốn rẻ), để cạnh tranh. Còn những khách hàng đủ điều kiện vay, nằm trong nhóm quy định, nhưng chưa hẳn đã tốt thì không có ràng buộc nào bắt các ngân hàng phải cho vay (theo mức lãi suất đó).
Trong Thông tư 14 cũng dẫn rằng, khách hàng vay vốn với lãi suất tối đa 15%/năm đó được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Nhưng, việc đánh giá của tổ chức tín dụng lại là chuyện khác.
Và không chừng, khi chưa dễ khẳng định nguồn vốn lãi suất ưu đãi 15%/năm sẽ được dồn cho các nhóm đối tượng trên, khi bị chốt tỷ lệ lãi biên thấp, các ngân hàng sẽ có thêm động cơ để lái vốn sang các lĩnh vực sinh lời cao hơn, như cho vay bất động sản, tiêu dùng, nhất là khi giới hạn tỷ trọng tín dụng không khuyến khích tối đa 16% đã được gỡ bỏ phần lớn trước đó.
Minh Đức
tbktvn
|