Vietstock Daily: Nhận định thị trường chứng khoán ngày 04/04
Về cuối, thị trường có hiện tượng tiết cung ở một số mã cổ phiếu nóng. Tuy vậy, điều này không thể che lấp được thực tế là lực cầu chỉ tăng ở mức vừa phải và rất thận trọng
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NGÀY 04/04/2012
VN-Index tăng 1.07% lên 445.77 điểm, HNX-Index tăng mạnh 3.17% lên 74.49 điểm. VS 100 và VN 30 cùng tăng mạnh, lần lượt là 1.58% và 1.14%, đứng tại 69.96 điểm và 505.77 điểm.
VS-Mid Cap tăng điểm mạnh nhất 2.59%; tiếp theo là VS-Small Cap tăng 1.77%, VS-Micro Cap tăng 1.14% và VS-Large Cap tăng 0.84%.
Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HOSE chỉ đạt mức 54 triệu đơn vị, tiếp tục giảm 12.35% so với phiên giao dịch cuối tuần qua. Trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 63.2 triệu đơn vị, giảm 11.13%.
Khối ngoại bất ngờ thu hẹp đáng kể lực mua ròng trên HOSE chỉ với 5.5 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất HPG với hơn 210 nghìn cổ phiếu, tương đương 4.9 tỷ đồng; tiếp theo là VCB với 4.2 tỷ đồng, DPM với 4.1 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, họ tiếp tục bán ròng mạnh VIC với 7.4 tỷ đồng, HAG với 6.9 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại cũng thu hẹp lực mua ròng xuống còn 11 tỷ đồng. Họ duy trì mua ròng mạnh PVS với hơn 8.1 tỷ đồng, trong khi bán ròng mạnh nhất SCR nhưng chỉ với hơn 1 tỷ đồng.
Sau khi vượt qua được giai đoạn giằng co, thị trường đã đảo chiều ngoạn mục từ cuối đợt buổi sáng và bùng nổ trong đợt giao dịch buổi chiều.
Không quá bất ngờ khi nhóm ngành đầu cơ Chứng khoán tăng đến 5.29%, đứng đầu danh sách tăng điểm mạnh trong những phiên như thế này. Các nhóm ngành nóng khác cũng tăng mạnh như Xây dựng tăng 2.84%, Bất động sản tăng 2.1%, Ngân hàng tăng 1.15%. Trong khi đó, Bảo hiểm là ngành duy nhất giảm điểm (-1.05%) do ảnh hưởng của mã BVH.
Trên HOSE, MBB đứng đầu danh sách thu hút dòng vốn với 4.56 triệu đơn vị, tiếp theo là REE với 3.2 triệu, SBS với 3.1 triệu đơn vị. Trên HNX, HBB dẫn đầu danh sách giao dịch mạnh với khối lượng lên đến 9.56 triệu đơn vị, tiếp theo là PVX, KLS và VND.
Tâm lý giới đầu tư có vẻ đã ổn định tích cực trở lại sau dịp nghỉ lễ Giỗ tổ. Điểm khác biệt lớn của phiên hôm nay so với tuần trước là thị trường đã tăng lên khá mạnh vào cuối phiên. Tuần trước, chúng ta đã chứng kiến giới đầu tư e ngại như thế nào với hiện tượng tăng đầu giờ giao dịch sau đó lại sụt mạnh vào cuối phiên.
Lực cầu hôm nay dường như đang phát đi tín hiệu lạc quan hơn khi duy trì sức mạnh liên tục. Cũng cần phải nhấn mạnh đến động thái dẫn dắt của nhóm cổ phiếu Chứng khoán. KQKD của nhiều CTCK sẽ khả quan trong quý 1. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng việc bán cổ phiếu để đáp ứng yêu cầu Thông tư 226 (có hiệu lực toàn diện kể từ ngày 01/4/2012) đã diễn ra trước đó và không còn tác động tiêu cực lên thị trường.
Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới nhóm CTCK sẽ tiếp tục chứng kiến xu hướng co hẹp (consolidation) và ngành này sẽ cần một thời gian để ổn định trở lại. Trong giai đoạn tái cấu trúc này, vẫn có những CTCK được hưởng lợi.
Về cuối, thị trường có hiện tượng tiết cung ở một số mã cổ phiếu nóng. Tuy vậy, điều này không thể che lấp được thực tế là lực cầu chỉ tăng ở mức vừa phải và rất thận trọng; thể hiện qua khối lượng khớp lệnh tại những giai đoạn thị trường giằng co vẫn tăng rất yếu. Hơn nữa, ở TTCK Việt Nam, dư mua giá trần có thể dễ dàng biến mất bất cứ lúc nào – có khi chỉ sau một phiên.
Nhìn chung, như đề cập trong báo cáo cuối tuần, dù lạc quan về triển vọng nhưng chúng tôi cho rằng thị trường đang ở giai đoạn khá nhạy cảm.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Có thể test vùng 470 – 485 điểm. Không nằm ngoài dự báo của giới chuyên môn, vùng hội tụ 420 – 435 điểm với các ngưỡng chống đỡ mạnh như SMA 300, internal trendline (neckline của mẫu hình Head & Shoulder) ... đã hỗ trợ tích cực cho giá trong ngắn hạn.
Một điều cần phải lưu ý là những tín hiệu đảo chiều giảm điểm quan trọng vẫn chưa xuất hiện. VN-Index hiện vẫn nằm trong xu hướng tăng trưởng và phục hồi ngắn hạn khi mà chỉ số này vẫn còn duy trì bên trên hầu hết các đường MA quan trọng như SMA 100, SMA 200, SMA 300...
Một điểm khác cũng rất đáng chú ý là khối lượng giao dịch đang xuống thấp dần trong các phiên gần đây với tốc độ khá nhanh. Cụ thể là khối lượng đã xuống dưới đường trung bình 20 phiên gần nhất. Nếu tình trạng này tiếp tục duy trì trong những phiên tới thì khả năng suy giảm trở lại là khá cao.
Nếu như vùng 420 – 435 điểm bị xuyên thủng thì nên cẩn trọng trở lại.
HNX-Index – Khối lượng tiếp tục sụt giảm. Các đợt tăng giá gần đây của HNX-Index đều đi cùng với sự tăng trưởng của khối lượng giao dịch. Vì vậy, sự bứt phá rất mạnh của giá trong phiên ngày 03/04/2012 lại đi kèm với khối lượng suy giảm khiến cho giới đầu tư đang tự hỏi liệu đây có phải là một bulltrap hay không?
Chúng tôi cho rằng đây chưa thể kết luận đây là một bulltrap vì thực sự HNX-Index vẫn đang nằm trong xu hướng lên, thể hiện qua việc chỉ số này vẫn duy trì bên trên middle của Bollinger Bands.
Nếu như HNX-Index vẫn tiếp tục giảm trong những phiên tới thì nguy cơ hình thành Double Top như lo ngại là rất lớn. Tuy nhiên, nếu giá tiếp tục bứt phá và vượt qua vùng đỉnh cũ 78 – 80 điểm thì việc mua vào để tránh mất hàng là cần thiết.
VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tăng mạnh (+1.58%) trong phiên giao dịch ngày 03/04/2012, VS 100 có dấu hiệu hồi phục trở lại sau những phiên tích lũy mạnh.
Khối lượng giao dịch lại giảm dần chứng tỏ nhà đầu tư đang dần thận trọng. Nếu tình trạng này vẫn duy trì trong những phiên tới thì khả năng giảm điểm sẽ cao hơn là hồi phục.
VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 03/04/2012, VS-A/D HOSE đạt mức 1.38, tức số mã tăng giá bằng 1.38 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 3.14, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 3.14 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 1.72 lần và VS-U/D HNX bằng 9.29 lần.
SMA 5 ngày của VS-Arms VN duy trì ở mức 1.06, đây là mức trung bình của chỉ số này nên báo hiệu khả năng tăng trưởng trong thời gian tới không quá cao.
II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Ngắn hạn – Fibonacci Retracement 161.8% tiếp tục hỗ trợ tốt. DJIA lại một lần nữa test thành công ngưỡng Fibonacci Retracement 161.8%. Ngưỡng này đang trở thành tâm điểm kỹ thuật trong ngắn hạn của thị trường Mỹ.
Khối lượng cũng duy trì ổn định khi Stochastic Oscillator quay đầu và cho mua trở lại. Rủi ro trên thị trường Mỹ trong ngắn hạn đang giảm dần.
Dài hạn – Swing Trd2 đang tăng trưởng. DJIA chưa có dấu hiệu gì cho thấy xu hướng tăng trưởng dài hạn sẽ bị đảo ngược vì các MA dài hạn vẫn đang tăng trưởng và đi lên khá mạnh.
Swing Trd2 cũng đang có tín hiệu tốt và có thể cắt lên trên Swing Trd3 trong những phiên tới.
III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 03/04/2012
Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
finfonet
|