Thứ Năm, 05/04/2012 09:58

Vì sao Elliott hết kiện Vinashin?

Cánh cửa tháo gỡ món nợ 600 triệu đô la Mỹ nước ngoài của Vinashin bắt đầu mở! Không phải ngẫu nhiên nó lại trùng lắp với thời điểm Bộ Tài chính tiếp xúc nhiều hơn với các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

Quỹ đầu tư Elliott Advisors đã từ bỏ vụ kiện tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) lên tòa Thượng thẩm London và ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, cho biết điều này đã được thông báo trong một bức thư gửi đề ngày 16-3-2012 - đây là thông tin nổi bật trong tháng cuối cùng của quí 1-2012 được các hãng tin nước ngoài đăng tải. Nguyên nhân nào đã khiến Elliott Advisors từ bỏ vụ kiện sau gần bốn tháng miệt mài theo đuổi?

* Elliott Advisers từ bỏ vụ kiện Vinashin

Trước khi đệ đơn kiện vào đầu tháng 11 năm ngoái, Elliott Advisors và các chủ nợ khác đã được Vinashin chào mời phương án trả ngay lập tức bằng tiền toàn bộ số nợ với mức bằng 35% mệnh giá ban đầu, tương đương 210 triệu đô la Mỹ.

Vinashin không có tiền, nhưng một ngân hàng lớn đứng phía sau sẵn sàng mua lại nợ với giá đó. Elliott Advisors và các chủ nợ đã từ chối vì cho rằng giá quá thấp, không thể chấp nhận.

Từ sau đó, một tập đoàn đa ngành nội địa vào cuộc, cũng đưa ra mức giá mua tương tự nhưng cách thức trả nợ đa dạng và linh hoạt. Mối quan hệ rộng với giới tài chính quốc tế, đặc biệt là với các quỹ đầu tư tầm cỡ, đã giúp tập đoàn này tiếp cận các chủ nợ dễ dàng.

Có hai yếu tố khiến các chủ nợ đồng ý ngồi vào bàn đàm phán lần này. Thứ nhất họ có thể thu hồi ngay một phần nợ bằng tiền (nếu muốn) và phần còn lại sẽ nhận bằng những công cụ nợ khác có khả năng chuyển đổi thành tiền sau một thời gian nhất định. Họ cũng có thể chuyển thành công cụ nợ khác toàn bộ phần nợ. Các công cụ nợ ở đây bao gồm nhiều loại hạn mức, kỳ hạn khác nhau. Như vậy, khả năng thu hồi nợ cao hơn 35% giá gốc ban đầu tỏ ra thực tế. Chưa kể nếu chấp nhận các công cụ nợ kỳ hạn dài, chẳng hạn 5-10 năm, biết đâu các chủ nợ có thể thu hồi 100% số vốn ban đầu và thậm chí có lãi một khi các công cụ nợ sinh lời.

Việc chấp nhận các công cụ nợ kéo dài 5-10 năm không phải quá khó đối với các chủ nợ. Còn nhớ trong quá trình thương thảo với Vinashin vào năm 2011, các chủ nợ đã từng đưa phương án: hoán đổi hợp đồng cũ thành hợp đồng vay mới kỳ hạn 15 năm với lãi suất Libor cộng 150 điểm phần trăm/năm. Lãi suất sẽ tăng thêm 50 điểm phần trăm nữa từ năm thứ 11 đến năm thứ 15. Họ sẵn sàng đồng ý 15 năm cho hợp đồng hoán đổi mới với Vinashin, thì 5-10 năm cho công cụ nợ là khả năng có thể xem xét.

Thứ hai tập đoàn mua lại nợ của Vinashin thực sự có tiềm lực tài chính mạnh, hiện có trong tay hàng trăm triệu đô la Mỹ, có thể trả ngay lập tức toàn bộ nợ của Vinashin với giá gốc, chứ chưa nói giá thương lượng. Hơn nữa đây là doanh nghiệp có quản trị tốt, mức tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu hàng năm tương đối cao. Trở thành đối tác của tập đoàn này là một khả năng có thể tính đến với các chủ nợ. Chuyển tiền từ khoản cho vay thương mại sang khoản đầu tư, các ngân hàng chủ nợ sẽ tránh được việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và hạch toán mất vốn.

Cánh cửa tháo gỡ món nợ 600 triệu đô la Mỹ nước ngoài của Vinashin bắt đầu mở! Không phải ngẫu nhiên nó lại trùng lắp với thời điểm Bộ Tài chính tiếp xúc nhiều hơn với các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Cơ quan ngân khố quốc gia mới đây còn thuê thêm một tổ chức tài chính tư vấn sau khi làm việc với những tên tuổi như Moody’s, S&P. Đây được xem như bước chuẩn bị của các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát hành trái phiếu ra nước ngoài, đáp ứng đòi hỏi nhu cầu vốn đang rất lớn của nền kinh tế. Một mức xếp hạng tín nhiệm tốt sẽ giúp các doanh nghiệp phát hành trái phiếu quốc tế với lãi suất hợp lý mà không cần có sự bảo lãnh của Chính phủ.

Giải quyết dứt điểm món nợ nước ngoài của Vinashin sẽ là chất xúc tác cho việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia, mở đường cho các doanh nghiệp đặt chân vào thị trường vốn quốc tế.

Ngân hàng Công thương (Vietinbank) đã bắt đầu chuyến tiếp thị phát hành 500 triệu đô la Mỹ trái phiếu quốc tế sau khi được Chính phủ cho phép. Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) vừa xin ý kiến cổ đông phát hành 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế trong năm nay. Theo như thông báo của Vietcombank, thời hạn tối đa của trái phiếu có thể tới 10 năm. Nếu được cổ đông đồng ý, Vietcombank còn cần phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và số lượng phát hành nằm trong hạn mức vay thương mại của quốc gia do Chính phủ phê duyệt.

Việc phát hành trái phiếu quốc tế thành công với Vietcombank có ý nghĩa quyết định. Một mặt nó giúp ngân hàng có nguồn ngoại tệ để thỏa mãn nhu cầu tín dụng bằng đô la Mỹ trong nước. Việc đặt trần tiền gửi ngoại tệ 2%/năm và sự lên giá của đồng Việt Nam thời gian qua đã làm cho vốn huy động ngoại tệ của Vietcombank nói riêng, các ngân hàng nói chung, gặp khó khăn. Mặt khác, sự có mặt của trái phiếu Vietcombank trên thị trường vốn thế giới là chứng thực cho sự vươn ra quốc tế của ngân hàng sau khi có được đối tác chiến lược - cổ đông Mizohu (Nhật Bản).

Nguồn tin từ BIDV nói với TBKTSG, ngân hàng này cũng chuẩn bị kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế. Giống như tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than - Khoáng sản… những năm trước BIDV đã thông báo phát hành 500 triệu đô la Mỹ trái phiếu quốc tế. Tuy nhiên sau đó BIDV hoãn lại do tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế không thuận lợi.

Không thể không thấy rằng việc duy trì lãi suất thấp của FED đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn quốc tế hiện nay. Thế nhưng với Việt Nam, việc vay vốn bên ngoài vẫn đang phải chịu lãi suất cao do các tổ chức cho vay cộng thêm phí rủi ro, thông thường khoảng 2,5-3 điểm phần trăm/năm. Chính vì thế giải quyết dứt điểm món nợ nước ngoài của Vinashin sẽ là chất xúc tác cho việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia, mở đường cho các doanh nghiệp đặt chân vào thị trường vốn quốc tế. Quan trọng bây giờ là các doanh nghiệp, ngân hàng Việt Nam phát hành được trái phiếu quốc tế với lãi suất thích hợp, rồi sau đó có thể lãi suất và chi phí phát hành sẽ giảm dần theo uy tín quốc gia.

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   Tìm vốn cho hạ tầng: Đẩy rủi ro cho Nhà nước (05/04/2012)

>   Không cấp phép khai thác vàng sa khoáng (05/04/2012)

>   Doanh nghiệp vận tải trước nguy cơ phá sản (05/04/2012)

>   Nâng chất lượng khoáng sản xuất khẩu (05/04/2012)

>   Hàng tạm nhập tái xuất có khả năng bị siết chặt (04/04/2012)

>   Ngành thủy sản lo vỡ nợ (04/04/2012)

>   Tái cơ cấu Vietnam Airlines theo hướng tăng vốn chủ sở hữu (04/04/2012)

>   Vẫn còn những tiếng thở dài sau nụ cười kiềm chế nhập siêu (04/04/2012)

>   Singapore khuyến khích VN tăng cường giao dịch hàng hóa trên SMX (04/04/2012)

>   Công ty Nhật JFE muốn tham gia dự án thép ở Dung Quất (04/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật