Vẫn còn những tiếng thở dài sau nụ cười kiềm chế nhập siêu
Quý I, nhập siêu cả nước chỉ ở mức 251 triệu USD, con số thấp nhất từ trước đến nay. Điều đó chứng tỏ xuất khẩu tuy không tăng mạnh nhưng nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ đã giảm, thay vào đó chỉ nhập những hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, trong điều hành xuất nhập khẩu các mặt hàng vẫn còn những “chuyện cũ bàn lại” chưa được giải quyết triệt để.
Xuất nhập khẩu: trong tầm kiểm soát
Mặc dù kinh tế quý I chỉ tăng trưởng khoảng 4% nhưng tốc độ xuất nhập khẩu vẫn không hề giảm. Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) quý I năm 2012 ước đạt 24,5 tỉ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2011 (tương đương với tăng 4,7 tỷ USD). Nếu giữ được tốc độ này, cả năm KNXK sẽ có khả năng cán đích 100 tỉ USD.
Trong đó, KNXK của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt gần 9 tỉ USD, chiếm 36,7% tổng KNXK của cả nước; KNXK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 15,5 tỉ USD, chiếm 63,3% tổng KNXK của cả nước.
Điều đáng ngạc nhiên là nhóm hàng nông – lâm – thủy sản chỉ xuất khẩu được 4,5 tỉ USD trong quý I. Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm về lượng và giá so với cùng kỳ như: cà phê, gạo, sắn. Duy nhất trong nhóm có mặt hàng hạt tiêu xuất khẩu tăng cả về lượng và giá trị trong đó giá xuất khẩu tăng rất cao, tăng 40,5%. Trong khi đó, giá xuất khẩu mặt hàng cao su lại giảm mạnh, giảm 66,9% so với cùng kỳ.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến quý I năm 2012 ước đạt gần 15,4 tỉ USD, chiếm 62,7% trong tổng KNXK, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2011.
Trong tổng số 25 mặt hàng xuất khẩu chính của nhóm, trừ 5 mặt hàng: sản phẩm hoá chất, xơ, sợi dệt, sắt thép, kim loại thường, dây điện và cáp điện có kim ngạch xuất khẩu giảm, các mặt hàng còn lại đều có kim ngạch xuất khẩu tăng, điển hình có một số mặt hàng xuất khẩu có quy mô và tốc độ tăng cao là nhân tố chính đóng góp vào gia tăng kim ngạch xuất khẩu của nhóm như: điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…
Tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hoá quý I năm 2012 đạt 24,77 tỉ USD. Nhập khẩu hàng hoá quý I năm 2012 tăng chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng cần nhập khẩu, là nguyên liệu cho sản xuất. Trong khi đó có nhiều mặt hàng lượng nhập khẩu giảm như: Ngô, Clinke, dầu thô, xăng dầu, khí đốt hoá lỏng, phân bón, bông, sợi các loại.
Trong số 14 mặt hàng tính được về lượng và giá nhập khẩu, thì có đến 7 mặt hàng lượng nhập khẩu giảm và do lượng nhập khẩu giảm đã làm giảm 650 triệu USD nhập khẩu. Trong khi đó có 6 mặt hàng có giá nhập khẩu tăng và làm tăng kim ngạch nhập khẩu 173 triệu USD. Bù đắp giữa giảm lượng và tăng giá đã làm cho KNNK giảm 477 triệu USD so với cùng kỳ.
Vẫn còn những nhói đau
Nếu chỉ thống kê các con số về xuất nhập khẩu thì rõ ràng xuất khẩu đang được đà mặc dù kinh tế thế giới đang khó khăn, nhập khẩu cũng thuyên giảm và bám sát con số xuất khẩu. Tuy nhiên, công tác xuất nhập khẩu hiện nay vẫn còn những “bệnh nan y” chưa thể chữa khỏi.
Đầu tiên phải kể đến sự việc 200 xe hàng chở dưa hấu của người nông dân Việt bị ứ tồn tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Vẫn là câu chuyện cũ năm trước: được mùa mất giá.
Bà Phan Thị Diệu Hà – Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thừa nhận do đang vào vụ nên việc tồn kho là khó tránh khỏi. Biết được vấn đề này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương Lạng Sơn xử lý ngay việc này để hàng của nông dân được bán sang Trung Quốc nhanh nhất. Nếu không dưa sẽ bị thốt nát.
Cũng liên quan đến mặt hàng nông sản, phía Phillipines thông báo sẽ ngừng nhập khẩu gạo của Việt Nam từ năm 2013. Phó vụ trưởng Phan Thị Diệu Hà nói thêm, việc này đã được phía bạn thông báo từ năm 2010. Lập tức, Bộ Công Thương cũng thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hãy chuẩn bị bạn hàng mới để sau 2013 sẽ không xuất khẩu gạo sang Phillipines nữa mà khả năng dồn hàng sang các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông, Trung Quốc và gạo cao cấp sang thị trường Đài Loan, Hồng Kông.
Liên quan đến nhập khẩu muối, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết, khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết cấp một lượng quota (hạn ngạch) nhất định để nhập khẩu muối. Từ năm 2007, Việt Nam cam kết nhập 50 nghìn tấn/năm và tăng 5% mỗi năm. Đến 2012, lượng quota nhập muối theo cam kết là 192 nghìn tấn nhưng chỉ cho nhập 102 nghìn tấn, khả năng chỉ nhập 53 nghìn tấn.
Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cho rằng, quota nhập muối cũng là một liệu pháp bảo hộ ngành sản xuất muối ăn trong nước. Và chúng ta chỉ nhập muối cho hóa chất, y tế, không nhập muối ăn nên không ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất muối trong nước.
Tuy đây là cam kết với WTO nhưng với một đất nước có bờ biển dài 3.260 km, có số ngày nắng lên tới 200 ngày/năm mà phải nhập khẩu muối thì mọi câu hỏi vẫn có thể đặt ra: liệu bao giờ diêm dân mới hết lo cho hạt muối giá rẻ trên đồng ruộng mình?
Đức Chính
Petrotimes
|