Thứ Năm, 05/04/2012 07:16

Doanh nghiệp vận tải trước nguy cơ phá sản

Mới đây, Bộ GTVT lại trình Chính phủ Nghị định về thu phí bảo trì đường bộ đối với các chủ phương tiện xe môtô, ôtô các loại. Với Nghị định đó, nguy cơ phá sản của các DN ngày càng cao, đặc biệt là những DN kinh doanh vận tải đường bộ.

Trước tình hình đó, Hiệp hội Giao thông vận tải Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc đã có cuộc họp thảo luận về vấn đề này.

Gánh nặng đè lên vai DN

Tất cả các DN đều cho thấy những khó khăn chồng chất. Theo đề nghị của Bộ GTVT, từ 1/6/2012 tất cả các chủ sử dụng phương tiện giao thông đường bộ (như xe gắn máy, ôtô, xe tải, xe đầu kéo container…) sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộ với mức phí cao nhất là 1,44 triệu đồng/tháng. Nhiều DN bức xúc: “Gánh nặng của DN hiện đã quá nhiều và rất cần sự sẻ chia. Con số cả chục ngàn DN đã phá sản cho thấy, hiện nay DN đã quá sức chịu đựng. Điều quan trọng lúc này là nhà nước cần xem lại các chủ trương chính sách chưa hợp lý, đồng thời có giải pháp tức thời để cứu các DN. DN làm ăn được, sống được thì đất nước mới giàu mạnh, phát triển. Vì sức khỏe nền kinh tế của một quốc gia, phụ thuộc vào sức khỏe của DN”.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), bình quân trước đây, mỗi năm có khoảng 5.000-7.000 DN phá sản, giải thể. Năm 2011 đã lên tới gần 80.000 DN giải thể, phá sản. Điều này cho thấy sức khỏe DN đang yếu, số phá sản giải thể vẫn chưa dừng lại ở con số nói trên.

Đoạn trường đóng phí

Các DN kinh doanh vận tải đường bộ, vốn đã gặp vô vàn khó khăn do những bất cập trong quản lý nhà nước, như: các trạm thu phí mọc lên như nấm, phí chồng phí hoặc phải trả “phí oan”. Luật sư Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp Hội Vận tải hàng hóa TP HCM cho biết: “Trên quốc lộ 13 từ TP HCM đi Bình Dương chưa tới 50 km mà có tới 3 trạm thu phí, có những trạm chỉ cách nhau 8-16 km, TP HCM đi Vũng Tàu với gần 120 km cũng có 3 trạm thu phí, TP HCM đi Đắk Lắk khoảng 350 km có 7 trạm thu phí. Với mật độ như thế thì chỉ cách nhau 30-40 km đã có một trạm thu phí, trong khi Bộ Tài chính đã quy định: “khoảng cách giữa các trạm thu phí tối thiểu 70km” (Thông tư 90/2004/TT-BTC ký ngày 7.9.2004). Trong khi đó, nhiều trạm thu phí còn thu cả những phương tiện không thuộc đối tượng phải thu. Nhiều chủ phương tiện bị thu phí oan. Điển hình như trạm thu phí xa lộ Hà Nội, thu phí đường Điện Biên Phủ quận Bình Thạnh, nhưng lại đặt trạm thu phí tại phường Thới Long A, quận 9. Trạm thu phí này đã tồn tại gần 10 năm qua và biết bao nhiêu phương tiện đã bị thu phí oan.

Quá bức xúc, Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM và các DN vận tải đã đưa đơn kiện Cty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII), đơn vị trực tiếp quản lý trạm thu phí xa lộ Hà Nội. Qua vụ kiện đó, UBND TP HCM đã có công văn số 1121/UBND-ĐTMT về việc kiến nghị của Tòa án liên quan đến việc thu phí giao thông tại trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội, nêu rõ: CII phải hoàn trả phí cho các DN vận tải không sử dụng đường Điện Biên Phủ, nhưng bị  trạm thu phí thu tiền, đồng thời khắc phục những bất cập còn tồn tại.

Để khắc phục những bất cập, Cty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM, đã đặt camera kiểm soát những xe có sử dụng đường Điện Biên Phủ để thu phí. Nhưng vị trí đặt camera cũng chưa chính xác (gần giao lộ đường Trần Não với xa lộ Hà Nội). Với vị trí đặt camera đó, các xe đi từ đường Ung Văn Khiêm qua cầu Sài Gòn, hoặc khu dân cư Thảo Điền, đường Trần Não và đặc biệt là xe vận chuyển hàng hóa đi về giữa Tân cảng Sài Gòn và các cảng biển vẫn còn bị thu phí oan. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị camera nên chuyển về đặt ngay đường Điện Biên Phủ, tại vị trí cầu vượt Văn Thánh, nhưng vẫn chưa có gì thay đổi.” – ông Đặng Đức Tiệp - Giám đốc Cty Đặng Tiến, một trong những “khổ chủ”  cho biết như thế.

Ngày 13/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định về việc lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ. Bộ GTVT đã đề xuất mức thu phí ôtô, môtô theo 7 nhóm.

Với ôtô: Xe dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn: 180.000 đồng/tháng. Xe từ 12 đến 30 ghế, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn: 270.000 đồng/tháng. Xe từ 31 ghế trở lên, xe tải từ 4 đến 10 tấn, đầu kéo container, đầu kéo sơmi rơmoóc chở container 20 feet, 40 feet và tương đương: 396.000 đồng/tháng. Sơ mi rơ moóc chở container 20 feet và tương đương: 324.000 đồng/tháng. Sơ mi rơ moóc chở container 40 feet và tương đương: 1,044 triệu đồng/tháng. Xe tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet: 720.000 đồng/tháng. Xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet: 1,44 triệu đồng/tháng

Xe máy: Xe dung tích xi lanh 70 - 100 cm3: 80.000 đồng/năm. Xe dung tích xi lanh từ trên 100 - 175 cm3: 120.000 đồng/năm. Xe dung tích xi lanh trên 175 cm3: 150.000 đồng/năm.

Song Thủy

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Nâng chất lượng khoáng sản xuất khẩu (05/04/2012)

>   Hàng tạm nhập tái xuất có khả năng bị siết chặt (04/04/2012)

>   Ngành thủy sản lo vỡ nợ (04/04/2012)

>   Tái cơ cấu Vietnam Airlines theo hướng tăng vốn chủ sở hữu (04/04/2012)

>   Vẫn còn những tiếng thở dài sau nụ cười kiềm chế nhập siêu (04/04/2012)

>   Singapore khuyến khích VN tăng cường giao dịch hàng hóa trên SMX (04/04/2012)

>   Công ty Nhật JFE muốn tham gia dự án thép ở Dung Quất (04/04/2012)

>   Hải Phòng: Thêm 1 cầu cảng hàng lỏng 20.000 tấn (04/04/2012)

>   Môi trường đầu tư và một điều ước giản đơn của nhà tư vấn (04/04/2012)

>   Việt Nam cần lập quỹ bảo lãnh vốn vay biên mậu (04/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật