Thứ Tư, 11/04/2012 11:38

Trong khó khăn càng cần phải công bằng

Quí 1-2012 vừa kết thúc, chúng ta đã có một vài con số chủ yếu để nhận định về hoạt động của nền kinh tế trong ba tháng đầu năm nay. Điều rõ ràng nhất là tăng trưởng kinh tế đã chậm lại, GDP chỉ còn tăng khoảng 4%, hàng tồn kho công nghiệp chế biến tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

GDP quí 1 tăng chậm nhưng đáng lo hơn là tính đến ngày 20-3-2012, tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng giảm 2,13% so với tháng 12-2011. Điều đó có nghĩa GDP những quí sắp tới còn có khả năng tăng chậm hơn nữa vì nền kinh tế của nước ta tăng trưởng chủ yếu nhờ vào yếu tố vốn.

Đáng quan ngại hơn cả là số lượng doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, ngưng nộp thuế đang tăng mạnh, lên đến gần 12.000 doanh nghiệp trên cả nước. Tại TPHCM, hơn 5.000 doanh nghiệp đã gửi thông báo ngừng hoạt động đến Cục Thuế TPHCM trong những tháng đầu năm.

Đứng trước tình hình đó, nhiều ý kiến đòi hỏi Nhà nước can thiệp để giảm lãi suất mạnh hơn nữa nhằm khơi thông nguồn vốn cho tăng trưởng. Ngược lại, cũng nhiều ý kiến cho rằng chưa nên vội giảm lãi suất một khi bóng ma lạm phát có khả năng quay trở lại trong những tháng cuối năm.

Cho dù nhìn ở góc độ nào đi nữa, điều mà doanh nghiệp cần trong giai đoạn khó khăn hiện nay là sự công bằng trong chính sách và áp dụng chính sách. Lấy ví dụ chuyện thuế, chỉ cần cục thuế địa phương “ưu ái” cho một doanh nghiệp nào đó được nợ thuế một thời gian, đương nhiên doanh nghiệp này sẽ hưởng không một khoản tiền không nhỏ chút nào. Tiền phạt nộp thuế trễ là không đáng kể so với khoản tiền tạm chiếm dụng trong bối cảnh lãi suất cao như hiện nay.

Sự thiếu công bằng trong quan hệ với doanh nghiệp còn thể hiện ở những dạng thỏa thuận hợp tác giữa một bộ và một doanh nghiệp nào đó, cho dù đó có là doanh nghiệp nhà nước đi nữa, như thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giao thông Vận tải và tập đoàn Dầu khí. Đó cũng là sự can thiệp của các bộ để Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại “ưu đãi” loại doanh nghiệp này, “khoanh nợ” nhóm doanh nghiệp kia. Đó cũng là sự tập trung nguồn lực công để “giải cứu” doanh nghiệp bất động sản.

Một hình thức thỏa thuận thiếu công bằng nữa là các hiệp hội ngành nghề đề xuất những điều kiện ngặt nghèo nhằm hạn chế doanh nghiệp mới tham gia thị trường, gạt bỏ những doanh nghiệp nhỏ... Tất cả những loại can thiệp trên sẽ làm méo mó thị trường, tạo thêm khó khăn chung cho môi trường làm ăn chứ không giúp được gì nền kinh tế.

Thiết nghĩ, biện pháp thị trường mạnh nhất mà Chính phủ có thể triển khai để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp là nâng đỡ sức mua nói chung của thị trường. Đó có thể là chi tiêu công hướng đúng vào nơi cần hỗ trợ nhưng quan trọng nhất vẫn là tinh thần khoan sức dân thông qua các biện pháp giảm thuế, giãn thuế. Nhanh chóng chuyển đổi tinh thần này thành các biện pháp cụ thể, như trình Quốc hội phương án giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nâng mức khấu trừ trong tính thuế thu nhập cá nhân, giảm các khoản doanh nghiệp phải đóng cho công nhân để họ chuyển thành lương cho công nhân, giảm thuế giá trị gia tăng cho nhiều loại hàng hóa hay dịch vụ... Những biện pháp đó sẽ nâng sức mua của xã hội lên, từ đó giải quyết được hàng tồn kho, khơi thông dòng chảy nguồn vốn và giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi. Các đề xuất ngược lại như thu phí giao thông đối với xe gắn máy hay ô tô cá nhân cần phải được đóng băng ngay, ít nhất trong thời buổi khó khăn này.

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Đầu tư công: Biết rồi, khổ lắm, vẫn phải nói (11/04/2012)

>   “Chính phủ có thể mua lại nợ xấu để cứu doanh nghiệp” (11/04/2012)

>   Thu hút FDI: Đổi “chất” để thích ứng! (10/04/2012)

>   Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm nhân sự (10/04/2012)

>   Thường vụ Quốc hội xem xét đề án tái cơ cấu nền kinh tế (10/04/2012)

>   Chủ tịch cũng... bức xúc vì dự án “rùa” (10/04/2012)

>   Bức tranh tổng thể nền kinh tế: Vẫn đầy lo âu (09/04/2012)

>   VRG sẽ thoái vốn hàng ngàn tỉ đồng từ dự án ngoài ngành (09/04/2012)

>   Không nên “hăng hái” đưa lạm phát xuống 6% (08/04/2012)

>   Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế (08/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật