Thu hút FDI: Đổi “chất” để thích ứng!
“Nâng cao chất lượng thu hút FDI” là chủ đề nóng trong thời gian qua khi có rất nhiều vấn đề kinh tế ngành, địa phương đã chịu tác động từ hạn chế chính sách và cơ chế quản lý yếu kém. Tuy nhiên, đổi “chất” FDI từ đâu ? - GS Nguyễn Mại - Nguyên Phó chủ nhiệm UB nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài chia sẻ cùng DĐDN về vấn đề này.
GS Nguyễn Mại cho rằng, vai trò, tác động lớn của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với sự phát triển của VN đã được khẳng định, nhưng những hạn chế mà không ít các nhà đầu tư có dòng vốn “lẻ”, công nghệ thấp đã và đang có sự ảnh hưởng xấu đến quy hoạch và phát triển của một số ngành kinh tế, địa phương. Nâng cao chất lượng FDI đang là thực tế đòi hỏi khách quan đối với các nhà đầu tư (NĐT), nhà hoạch định chính sách và các địa phương để phục vụ tốt hơn mục tiêu tăng trưởng.
- Theo ông, chính sách thu hút FDI của VN cần đổi mới ở đâu?
Chạy đua cơ chế ưu đãi, phân cấp mạnh về thu hút FDI cho các địa phương điểm cần đổi mới.
Có thể nói, sự phân cấp cũng làm nảy sinh những hạn chế nhất là phá vỡ cơ chế và định hướng, mục tiêu thu hút FDI chất lượng cao vào phục vụ mục tiêu và quy hoạch. Bên cạnh đó, nó làm cho mỗi địa phương phát triển thành một nền kinh tế riêng lẻ, méo mó với quy mô, cơ cấu đang phồng to ra, đầy đủ các ngành nghề mặc dù nhiều ngành địa phương đó không có thế mạnh vẫn gia tăng thu hút, níu kéo nhà đầu tư.
- Vậy cơ chế nào sẽ thay thế cho phân cấp trong lĩnh vực này, thưa ông?
Chúng ta vẫn cần phân cấp bởi vì quy mô và số lượng đầu tư hiện rất lớn nên không thể tập trung quyền phân cấp, cấp phép về Bộ KH-ĐT được, vì không thể quản lý xuể, vẫn phải giao cho các địa phương. Những tồn tại cần được giải quyết bằng hệ thống chính sách, luật pháp nhằm ngăn chặn, xử lý. Chính phủ và Bộ KH-ĐT đã nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư FDI trong thời gian tới theo hướng nâng cao chất lượng và quy mô đầu tư, phân rõ đầu tư theo cơ cấu ngành, lĩnh vực cụ thể khuyến khích vốn FDI chất lượng cao, trong đó tập trung nâng cao công nghệ, chất lượng vốn và hiệu quả đầu tư.
- Như vậy có thể hiểu dự án FDI chất lượng cao chính là vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thưa ông?
Chưa đủ, quan niệm về FDI chất lượng cao ngoài vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, cần có vai trò dẫn dắt các ngành kinh tế khác, hỗ trợ chuỗi sản xuất tạo nên giá trị gia tăng lớn. Bên cạnh đó, tận dụng cơ sở hạ tầng hiện đại, nhân lực chất lượng cao và đem lại những sản phẩm lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế.
Đã qua rồi thời kì các địa phương thu hút FDI bằng cơ chế ưu đãi về giá thuê đất, giảm, hoãn Thuế thu nhập DN. Các DN FDI đòi hỏi chúng ta về cơ sở hạ tầng, sửa đổi các ưu đãi hơn các quốc gia khác đã đáp ứng cho họ. Đây là thời điểm chúng ta đòi hỏi họ về chất lượng đồng vốn, công nghệ đầu tư, sự lựa chọn NĐT và chất lượng FDI hiện nay nằm ở trong tay chúng ta.
- Theo ông, những ngành nào đang có nhiều lợi thế để VN thu hút FDI chất lượng cao?
Theo tôi, công nghệ sinh học trong nông nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp hỗ trợ đang là 3 lĩnh vực mong mỏi thu hút FDI lớn nhất hiện nay.
- Ông có thể phân tích cụ thể việc “khát” và nên thu hút FDI của các ngành này so với các ngành khác?
Công nghệ sinh học trong nông nghiệp của VN hiện nay chỉ đáp ứng chưa được 1/3 nhu cầu cây con giống, phân bón, cách thức chăm sóc của ngành. VN vẫn là nước nông nghiệp và lợi thế của chúng ta là các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, nên vốn FDI vào nghiên cứu giống cây, con mới luôn hết sức bức thiết.
Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đang có sự chuyển biến quan trọng khi nhiều NĐT từ Hàn Quốc, Nhật Bản đang chuyển cơ sở sản xuất sản phẩm sang VN. Với lợi thế ấy, FDI chất lượng cao vào ngành này cần được khuyến khích và ưu đãi.
Chính sách thu hút FDI phải biến VN trở thành điểm hẹn lý tưởng của các DN chứ không nên để họ tận dụng phục vụ mục đích lợi nhuận. |
Công nghiệp hỗ trợ cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử, công nghiệp công nghệ cao có lẽ là ngành đã và đang đòi hỏi vốn FDI lớn nhất bởi các nhà sản xuất ôtô, điện tử tại VN đang rất “khát” các nhà cung ứng sản phẩm hỗ trợ. Thiếu những các NĐT vào ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành kinh tế chủ chốt, mũi nhọn trong tương lai của VN sẽ khó có thể cạnh tranh và phát triển được.
Nếu biết được những ngành có lợi thế và “khát” FDI chất lượng cao, chúng ta sẽ đưa ra được những cơ chế chính sách ưu đãi đúng đắn để thu hút đúng theo mục đích, lộ trình. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẵn sàng gạt bỏ những dự án nhỏ lẻ, công nghệ thấp ảnh hưởng đến thị trường cũng như quy hoạch phát triển.
- Nhưng thế giới hiện nay vẫn có 2 loại hình đầu tư FDI, liệu với nước thu nhập trung bình như chúng ta, đòi hỏi thu hút FDI chất lượng cao có “quá sức”, thưa ông?
Hiện nay, có hai loại hình đầu tư FDI trên thế giới: Một là, dòng vốn chất lượng, công nghệ thấp, thâm dụng nhiều đất đai, lao động giản đơn. Hai là, dòng vốn có quy mô lớn, công nghệ cao nhưng đòi hỏi cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực tốt hơn. Trung Quốc đang có nhiều chính sách hạn chế ưu đãi các nhà đầu tư FDI chất lượng thấp vào nước ngoài và đặt ra các tiêu chí để được chấp nhận đầu tư. “Hàng rào” sẽ tạo khó khăn cho nhiều DN FDI công nghệ thấp, tận dụng lao động giá rẻ tại Trung Quốc chuyển sang VN. Chính sách thu hút FDI phải làm sao biến VN trở thành điểm hẹn lý tưởng của các DN chứ không nên để họ tận dụng phục vụ mục đích lợi nhuận.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Toàn thực hiện
diễn đàn doanh nghiệp
|