“Chính phủ có thể mua lại nợ xấu để cứu doanh nghiệp”
Đó là nhận định của TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
|
Ông Lê Đăng Doanh |
“Hiện nay các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) tưởng như đã mang lại kết quả nhưng trên thực tế thì vẫn còn khá xa vời. Các báo cáo về tình trạng DN khó khăn, phá sản, ngừng hoạt động có thể nói là chưa khách quan và sát với thực tế” – vị chuyên gia nổi tiếng thẳng thắn đánh giá.
- Trước thực trạng DN đang phá sản, dừng hoạt động hàng loạt, lại có ý kiến cho rằng phải chấp nhận một cuộc sàng lọc và không có lý gì để cứu. Ông có đồng tình với quan điểm này không?
Cứ theo con số được công bố chính thức, thì 12.000 doanh nghiệp phá sản trong 3 tháng đầu năm đã là một con số rất lớn. Nhưng trên thực tế, số lượng DN báo ngừng hoạt động chắc chắn còn cao hơn rất nhiều con số mà các cơ quan thống kê, kế hoạch thông báo. Theo tôi, vấn đề này đang có tác động xấu tới thu nhập, việc làm của người lao động.
Tuy nhiên, thời gian qua cũng có không ít ý kiến cho rằng, số DN phá sản, ngừng hoạt động đó hầu hết là DN ma hoặc không cũng là DN rất nhỏ. Trong vấn đề này, muốn biết rõ thực tế của vấn đề chúng ta cần có các điều tra xã hội học kỹ càng. Cụ thể như, đã có những DN về thép quy mô rất lớn cũng phải ngưng hoạt động, thì không thể coi đó là DN nhỏ được.
Hoặc như nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn nhưng cũng phải đóng cửa. Rõ ràng thực tế này rất đáng báo động. Ngoài ra, kim ngạch hàng xuất khẩu giảm, sức mua giảm sút, hàng tồn kho tăng cao… cũng là điều cũng không thể xem thường.
- Một trong những biện pháp từng được trông chờ nhất là hạ lãi suất cho vay. Nhưng cũng nhiều ngân hàng công bố hạ lãi suất rồi mà DN nhìn chung vẫn khó lòng tiếp cận được nguồn vốn rẻ. Các nhà bằng thì cho rằng, vì DN không giải trình thuyết phục về các dự án vay của mình, trong khi DN lại cho rằng, do nhà băng làm khó. Về phía mình, ông nhìn nhận như thế nào?.
Đương nhiên các ngân hàng đưa ra những nhận định như vậy không phải không có lý bởi vì bản thân họ cũng là doanh nghiệp. Để khắc phục được tình trạng nói trên, phải tăng tính chuyên nghiệp cảu cả DN và ngân hàng. Tính chuyên nghiệp của một số DN nước ta hiện nay rất thấp dù rằng, số lượng DN đăng ký kinh doanh đã tăng lên 7 lần kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO.
Thực tế nói trên có nguyên nhân từ các cơ hội thị trường tạo ra, DN nhìn thấy nguồn tiền lớn, cho rằng có thể tăng trưởng nhanh, rồi mua ô tô đẹp, cho rằng đó là mình tài giỏi, có thể kinh doanh được, nhưng đến nay khi các khó khăn chồng chất, họ mới thấy rằng mình không có chiến lược nên mới bị vấp ngã. Điều cần thiết lúc này là cần tăng tính chuyên nghiệp cho các DN , cần nghiên cứu các mảng thị trường nào có thể làm ăn được? Đã làm ăn được thì cần có kỹ năng gì, công nghệ gì? Trong môi trường kinh doanh, không phải cứ “trời sinh voi, trời sinh cỏ”.
- Lãi suất đầu ra hiện nay khoảng 16-17%, nhiều người cho rằng đã có thể tạm hài lòng, nhưng với xu hướng lạm phát đang có dấu hiệu kiểm soát tốt hơn, theo ông liệu rằng có thể tiếp tục giảm lãi suất xuống sâu hơn nữa không?
DN lúc này đang có khó khăn rất lớn về vấn đề vốn, tiếp cận vốn đã khó, lãi suất lại quá cao. Nhiều DN không trả được nợ và khi ngân hàng xếp hạng nợ của DN, đơn vị nào vay được và trả được sẽ tiếp tục được cho vay, còn bên nào nợ sẽ bị xem xét các dự án.
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, Chính phủ cần lên một danh sách và mua lại nợ xấu của các DN, giải quyết món nợ cho họ để được vay vốn và hoạt động bình thường. Khi mua lại nợ của DN, Chính phủ sẽ có cổ phần, đại diện trong đó để giám sát và khi DN đã hoạt động bình thường, tốt hơn lúc khó khăn, lúc đó Chính phủ sẽ bán lại cổ phần, bán lại khoản nợ cũ cho DN để thu lại vốn. Đây là một bài học mà Chính phủ Mỹ đã làm với các ngân hàng, DN trong lúc ở Mỹ khó khăn và kết quả là Chính phủ đã không những cứu được DN mà còn có lãi nhiều hơn.
Hiện nay, lạm phát kỳ vọng đang dần giảm xuống, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 là 0,16%, nhưng phải thấy tác động từ tăng giá xăng chưa thực sự thấm sâu vào nền kinh tế. Đến khi giá xăng, giá gas, giá các sản phẩm khác thấm vào nền kinh tế đầy đủ hơn, thì lạm phát cũng cần phải được xét tới một cách đầy đủ hơn.
Mặt khác, chúng ta cũng không thể đòi hỏi các ngân hàng chỉ xem xét chỉ số lạm phát trong vòng một tháng, để điều chình lãi suất tiếp, trong khi đó, chỉ số lạm phát giảm cũng chỉ là lạm phát kỳ vọng. Nếu vào quý II, các chỉ số lạm phát tiếp tục giảm xuống, chắc chắn các ngân hàng sẽ hạ lãi suất tiếp bởi họ cũng rất muốn cho DN vay, để tăng hiệu quả đồng vốn.
- Xin cảm ơn ông!
Thùy Trang (thực hiện)
Pháp luật VN
|