Sản xuất công nghiệp suy giảm mạnh
Chỉ số sản xuất công nghiệp bốn tháng đầu năm đã suy giảm nghiêm trọng trong khi chỉ số tồn kho tăng cao.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng rất thấp so với 10% năm 2011 và 7,9% năm 2010.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn chỉ tăng ít như Hà Nội tăng 4,1%; TPHCM tăng 3,7%, Đà Nẵng tăng 2,4%, Đồng Nai tăng 6,7%; Hải Dương tăng 5,9%; Bình Dương tăng 5,7%.
Ngành sản xuất than chẳng hạn, theo Tổng cục Thống kê, bị ảnh hưởng nặng do thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gặp khó khăn; sản lượng than bốn tháng giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu than giảm 4,2%; tồn kho than sạch đầu tháng 4 là 6 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp bốn tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến tồn kho tăng cao, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến. Do kinh tế trong nước và thế giới gặp khó khăn nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cho sản xuất và tiêu dùng trong dân cư giảm, thị trường xuất khẩu thu hẹp; lãi suất vay mặc dù đã hạ nhưng vẫn còn ở mức cao.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-4-2012 của ngành công nghiệp chế biến tăng 32,1% so với cùng thời điểm năm trước và giảm nhẹ ở mức 0,5% so với tháng trước.
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 101,5%; chế biến và bảo quản rau quả tăng 94,8%; sản xuất các sản phẩm thuốc lá, thuốc lào tăng 90,8%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 63,4%; xay xát và sản xuất bột thô tăng 51,5%; sản xuất xi măng tăng 44,2%; sản xuất mô tô xe máy tăng 38,9%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 35,6%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 35,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 31,6%.
Để tháo gỡ khó khăn trên, theo Tổng cục Thống kê, vấn đề cần được giải quyết trước mắt là tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước để giảm lượng hàng tồn kho, kích thích sản xuất phát triển, trong đó tăng cường mở rộng mạng lưới bán lẻ hàng nội địa tại các địa phương.
Cùng với việc hạ dần lãi suất tín dụng, cần có chính sách hỗ trợ lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tư Hoàng
TBKTSG
|