Thứ Sáu, 27/04/2012 10:13

Công ty gia đình: Đi lên từ nhu cầu và sức sống mãnh liệt

Công ty gia đình có nhiều ưu điểm hơn là nhược điểm, cho dù ở đó có sự phức tạp của những mối quan hệ đan xen giữa cá nhân với công việc, có cách làm việc thấy đâu – sai đó của các ông chủ, có nỗi khổ của các gia đình khi phải chọn lựa người thân vào các vị trí cần bổ nhiệm trong công ty... Đó là nhận xét của chuyên gia kinh tế Trần Tô Tử – người có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc với các công ty gia đình.

Sau những năm tháng tạo dựng cơ nghiệp ở thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước, cả ngàn hộ làm kinh tế cá thể mới có một hộ thành công và nổi lên, hình thành tên tuổi, thương hiệu cho các công ty gia đình. Đến nay, mỗi nhà mỗi cảnh, có những ông bà chủ công ty cũng là chủ gia đình phải đối mặt với nỗi đau “con phá gia chi tử”, hoặc buồn vì con có sở thích riêng không cùng hướng với cha mẹ, hoặc lo lắng vì con kém tài không đủ khả năng gánh vác sự nghiệp, cơ ngơi tài sản gia đình… Ở tất cả các trường hợp này, chủ doanh nghiệp đều đang phân vân giữa việc giữ công ty gia đình thì trao nó lại cho ai, còn công chúng hoá (tức cổ phần hoá) thì tiếc công sức cả đời. Thế nên hạnh phúc và mãn nguyện hơn cả chính là những gia đình có con cái nối nghiệp.

Ông có nhận xét gì về mô hình quản trị của các công ty gia đình khi quy mô công ty ngày càng lớn lên?

Công ty gia đình khởi nghiệp từ nhu cầu cá nhân, nên điều hành cũng theo kiểu cá nhân. Cách quản lý của họ được giới chuyên gia gọi là “quản lý theo kiểu thuận tiện”. Tức ra lệnh miệng, thấy mặt chỉ việc, thấy đâu sai đó, không có phân công, phân nhiệm rõ ràng. Điều này phù hợp với hoạt động quy mô nhỏ, nó tạo nên sự năng động, khả năng ứng phó nhanh trong các hoàn cảnh hay tình huống khác nhau.

Tuy nhiên, khi công ty tiến lên quy mô lớn hơn, đội ngũ nhân viên tăng đến hàng trăm, hàng ngàn người thì mô hình này không còn phù hợp nữa. May thay đội ngũ kế thừa của các doanh nghiệp hầu hết đều được cho ăn học tử tế. Và thực tế hiện nay như tôi ghi nhận, đội ngũ kế thừa đang tiếp nối công việc của cha mẹ họ theo mô hình “quản lý khoa học”. Họ không ngần ngại tuyển người giỏi từ nơi khác đến, ứng dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào quản trị, phân công làm việc dựa trên năng lực và chuyên môn mà không phụ thuộc vào quan hệ thân hữu…

Tại Việt Nam hiện nay có hàng trăm ngàn hộ gia đình, cơ sở, doanh nghiệp tham gia làm kinh tế, nên chăng tất cả các nơi này đều học tập và áp dụng các mô hình quản lý khoa học?

Không hẳn như vậy. Trong công ty gia đình, ông chủ ra quyết định thường mạnh mẽ, dứt khoát (vì tiền, vốn, quyền tập trung trong tay một người). Cách quản lý của công ty gia đình tuy không khoa học, thậm chí ra quyết định có phần ngẫu hứng, đầy tính phiêu lưu, nhưng chính điều này góp phần tạo nên sự thành công của họ vì bản chất của kinh doanh phải có mạo hiểm.

Trong khi đó, nếu áp dụng mô hình quản lý khoa học, trách nhiệm điều hành của người quản lý đôi khi không gắn chặt với quyền lợi mà họ được hưởng. Sự e ngại bị quở trách khiến họ chùn chân, nên trước một quyết định quan trọng thì hầu hết đều rất cẩn thận tham khảo ý kiến nhiều phòng ban, nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh rủi ro. Sự chờ đợi có thể làm lỡ mất cơ hội. Quản lý kiểu khoa học, phân công phân nhiệm rõ ràng, bộ máy thường cứng nhắc, vì phải chờ lệnh bằng giấy tờ văn bản, kém linh hoạt.

Ớ khía cạnh khác, điều hành công ty theo mệnh lệnh cá nhân thể hiện trách nhiệm “chết sống” với công ty, bởi ngay cả khi họ quyết định sai dẫn đến thất bại, thì cá nhân vẫn ở lại gánh các khoản nợ nần với công ty. Điều này hiếm khi xảy ra với các giám đốc làm thuê.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, tôi thấy nhiều doanh nghiệp đang sử dụng mô hình quản lý vừa có tính khoa học, lại vừa có tính thuận tiện để xử lý tình huống nhanh hơn. Chính ở chỗ này, tôi thấy được ưu điểm nổi bật của thế hệ quản lý doanh nghiệp đang kế thừa ở các công ty gia đình. Họ vẫn tiếp nối cách quản lý thuận tiện trước kia, nhưng khắc phục những nhược điểm, chẳng hạn như thuê tư vấn để hạn chế rủi ro khi ra quyết định quan trọng, phân tán trách nhiệm cho cấp dưới chứ không tập trung vào chỉ một người…

Tại sao ông cho rằng chỉ công ty gia đình mới có sức sống mạnh mẽ?

Tại Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu và khảo sát kỹ lưỡng về các công ty gia đình. Nhìn ra thế giới, những tập đoàn hùng mạnh của Nhật, Hàn Quốc, châu Âu… hầu hết đều xuất phát từ công ty gia đình. Ở Mỹ, có thể do sự khác biệt về văn hoá và lối sống, nhưng doanh nghiệp lớn của họ như Microsoft vẫn khởi nguồn từ mối quan hệ của những người bạn thân.

Công ty gia đình có chất keo gắn bó của mối quan hệ vợ chồng, anh em ruột thịt, bạn bè, lại có thêm triết lý kinh doanh, tạo nên sức mạnh khổng lồ cho họ. Trong các công ty gia đình, người đứng đầu công ty có thể xem là linh hồn doanh nghiệp. Họ gắn mọi nghĩa vụ và mọi quyền lợi với công ty, nên họ rất dễ để tạo sự đồng thuận cho các chiến lược, kế hoạch kinh doanh, ngay cả khi các thành viên dưới quyền không thích, cũng không dám phản đối họ. Điều này rất khác với doanh nghiệp nhà nước luôn xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc” hay ở các công ty đại chúng, những người xa lạ với nhau tập hợp lại kinh doanh nên hễ vui thì ở bất hoà thì rã gánh.

Nhược điểm của công ty gia đình chủ yếu nằm ở mối quan hệ gia đình đan xen với trách nhiệm công việc. Tôi đã chứng kiến các lãnh đạo doanh nghiệp gia đình đau đầu, mất thời gian nhất ở xử lý các mối quan hệ. Nhưng ở đây cần nhìn ra điểm mạnh. Chẳng hạn như tại sao công ty gia đình ưu tiên chọn người thân vào vị trí quan trọng, là vì họ cần tính bảo mật và cần sự dũng cảm (gắn với trách nhiệm rất nặng) mỗi khi ra quyết định. Cái khổ của sự chọn lựa người thân vào vị trí thích hợp thường được đền đáp xứng đáng bằng việc họ sẽ gắn cả cuộc đời (và cả gia đình riêng của người thân đó) vào với công ty.

Theo ông, tại Việt Nam hiện nay, cần những biện pháp hỗ trợ gì để các công ty gia đình phát triển?

Tại Nhật Bản, bề nổi là công ty lớn, nhưng phần chìm lớn hơn nhiều lần là các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống, hộ cá thể. Nền kinh tế Đài Loan cũng đi lên từ các công ty gia đình. Nếu xem các tập đoàn kinh tế lớn là bước chân khổng lồ thì công ty gia đình là những bước chân nhỏ, họ tạo ra hàng hoá đan xen lan toả khắp thị trường. Sức cạnh tranh với hàng nhập, sản phẩm để tiêu thụ nội địa đều phải dựa vào các công ty gia đình này. Có được sự hỗ trợ của các hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước là điều tốt, nhưng quan trọng hơn công ty gia đình phải đi lên từ chính nhu cầu và sức sống mãnh liệt của nó. Mà hơn hết, linh hồn của công ty, cũng là người đặt nền tảng văn hoá, truyền thống cho công ty sau này phải là ông chủ của công ty.

Minh Thành (thực hiện)

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Đồng Tháp: Ngân hàng thừa tiền - doanh nghiệp thiếu vốn (27/04/2012)

>   Doanh nghiệp tự cứu bằng giảm giá (27/04/2012)

>   Chủ nhà trọ và tập đoàn kinh tế nhà nước (26/04/2012)

>   Trung Quốc yêu cầu thêm giấy chứng nhận thủy sản nhập khẩu (26/04/2012)

>   EVN không đồng tình phát hành trái phiếu xử lý nợ (26/04/2012)

>   "Đầu ra ngành thép: Cứ để thị trường tự quyết định" (26/04/2012)

>   Vì sao giá thuốc vẫn “vượt rào”? (26/04/2012)

>   6.700 doanh nghiệp chết: Vẫn chưa giải mã nổi (26/04/2012)

>   Cân nhắc cơ chế giá điện riêng cho thép và ximăng (25/04/2012)

>   Hãng tàu tăng phụ phí xăng dầu (25/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật