Chủ nhà trọ và tập đoàn kinh tế nhà nước
Năm 2011, hơn 60.000 chủ nhà trọ ở TPHCM đã cam kết với chính quyền địa phương không tăng giá cho thuê nhà đến cuối năm. Năm 2012, thống kê của Ban Dân vận Thành ủy cho biết, đến đầu tháng 4-2012 đã có hơn 56.000 chủ nhà trọ cam kết giữ giá cho đến cuối năm.
Cơn bão giá trong thời gian qua, sự đình trệ sản xuất vào thời điểm hiện nay, đã tác động đến hầu như tất cả người dân và doanh nghiệp. Có thể hành động của các chủ nhà trọ ở TPHCM không bớt được nhiều chi phí cho người thuê, nhưng ít ra nó cũng giúp người lao động nghèo - những người phải tha hương để kiếm sống, giảm chút ít áp lực chi tiêu. Và trên hết, đó còn là sự đồng cảm, sẻ chia giữa con người với nhau trong lúc khó khăn. Trong khi đó, các tập đoàn năng lượng nhà nước, những doanh nghiệp nắm trong tay yết hầu của cả nền kinh tế, lại hành xử khác. Họ liên tục đòi hỏi tăng giá, bất kể hàng chục, thậm chí là hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang khốn đốn.
Lập luận thường thấy: cần thực hiện theo cơ chế thị trường, phải tăng giá vì chi phí đầu vào đã tăng. Nếu không tăng giá bán thì sẽ không có vốn để đầu tư hoặc với giá này thì không thể đủ cho đại lý trang trải chi phí...
Những yêu cầu trên sẽ là rất chính đáng nếu nền kinh tế không phải đang trong hoàn cảnh rất khó khăn và các tập đoàn, công ty này không phải là doanh nghiệp nhà nước, được hưởng những đặc quyền vượt trội. Những doanh nghiệp mà mục tiêu được Nhà nước giao phó không chỉ là kiếm tiền.
Cho đến nay, doanh nghiệp nhà nước vẫn được xác định là đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; làm đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội; là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế; tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần khác cùng phát triển... Và để thực hiện vai trò đó, khối doanh nghiệp này cũng được trao nhiều đặc quyền. Đó là việc kiểm soát gần như toàn bộ các nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia: dầu khí, than đá, thủy điện...; nắm độc quyền các ngành then chốt, trong đó có năng lượng; chi phối đến 60% tín dụng trong nước, gần 70% nguồn vốn ODA cùng khối tài sản đất đai và bất động sản rất lớn...
Hơn lúc nào hết, giai đoạn khó khăn và căng thẳng như hiện nay là lúc các tập đoàn kinh tế nhà nước, nhất là những tập đoàn đang nắm trong tay yết hầu của nền kinh tế là năng lượng, phải thể hiện vai trò điều tiết vĩ mô, bình ổn thị trường để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác phát triển.
Các đòi hỏi tăng giá năng lượng liên tục của một số tập đoàn, công ty thời gian qua phải chăng là nhằm điều tiết vĩ mô, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác phát triển? Hay chỉ tạo ra bấp bênh và đẩy hàng ngàn doanh nghiệp khác vào đường cùng? Không thấy bóng dáng của sự đồng cảm giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giống như giữa các chủ nhà trọ và người thuê trọ. Đó là chưa nói đến mọi lỗ lã của các tập đoàn điện, xăng dầu... do làm nghĩa vụ bình ổn thị trường đều sẽ được Nhà nước bù, còn các chủ nhà trọ thì chẳng có ai chia sẻ với họ.
Và trong khi các tập đoàn luôn đòi hỏi bán sản phẩm theo giá thị trường, thì chi phí đầu vào của họ đến nay vẫn còn là ẩn số. Những sai phạm tài chính lên đến hàng ngàn, chục ngàn tỉ đồng ở một số tập đoàn được Thanh tra Chính phủ công bố gần đây, khiến chúng ta không khỏi nghi ngờ và lo lắng.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
|