Nghị định 24 - liệu pháp mạnh bình ổn thị trường vàng
Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là một bước đi khá quan trọng hướng tới nhiều mục tiêu, là “liệu pháp” cần thiết để chữa trị những căn bệnh kinh niên trên thị trường vàng trong nước thời gian qua.
Chỉ doanh nghiệp “khỏe” mới tồn tại
Có thể khẳng định, Nghị định 24 đã đưa ra những giải pháp lập lại trật tự hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, trong đó Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Với quy định này, người dân hoàn toàn yên tâm về chất lượng vàng miếng và độ an toàn của tài sản mình nắm giữ. Cùng với đó, các đại lý kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do cũng sẽ bị thu hẹp , chỉ ưu tiên cho các ngân hàng thương mại có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, có mạng lưới lớn và các doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng, số thuế đã nộp trên 500 triệu đồng/năm và phải có chi nhánh trên 5 tỉnh, thành…
Như vậy, doanh nghiệp muốn tham gia thị trường vàng phải thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ ngân sách và có “sức khỏe” tốt. Tình trạng doanh nghiệp trục lợi, lũng đoạn thị trường sẽ bị loại trừ.
Khi Nghị định 24 có hiệu lực, hoạt động kinh doanh vàng miếng được quản lý chặt chẽ hơn, sẽ có nhiều cửa hàng vàng là hộ cá thể kinh doanh trên thị trường tự do không đủ điều kiện được cấp phép hoạt động.
Theo ước tính, sẽ có khoảng 12.000 hộ kinh doanh vàng nhỏ lẻ sẽ phải ngưng kinh doanh vàng miếng.
Ngoài ra, sẽ có hàng nghìn cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ theo quy mô gia đình cũng sẽ không được sản xuất vàng nữ trang, do quy định khá chặt về điều kiện sản xuất nữ trang là doanh nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết.
Về việc rất nhiều công ty kinh doanh vàng miếng không đáp ứng được yêu cầu của Nghị định 24 có thể phải đột ngột đóng cửa, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước, cho biết Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo thông tư thực hiện Nghị định 24. Theo dự kiến, thời hạn chuyển tiếp đối với các đơn vị đang kinh doanh mua, bán vàng miếng tối thiểu là sáu tháng.
Như vậy, các đơn vị hiện đang kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ có ít nhất bảy tháng rưỡi (kể từ khi Nghị định 24 được ký ban hành) để tiếp tục kinh doanh mua, bán vàng miếng và có thời gian hoàn tất thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc chuẩn bị chuyển hẳn sang sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại Nghị định.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng Giám đốc Công ty PNJ, cho rằng Nghị định 24 sẽ tạo được nhiều tích cực cho nền kinh tế, chống lại hiện tượng “vàng hóa,” xóa bỏ được việc đầu cơ vàng và theo đó dòng vốn từ tích trữ vàng sẽ được chuyển vào sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, trong Nghị định 24 có nói đến việc quy hoạch lại hệ thống các cửa hàng kinh doanh nữ trang, thay vì thả lỏng như lâu nay.
Như vậy, khi hệ thống cửa hàng kinh doanh nữ trang được quy hoạch lại, chắc chắn chất lượng nữ trang cũng được kiểm soát và được đảm bảo hơn trước.
Quyền lợi của người dân vẫn đảm bảo
Ngân hàng Nhà nước khẳng định nhu cầu mua, bán vàng của người dân sẽ được đáp ứng không chỉ thông qua mạng lưới các điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng của các doanh nghiệp mà còn cả các tổ chức tín dụng.
Các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng có thể mở thêm chi nhánh hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng để phục vụ nhu cầu của người dân.
Đối với tổ chức tín dụng, hiện nay, chỉ riêng số điểm giao dịch của một số ngân hàng tham gia hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng đã lên tới hàng nghìn điểm giao dịch.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo một số doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tích cực triển khai hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng trên mạng lưới của mình.
Các điểm giao dịch vàng miếng tập trung số lượng lớn ở hai thành phố lớn có nhu cầu mua, bán vàng miếng cao là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời tất cả các tỉnh, thành phố thuộc trung ương sẽ có điểm giao dịch mua, bán vàng miếng.
Do vậy, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu mua, bán vàng miếng của người dân. Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, quy định tại Nghị định 24 không phân biệt đối xử giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác.
Các loại vàng miếng bao gồm cả vàng miếng SJC và “phi” SJC thuộc sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ, vẫn được mua bán, trao đổi tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sau thời hạn chuyển tiếp do Ngân hàng Nhà nước quy định. Do đó, người dân cần bình tĩnh, thận trọng trước các thông tin thất thiệt liên quan đến vàng miếng khác để tránh các thiệt hại không đáng có.
Theo tiến sỹ Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, có thể coi Nghị định 24 là biện pháp làm cho thị trường tốt lên.
Trước đây chúng ta dường như “thả lỏng” kinh doanh vàng miếng, vì vậy mà thị trường đôi khi rối loạn bởi những yếu tố đầu cơ, tâm lý đám đông. Nay Nghị định 24 ra đời đồng nghĩa với việc sẽ khống chế mặt sản xuất, kinh doanh để đảm bảo chất lượng vàng, hạn chế yếu tố đầu cơ, thị trường được kiểm soát chặt chẽ hơn, ổn định hơn.
Cùng với đó, quyền lợi của người dân cũng được đảm bảo, việc kinh doanh vàng cũng minh bạch, công khai hơn./.
Đỗ Huyền
Vietnam +
|