'Thượng phương bảo kiếm' cho thị trường vàng
Xoay quanh những nội dung, quy định đã được đề ra trong Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về Quản lý kinh doanh vàng, phóng viên báo DĐDN đã tiếp xúc với nhiều DN kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, chế tác và phân phối vàng miếng. Hầu hết, các đại diện DN đều có bày tỏ sự đồng thuận với NĐ 24, và cho rằng đây là NĐ có những quy định, rõ ràng, chặt chẽ, có ý nghĩa tích cực đối với sự ổn định và phát triển của thị trường vàng VN.
Thứ nhất, phần lớn các DN cho rằng NĐ 24 không hề gây “sốc”, bởi nhiều DN đã có sự chuẩn bị trong suốt 1 năm qua, kể từ khi Nghị quyết 11 NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/2/2011 yêu cầu NHNN trong quý 2/2011 trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới; theo đó, NHNN cũng đã sớm có những thảo luận với các DN kinh doanh vàng miếng để đưa ra định hướng quản lý thị trường vàng từ giữa tháng 4/2011. Do đó, nếu DN nào còn cảm thấy “sốc” vì các quy định chặt chẽ trong NĐ 24, thì đó chỉ có thể là vì DN chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để thích ứng với yêu cầu của cơ quan quản lý, hoặc không muốn buông bỏ những lợi ích mà DN có được nhiều hơn nếu tham gia kinh doanh trong một thị trường vàng nhiều biến động.
Thứ hai, có DN cho rằng trong mấy chục năm qua, thị trường vàng đã được quản lý khá lỏng lẻo, có thể nói là gần như chưa có sự kiểm soát tổng quát và cụ thể, chi tiết từ thị trường, DN tới người dân. Trong sự lỏng lẻo đó, phải nhìn nhận rằng đã có sự tham gia, “tiếp tay” của người dân với các hoạt động tự do mua – bán vàng không phải tuân thủ bất kỳ quy định nào. Với một thị trường trôi nổi tự do, nhà nước cũng bất lợi vì thất thu thuế. Do đó, cần thấy rằng việc đưa ra những quy định cụ thể cho một thị trường vàng là cần thiết để chấm dứt tình trạng phi minh bạch và tập trung lợi ích cho một nhóm, hoặc những người làm giàu một cách phi pháp...”, một đại diện DN nói.
Điểm tích cực thứ ba trong NĐ 24, là Chính phủ đã chỉ rõ danh tính những cơ quan cấp Bộ cùng NHNN chịu trách nhiệm tương tác xây dựng, ổn định và phát triển thị trường vàng, trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý giám định chất lượng vàng. Đây là một bước tiến dài so với những quy định chung chung trong NĐ 174/199/NĐ-CP. Đó là điều giúp những DN làm ăn minh bạch kỳ vọng sẽ không còn tình trạng các DN cùng cạnh tranh và tìm cách gia tăng lợi nhuận bằng nhiều chiêu thức như gian lận tuổi vàng, trọng lượng, khiến thương hiệu vàng miếng VN trong mắt các tổ chức quốc tế ít được tin cậy, thương mại mậu biên trong khu vực và trên trường quốc tế trong lĩnh vực kinh doanh vàng theo đó cũng bị hạn chế. Song song, một số đại diện DN cũng bày tỏ kỳ vọng việc quy định rõ “chuẩn” cấp phép kinh doanh vàng miếng của DN sẽ có ý nghĩa hạn chế sự lộn xộn và cạnh tranh thiếu lành mạnh trong một lĩnh vực kinh doanh tiền tệ đặc biệt cần có những DN có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn về vốn, công nghệ, quản trị kinh doanh vàng...
Vấn đề là với NĐ 24, thị trường trong nước liệu có sớm ổn định và liên thông với thị trường quốc tế ? Một DN chỉ ra rằng sở dĩ trước nay vàng trong nước và quốc tế không có sự liên thông, là do thị trường vàng thuộc về DN. Mục tiêu của DN là lợi nhuận, vì vậy DN không có nhu cầu và trọng trách phải đảm bảo sự liên thông này, ngược lại, còn đẩy lùi cơ hội giúp thị trường trong, ngoài liên thông để có thể gia tăng lợi nhuận. Nay, nếu NHNN độc quyền phát vàng, như đã thực thi trong lĩnh vực phát hành tiền đồng VN, thì đó là một cơ hội lớn để sự liên thông sớm đi vào hiện thực. Một khi thương hiệu vàng miếng SBV trở thành thương hiệu vàng quốc gia, vì lợi ích quốc gia và người dân trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN sẽ không có trọng trách… chạy theo lợi nhuận từ kinh doanh vàng. Theo đó, nền tảng để ổn định thị trường vàng trong sự kiểm soát chặt chẽ và điều kiện NHNN độc quyền “phát hành” vàng miếng, đã và đang được xây từ NĐ 24.
Cùng với đó, một đề án huy động vàng trong dân sẽ được NHNN triển khai ra sao, có song song và “song kiếm hợp bích” phối hợp “ăn ý” cùng NĐ 24 để đưa thị trường vàng VN vào quỹ đạo phát triển ổn định, bền vững hay không, cũng là băn khoăn và mong đợi của nhiều DN kinh doanh vàng, lẫn các tổ chức Ngân hàng và cả người dân. Để NĐ 24 khi chính thức có hiệu lực và đi vào triển khai có hiệu quả như mong đợi, chắc chắn, không thể thiếu những nội dung chi tiết cũng cần sớm được ban hành và thi triển từ đề án này.
Lê Mỹ
Diễn đàn doanh nghiệp
|