Ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận đổ dồn vào nửa cuối năm
Trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay thấp hơn năm trước thì kế hoạch lợi nhuận của hầu hết ngân hàng lại tăng cao.
Ba quý đầu năm tăng trưởng tín dụng âm, các nhà băng đang phải chạy đua với thời gian để hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Điều đáng nói là khi các nghiệp vụ như kinh doanh vàng và các sản phẩm phái sinh vốn là thế mạnh của không ít nhà băng lớn hiện phải hạn chế, thu hẹp, kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng vẫn chủ yếu trông chờ hoạt động tín dụng.
Đơn cử như ACB, chỉ tiêu lợi nhuận năm nay tương đối cao với 5.500 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi của cổ đông trong ĐHCĐ ngày 30/3 vừa qua, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho biết, với quy mô lợi nhuận năm 2011 tăng 30 - 35%, chỉ tiêu đưa ra năm nay tăng trưởng tương ứng. Ngân hàng kỳ vọng hoạt động ngân quỹ sẽ tăng thêm. Tuy nhiên, thu nhập ròng từ lãi vẫn chiếm 70% lợi nhuận của ACB trong năm 2012 này, thu từ dịch vụ 20% và 10% từ kinh doanh vàng, ngoại tệ…
Thực tế, nguồn thu từ hoạt động cho vay vẫn đóng góp chính vào lợi nhuận của ACB trong năm qua. Cụ thể, lợi nhuận năm 2011 của Tập đoàn ACB đạt 4.219 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước đó, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2011.
Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay là 17%, thấp hơn so với mức 20% của năm trước, ACB cho biết, chỉ tập trung đẩy nhanh dư nợ ở lĩnh vực bán lẻ, DN vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân. Thế nhưng, trước bối cảnh thị trường khó khăn, tình hình tăng trưởng tín dụng khó khăn do lãi suất còn là rào cản, ACB cũng không thể tránh được áp lực về lợi nhuận. Lợi nhuận quý I/2012 của ACB chỉ đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Như vậy, trong 3 quý còn lại, Ngân hàng phải đạt con số lợi nhuận 4.400 tỷ đồng.
Hiện ACB đang đưa ra nhiều gói vốn với lãi suất ưu đãi như: 1.000 tỷ đồng hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ tái cấu trúc tài chính; 7.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân và giảm dần lãi suất còn 17,5 - 18%/năm cho khách hàng DN; 18 - 19%/năm cho cá nhân. Thế nhưng, lãnh đạo ACB cho biết, dư nợ khó tăng vì hiện các DN vừa và nhỏ đang gặp khó khăn.
Ngân hàng cũng phải chọn lọc kỹ khách hàng nhằm hạn chế nợ khó đòi gia tăng. ACB kỳ vọng, dư nợ sẽ được cải thiện từ tháng 4 này, khi mặt bằng lãi suất cho vay dần được điều chỉnh theo trần lãi suất huy động dự báo tiếp tục giảm.
Lợi nhuận trước thuế của Sacombank trong quý I/2012 ước đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Ngân hàng này xây dựng kế hoạch lợi nhuận cả năm nay là 3.300 tỷ đồng, nhưng chỉ tiêu phấn đấu vào khoảng 3.500 - 3.700 tỷ đồng. Trong tổng nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận của Sacombank thì tín dụng vẫn là mảng chiếm ưu thế. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng, trong bối cảnh khó khăn chung, dư nợ trong hơn 3 tháng qua cũng không mấy khả quan. Các gói vốn Sacombank đưa ra hỗ trợ DN trong lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất - kinh doanh và nông nghiệp, nông thôn với lãi suất ưu đãi mức thấp nhất còn 16,5%/năm, thế nhưng tình hình giải ngân vẫn chậm.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sacombank cho rằng, khả năng tín dụng sẽ dần được cải thiện từ quý II này và sau đó dần tăng lên khi mùa kinh doanh cao điểm của DN cận kề. Do đó, lợi nhuận của Ngân hàng kỳ vọng cao hơn vào các quý cuối năm.
Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế được OCB xây dựng cho năm 2012 ở mức 550 tỷ đồng so với mức đạt được của năm trước là 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng như mức tăng trưởng tín dụng âm của toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng của OCB trong quý I/2012 âm 2%. Vì thế, ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB cho biết, lợi nhuận trước thuế đạt được quý I vừa qua không như mong đợi.
Lợi nhuận trước thuế của OCB trong quý I/2012 đạt khoảng 100 tỷ đồng. Như vậy, để hoàn thành được chỉ tiêu lợi nhuận cả năm, trong 3 quý còn lại, OCB phải đạt con số lợi nhuận hơn 450 tỷ đồng. Theo ông Tuấn, chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm nay là áp lực lớn, bởi hoạt động cho vay trong năm 2012 rất khó và chỉ kỳ vọng vào 2 quý cuối năm khi mặt bằng lãi suất giảm, nhu cầu vốn của DN tăng lên trong mùa kinh doanh cuối năm.
Trên thực tế, nguồn thu từ hoạt động tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận của các ngân hàng. Riêng tại OCB, với mức lợi nhuận trước thuế đạt được của năm trước là 400 tỷ đồng thì nguồn thu từ tín dụng chiếm khoảng 80%. Năm nay, OCB cũng chỉ kỳ vọng nguồn thu từ tín dụng đạt khoảng 75%.
Thế nhưng, hoạt động cho vay trong năm nay được dự báo sẽ có nhiều khó khăn và xu hướng nợ xấu gia tăng là khó tránh khỏi, khi khả năng trả nợ của DN suy giảm sau một thời gian dài đối mặt với khó khăn. Nợ xấu tăng khiến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng gia tăng làm lợi nhuận bị thu hẹp. Điển hình như năm 2011, chi phí dự phòng rủi ro của OCB tăng cao, gấp 4 lần năm 2010, khoảng 76,6 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế 2011 thậm chí còn thấp hơn năm 2010 gần 1%. Ngân hàng này cũng đang kỳ vọng, những quý cuối năm, khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm dần, hoạt động cho vay sẽ cải thiện tốt hơn để giảm rủi ro nợ xấu, giảm các khoản trích lập dự phòng và từ đó, khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sẽ cao hơn.
Thùy Vinh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|