ĐHĐCĐ thường niên 2012
MCP: Cổ đông nhà nước lại phủ quyết các vấn đề quan trọng
Chỉ trong vòng vài ngày, cổ đông nhà nước với tỷ lệ sở hữu lớn đã dùng “quyền lực” của mình để phủ quyết các tờ trình ở hai công ty cổ phần.
Cụ thể, ngay sau khi phủ quyết 3 vấn đề tại CTCP Kho vận miền Nam – Sotrans (HOSE: STG) ít ngày trước, cổ đông nhà nước tiếp tục bác bỏ hai nội dung quan trọng tại ĐHĐCĐ thường niên 2012 của CTCP In & Bao bì Mỹ Châu (HOSE: MCP) vừa kết thúc sáng ngày 22/04.
Với tỷ lệ nắm giữ 38% vốn cổ phần, cổ đông nhà nước không đồng ý với tờ trình của HĐQT MCP về việc phát hành hơn 3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 10:3 và giá phát hành 10,000 đồng/cp.
Mục đích phát hành được HĐQT đưa ra là để đầu tư dây chuyền sản xuất lon hai mảnh, máy hàn thân lon hiệu Soudronic, máy xếp lon, máy cắt phôi tự động… cũng như bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại Đại hội, đa số cổ đông nhỏ đều nhất trí với đề xuất trên vì họ cho rằng, hiện tại vốn điều lệ của MCP chỉ có 103 tỷ đồng, tương đương 5 triệu USD, quá nhỏ để một doanh nghiệp phát triển.
Đã thế, trong nguồn vốn hoạt động của công ty có tới 70% vốn vay từ ngân hàng, 30% là vốn tự có. HĐQT và cổ đông nhỏ cho rằng, nếu công ty làm ăn có lãi và ổn định, tại sao không chủ động nguồn vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông để tăng vốn mà cứ phải vay ngân hàng để rồi phụ thuộc vào lãi suất.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thuần, đại diện cho các cổ đông nhà nước lại cho rằng nhu cầu đầu tư của công ty hiện giờ thấp hơn nguồn vốn tự có, nên việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn chưa thực sự cần thiết. Khi phát hành cổ phiếu để tăng vốn thì vốn đó phải được sử dụng cho những mục tiêu dài hạn, vị này đề nghị các cổ đông nên cân nhắc lại.
Ông Thuần cũng bày tỏ sự không đồng tình với đề nghị của HĐQT về việc Đại hội ủy quyền cho HĐQT giải quyết một số vấn đề thuộc thẩm quyền ĐHĐCĐ nhằm chủ động và kịp thời khi có phát sinh giữa hai kỳ đại hội. Cụ thể, các vấn đề xin được ủy quyền là quyết định cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, nhân sự của Công ty, thù lao của HĐQT, BKS và tổng quỹ lương cho cán bộ nhân viên; phương án liên doanh liên kết trong và ngoài nước; phương án xây dựng cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, đầu tư phát triển; quyền lựa chọn Công ty kiểm toán…
Ông Thuần cho rằng, các nội dung trên vượt quá điều lệ mà Ủy ban chứng khoán nhà nước đặt ra. Do vậy, công ty nên làm theo luật.
Với khoảng 100 đại biểu Đại hội, chiếm 87.74% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, nhưng cổ đông nhà nước đã nắm 38% nên dù đa số cổ đông đều nhất trí với những nội dung mà HĐQT đưa ra, nhưng hai tờ trình này đều không được thông qua vì chưa đạt tới 65% như quy định.
Riêng kế hoạch kinh doanh năm 2012 vẫn được thông qua với chỉ tiêu doanh thu 450 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 45 tỷ đồng và cổ tức tối thiểu 18% bằng tiền mặt.
Đây cũng là năm đầu tiên MCP hoạt động với nhiệm kỳ mới của HĐQT 2012 – 2016. Tầm nhìn của công ty đến năm 2016 sẽ có doanh thu 1,000 ty đồng và lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng, tốc độ tăng trường bình quân hàng năm từ 10 – 15%.
Trong nhiệm kỳ này, công ty sẽ chú trọng nghiên cứu, đầu tư phát triển thêm nhà máy sản xuất bao bì kim loại ở các KCN lân cận TPHCM nhằm có cơ sở ổn định và phục vụ phát triển trong tương lai.
Ông Trần Thành Tùng, Trưởng Ban Kiểm soát, Phụ trách Công bố thông tin MCP cho biết thêm trong quý 1/2012, MCP đạt khoảng 87 tỷ doanh thu, bằng 110% so với cùng kỳ của năm 2011, lợi nhuận ước tính tương đương, với khoảng 7.7 tỷ đồng.
Năm 2011 vừa qua, các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận của MCP đều vượt mạnh so với kế hoạch. Cụ thể, doanh thu đạt 411 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2010 và vượt kế hoạch 29%. Lợi nhuận sau thuế đạt 34.4 tỷ đồng, tăng 87% so với năm 2010, vượt kế hoạch 70%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế của MCP là 12.16%, cao hơn mức 6.81% bình quân ngành.
Với mức lợi nhuận trên, cổ đông nhất trí chia cổ tức 22% bằng tiền mặt, cao hơn dự kiến tại kỳ Đại hội trước là 18%.
Đậu Dung (Vietstock)
Finfonet
|