Chủ Nhật, 22/04/2012 17:17

Ngân hàng thêm động lực niêm yết

Thất bại trong kế hoạch niêm yết cổ phiếu năm 2011 do TTCK sụt giảm, bước sang năm 2012, nhiều ngân hàng đang khởi động lại lộ trình lên sàn chứng khoán.

ĐHCĐ các ngân hàng mùa này đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, cổ đông, bởi vấn đề hợp nhất, sáp nhập ngày một nóng. Bên cạnh đó, một nội dung gây chú ý không kém là vấn đề niêm yết cổ phiếu để tạo tính minh bạch và tìm cơ hội huy động vốn cũng được không ít ngân hàng đặt ra.

Chủ tịch HĐQT DaiABank, ông Quách Văn Đức cho biết, năm nay Ngân hàng sẽ thực hiện niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP. HCM theo tinh thần nghị quyết ĐHCĐ. Tính đến cuối năm 2011, vốn điều lệ của DaiA Bank đạt 3.000 tỷ đồng và trong kế hoạch năm nay, DaiA Bank chưa có ý định tăng thêm vốn điều lệ.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc NamABank dự kiến khi nào sẽ niêm yết cổ phiếu, trong kỳ ĐHCĐ thường niên diễn ra vào ngày 31/3 vừa qua, bà Nguyễn Thị Xuân Loan, Chủ tịch HĐQT NamABank cho biết, có thể năm nay sẽ đưa cổ phiếu của Ngân hàng lên sàn. Tuy nhiên, đối với việc mua bán, sáp nhập với ngân hàng khác trong thời gian tới, bà Loan cho biết, năm 2011 là một năm khó khăn, nhưng NamABank đã vượt qua, đảm bảo thanh khoản an toàn với lợi nhuận trước thuế đạt 312 tỷ đồng. Do đó, năm 2012 NamA Bank sẽ dùng nội lực của mình để phát triển và kiên quyết không lựa chọn hình thức mua bán, sáp nhập. Chỉ tiêu lợi nhuận năm 2012 của ngân hàng này dự kiến cao gần gấp đôi năm ngoái, ở mức 600 tỷ đồng.

Cũng tại đại hội năm nay, ĐHCĐ NamABank đã thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng. Theo đó, dự kiến quý IV/2012, NamA Bank sẽ phát hành thêm 70 triệu cổ phiếu (tương đương 700 tỷ đồng) thông qua việc bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP. Trong đó, 350 tỷ đồng từ tổng số tiền thu về từ đợt phát hành thêm sẽ được NamABank dùng vào việc mua sắm tài sản cổ định, xây dựng cơ sở vật chất, phát triển mạng lưới…; 280 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho các lĩnh vực nghiệp vụ như hoạt động đầu tư thương mại, đầu tư tài chính; 70 tỷ đồng còn lại sẽ được NamABank dùng để phát triển các sản phẩm tín dụng. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NamABank năm 2012 là 15%.

SouthernBank vừa thông báo xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc niêm yết cổ phiếu trong thời hạn 1 năm kể từ sau khi tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng. Việc làm này của SouthernBank là nhằm đáp ứng yêu cầu của UBCK về việc bổ sung cam kết đưa cổ phiếu Ngân hàng vào giao dịch trên TTCK có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng (trong đợt tăng vốn điều lệ từ hơn 3.212 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng), theo quy định tại Điểm 7 và 8 Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán.

Với DongABank, dù kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên TTCK đã được ĐHCĐ thông qua từ các năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Tại ĐHCĐ thường niên diễn ra vào ngày 30/3, các cổ đông đã đưa vấn đề này ra chất vấn HĐQT.

Trả lời về nội dung trên, ông Phạm Văn Bự, Chủ tịch HĐQT DongABank cho rằng, với kế hoạch tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng đã được ĐHCĐ DongA Bank thông qua năm trước, Ngân hàng có ý định phát hành 900 tỷ đồng vốn điều lệ cho đối tác chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, do TTCK sụt giảm, cổ phiếu ngân hàng cũng sụt giảm theo, thậm chí giảm về dưới mệnh giá. Vì vậy, HĐQT DongABank xét thấy, việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài trong bối cảnh này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của cổ đông, nên Ngân hàng quyết định chưa bán cho cổ đông nước ngoài. Đây cũng chính là lý do khiến DongA Bank chưa muốn niêm yết cổ phiếu trên TTCK tập trung, dù kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE đã được ĐHCĐ thông qua từ các năm trước.

Techcombank tiếp tục xin ý kiến cổ đông về việc ủy quyền không thời hạn cho HĐQT quyết định thời điểm niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chính thức trong kỳ họp ĐHCĐ vào ngày 28/4 tới. Trước đó, tại cuộc họp thường niên năm 2011, ĐHCĐ Techcombank đã thông qua nghị quyết về việc ủy quyền toàn bộ cho HĐQT xem xét, quyết định việc niêm yết cổ phiếu. Tuy nhiên, do bối cảnh kinh tế và thị trường chưa thuận lợi, Techcombank quyết định chưa thực hiện niêm yết.

Tính đến nay, đã có 9 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung. Gần đây, cùng với sự ấm lại của TTCK, cổ phiếu khối ngân hàng đang tìm lại vị thế vốn có của mình. Đó có thể cũng là động lực để các nhà băng đã có kế hoạch lên sàn quyết tâm hơn đối với việc niêm yết cổ phiếu.

Thùy Vinh

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   MCP: Cổ đông nhà nước lại phủ quyết các vấn đề quan trọng (22/04/2012)

>   PDR: Hé lộ kinh doanh thêm ngành nghề mới (21/04/2012)

>   CSM: Khởi động lại dự án lốp Radial với tổng vốn gần 1,000 tỷ (21/04/2012)

>   Vì sao PAC liên tục "quên" trích dự phòng trợ cấp thôi việc? (21/04/2012)

>   KLS: Đại hội thường niên 2012 lần thứ hai cũng thất bại (23/04/2012)

>   HHG: Chỉ tiêu lãi ròng 2012 đạt 7.2 tỷ đồng (20/04/2012)

>   KDC: Sáp nhập Vinabico, tăng vốn lên 1,676 tỷ đồng (21/04/2012)

>   RIC đề ra chỉ tiêu lợi nhuận tăng 75% trong năm 2012 (23/04/2012)

>   Ngân hàng Mê Kông thông qua kế hoạch lãi 401 tỷ đồng, giảm 20% so với 2011 (21/04/2012)

>   DXG sẽ sáp nhập lại DXS (21/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật