Một mặt hàng, ba kiểu áp thuế
Ngay cả cơ quan hải quan cũng chưa co ùsự thống nhất trong việc áp mã số thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thanh nhớ ngoài USB và thẻ nhớ Micro SD.
Những tưởng với biểu thuế đã được ban hành, khi nhập khẩu, doanh nghiệp chỉ cần đối chiếu và thực hiện theo hướng dẫn của hải quan để áp mã số thuế nhập khẩu phù hợp. Thế nhưng, sự việc lại không đơn giản như vậy.
Trường hợp thẻ nhớ Micro SD thuộc lô hàng nhập khẩu theo tờ khai 5592/NK/KD/T01E02 của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel là một ví dụ. Mặt hàng này được áp theo 3 mã số thuế nhập khẩu khác nhau.
Cụ thể, theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP. Hà Nội đã áp mã số thuế mặt hàng Micro SD của Viettel là 8523.51.30.00 (tương ứng mức thuế suất 5%). Trong khi đó, Đoàn kiểm tra (Thanh tra Tổng cục Hải quan) lại đề nghị áp mã số thuế đối với Micro SD là 8523.80.90.20 (tương đương mức thuế suất thuế nhập khẩu 10%). Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) lại áp mã 8523.51.90.20 (tương ứng mức thuế suất 10%) cho mặt hàng thẻ nhớ Micro SD.
Không chỉ Viettel gặp vướng mắc trên, mặt hàng ổ lưu trữ USB (thanh nhớ ngoài USB) của Công ty TNHH Phân phối FPT cũng chịu chung số phận với việc được áp theo 2 mã số thuế nhập khẩu khác nhau. Cục Hải quan Hà Nội áp mã 8523.51.10.00 (tương đương mức thuế suất 0%) cho mặt hàng này, nhưng Đoàn kiểm tra (Tổng cục Hải quan) lại yêu cầu áp mã 8523.51.30.00 (tương đương mức thuế suất 5%).
Trước rắc rối này, Công ty TNHH Phân phối FPT đã gửi công văn kiến nghị Cục Hải quan Hà Nội với lý lẽ rằng, mặc dù có rất nhiều thiết bị sử dụng cổng giao tiếp USB và có thể truy cập ổ lưu trữ USB, nhưng chức năng sử dụng cho máy tính vẫn là chức năng chính của thanh nhớ USB.
Như vậy, ngay cả cơ quan hải quan cũng chưa có sự thống nhất về việc áp mã số thuế đối với mặt hàng thanh nhớ ngoài USB và thẻ nhớ Micro SD. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến thời gian nhập khẩu hàng của doanh nghiệp, mà còn liên quan đến việc truy thu thuế nhập khẩu. Điển hình là mới đây, Tổng cục Hải quan đã gửi văn bản nhắc nhở Công ty cổ phần FPT về việc nợ đọng 13,3 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu mặt hàng thẻ nhớ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Công ty cổ phần FPT khẳng định, khoản thuế mà cơ quan hải quan đề cập là do có sự không rõ ràng về chính sách thuế nhập khẩu đối với sản phẩm và thiết bị công nghệ cao. “Sản phẩm và thiết bị công nghệ cao vốn thay đổi rất nhanh và tích hợp nhiều chức năng khác nhau, dẫn tới có nhiều cách hiểu và chưa thống nhất được về áp mã số thuế suất cho các mặt hàng này”, đại diện Công ty cổ phần FPT cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, một số công ty phân phối thiết bị điện tử khác cũng đang bị hải quan nhắc nhở về việc nợ thuế đối với mặt hàng thanh nhớ ngoài USB. Đại diện các công ty này cho rằng, việc truy thu thuế sẽ gây khó khăn cho công ty, vì không biết phải hạch toán vào đâu, đơn hàng đã bán hết và việc thanh quyết toán đã kết thúc. Hơn nữa, để nhập khẩu hàng vào Việt Nam, các công ty đều thực hiện theo các hướng dẫn của cơ quan hải quan, đặc biệt là việc áp mã số thuế.
Theo đại diện Công ty cổ phần FPT, thực tế khi nhập khẩu mặt hàng này, Công ty đã thực hiện áp mã thuế theo hướng dẫn của cơ quan hải quan và cũng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế theo đúng hướng dẫn đó. “Đến nay, chúng tôi vẫn đang làm việc với cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề này. Chúng tôi hy vọng, sẽ sớm thống nhất được giữa các bên, để có thể thực hiện đúng nghĩa vụ của mình”, đại diện Công ty cổ phần FPT cho biết.
Đức Huy
đầu tư
|