Thứ Bảy, 07/04/2012 15:12

Sẽ có những cái “bắt tay” giữa các ngân hàng?

Chuyện hợp nhất hoặc mua lại ngân hàng (kể cả các ngân hàng lành mạnh) đang diễn ra khá âm thầm nhưng không kém phần sôi động. Khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trực tiếp mua lại vốn điều lệ hoặc cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém là khó xảy ra, do vậy, dự đoán vấn đề chủ yếu sẽ diễn ra giữa các ngân hàng thương mại với nhau.

Khi “nhà nước” không vào cuộc...

Lịch sử phát triển của hệ thống ngân hàng cổ phần ở Việt Nam cho thấy hệ thống này đã từng có các hoạt động hợp nhất, sáp nhập, phá sản nhưng vẫn phát triển rất mạnh mẽ về quy mô, và là lĩnh vực kinh doanh mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư. Đến nay, hoạt động ngân hàng vẫn rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Trong Đề án tái cơ cấu hệ thông ngân hàng, NHNN có nêu khả năng sẽ trực tiếp mua lại vốn điều lệ hoặc cổ phần của TCTD yếu kém để chấn chỉnh, củng cố, lành mạnh hóa một bước; sau đó sáp nhập, hợp nhất với ngân hàng thương mại khác hoặc bán lại cho các nhà đầu tư đủ điều kiện. Nhưng xem ra khả năng trên khó xảy ra bởi hai nguyên nhân: (i) có nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng và mong muốn mua lại ngân hàng khác; (ii) chi phí cho việc NHNN trực tiếp mua là vô cùng tốn kém.

Theo một chuyên gia ngân hàng, giả sử ngân hàng đó, tài sản đã được định giá chính xác theo thị trường, công nợ được hạch toán đầy đủ vào bảng cân đối kế toán, nếu ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng và có lỗ lũy kế là 3.000 tỉ đồng thì vốn chủ sở hữu bằng không (0), cổ đông mất hết vốn đầu tư, Nhà nước chỉ mất thêm chi phí phát sinh trả công cho các đơn vị có liên quan làm thủ tục hành chính xử lý thôi...

Nhưng, xét trường hợp khi ngân hàng hạch toán đầy đủ, trung thực, hợp lý thì lỗ lũy kế có thể gấp hai hoặc ba lần vốn điều lệ. Trong trường hợp này, kinh phí từ ngân sách nhà nước, từ bảo hiểm tiền gửi sẽ phải bù chênh lệch một hoặc hai lần mức vốn điều lệ để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Đối với Việt Nam, tài sản, công nợ chưa được định giá đúng theo chuẩn mực kế toán quốc tế, đặc biệt nhiều tài sản đang hạch toán theo giá gốc, nhưng khi bán chỉ có thể bán theo giá trị thị trường; nhiều công nợ chưa được hạch toán vào bản cân đối kế toán như hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng mua/bán kỳ hạn ngoại tệ do cán bộ gian lận, không tuân thủ... Do đó, hiện nay rất khó xác định được giá trị tài sản ròng của ngân hàng là bao nhiêu/đã âm bao nhiêu.

Chủ yếu sáp nhập, hợp nhất, mua lại giữa các TCTD

Càng ngày các thông tin về sáp nhập, hợp nhất, mua lại ngân hàng cổ phần càng nóng trong dư luận. Nhiều thông tin cho biết không chỉ các ngân hàng yếu kém mà cả các ngân hàng được đánh giá là lành mạnh hoặc thiếu thanh khoản tạm thời cũng đã và đang trong quá trình tiếp xúc, tìm hiểu, phân tích khả năng hợp tác, sáp nhập, mua bán với nhau và với một số tổ chức tài chính quốc tế. Phó chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng cổ phần loại lớn của Hà Nội nói: “Việc này diễn ra lâu rồi, ngay ngân hàng tôi cũng nhiều người đến đặt vấn đề”.

Đã hé lộ khả năng cho thấy ngoài những ngân hàng yếu kém trong diện NHNN khuyến khích và buộc phải hợp nhất, sáp nhập, mua lại thì trong thời gian ngắn nữa thị trường tiền tệ sẽ chứng kiến một vài cuộc hợp nhất lớn giữa các ngân hàng cổ phần lớn. Bên cạnh đó, một vài ngân hàng thương mại nhà nước (hoặc ngân hàng cổ phần mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối) cũng sẽ mua lại, sáp nhập ngân hàng cổ phần yếu kém bằng nguồn vốn của mình hoặc vay của NHNN. Thông thường các ngân hàng này muốn dùng vốn vay của NHNN (vì rẻ hơn). Lúc đó sẽ lộ diện ngân hàng nào là ứng cử viên sáng giá cho ngân hàng có vị thế hàng đầu Việt Nam và ngang tầm trung bình của khu vực vào năm 2015. Một chuyên gia khá am hiểu nội tình thương thảo giữa các ngân hàng cho biết về cơ bản một số thỏa thuận sáp nhập, hợp nhất, mua lại đã gần thống nhất. Một số chỉ còn là thỏa thuận về giá cả giữa các bên. Những ngân hàng có nhiều tài sản thế chấp/tài sản đầu tư là bất động sản là đối tượng được các nhà đầu tư chú ý nhất vì khả năng thu hồi vốn và sinh lời trong tương lai cao hơn. Tuy nhiên cũng có một vài ngân hàng đang khó bán vì quá yếu kém.

Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được thực hiện trên cơ sở tự nguyện là một diễn biến khá tốt cho Việt Nam trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn, nhiều hạn chế trong khuôn khổ pháp luật và quản lý cũng như năng lực thể chế và kỹ thuật của các tổ chức có liên quan. Nhưng điều cần phải quan tâm ở đây là việc giám sát các cuộc sáp nhập, hợp nhất, mua bán giữa các ngân hàng để tránh vi phạm các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng (tỷ lệ sở hữu cổ phần, về góp vốn, mua cổ phần...), nếu không sẽ không đảm báo tính đại chúng của các ngân hàng cổ phần và chủ yếu chỉ đem lại lợi ích nhóm.

Một vài con số về các ngân hàng cổ phần

Năm 1999 các nhà đầu tư bỏ ra số tiền trên 2.500 tỉ đồng để mua cổ phần các ngân hàng. Cũng trong năm này, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng đạt trên 140 tỉ đồng. Năm 2007, tỷ trọng ba chỉ tiêu (tổng tài sản, vốn huy động, dư nợ) của các ngân hàng cổ phần mới chiếm tương ứng 12% - 10,7% - 12%/chỉ tiêu toàn hệ thống, thì đến tháng 10-2011 các chỉ tiêu này đã chiếm lần lượt là 45,4% - 45,2% - 35,3%.

Cuối năm 2009, các ngân hàng cổ phần có tổng tài sản 1.066 ngàn tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 113.000 tỉ đồng, vốn điều lệ 88.600 tỉ đồng, chênh lệch thu - chi 12.600 tỉ đồng. Tính đến đầu quí 4-2011, tổng tài sản của khối ngân hàng cổ phần ước khoảng 2.139 ngàn tỉ đồng. Hiệu quả hoạt động của khối này cũng khá cao. Ngay trong năm 2011 (năm có hơn mười ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và gặp khó khăn về thanh khoản) mà mức bình quân ROA, ROE của khối vẫn đạt tương ứng là 1,03% và 10,8%.

Việt Nguyễn

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Quyết liệt chống chuyển giá (06/04/2012)

>   DN kinh doanh bất động sản không được ưu đãi thuế (06/04/2012)

>   Quản lý thuế: Nắm người có tóc (05/04/2012)

>   Nợ thuế hàng chục tỷ, chủ doanh nghiệp ngoại trốn về nước (04/04/2012)

>   Túi ni lông tính bài lách thuế (03/04/2012)

>   Kinh doanh CK, BĐS lỗ vẫn nộp thuế: Bất hợp lý nhưng không sửa (03/04/2012)

>   Áp thuế 0% với hàng nhập khẩu từ Campuchia (02/04/2012)

>   Xem xét giãn thuế thu nhập cá nhân (01/04/2012)

>   Quyết toán thuế: tiếp tục xếp hàng rồng rắn (31/03/2012)

>   Thuế TNCN: Đau đáu khoản chi không thể giảm trừ (27/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật