Hệ thống bán lẻ ngấm đòn suy thoái
Là kênh cuối cùng đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, các nhà bán lẻ bắt đầu rơi vào vòng xoáy suy giảm. Nhiều cửa hàng, siêu thị phải thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa vì không đủ sức gánh lỗ.
Khoảng một tuần nay, việc các cửa hàng Ninomaxx và Maxxstyle đồng loạt giảm giá 80%, thanh lý hết toàn bộ hàng hóa tại các cửa hàng để đóng cửa một số điểm bán thu hút sự tò mò của nhiều người. Không chỉ người tiêu dùng mà cả giới kinh doanh cũng xôn xao tin đồn Công ty Thời trang Việt (chủ 2 nhãn hiệu này) đang rất khó khăn, mở đầu cho làn sóng thu hẹp hệ thống phân phối trên lĩnh vực thời trang.
Khó khăn chồng chất
Trước những thông tin đồn thổi, lãnh đạo Công ty Thời trang Việt đã chính thức lên tiếng giải thích việc chấp nhận bán lỗ để giải phóng hết hàng tồn, đóng cửa 5 cửa hàng tại TPHCM… không có gì bất thường mà nhằm tái cấu trúc công ty bao gồm cả sản phẩm, kênh phân phối, nhân sự… Hiện các cửa hàng đã trưng bày sản phẩm mới, theo thiết kế mới và mức giá “mềm” hơn, dự kiến giữa tháng 5, các mẫu mã chủ lực sẽ được tung ra...
Mặc dù vậy, giới kinh doanh vẫn đặt nghi vấn về tình trạng “sức khỏe” của Ninomaxx và một số nhãn hàng thời trang may mặc khác như Việt Thy, Foci, Legamex, May Saigon 2… khi mà số lượng cửa hàng, mặt hàng và cả lượng khách mua hàng giảm mạnh. Phó tổng giám đốc một thương hiệu thời trang nội địa khá lớn cho biết từ trước Tết, sức mua quá yếu nên đơn vị không dám tăng lượng hàng cho thị trường nội địa, vậy mà hàng làm ra vẫn không bán hết. Hiện công ty đã giảm hơn 1/2 mẫu mã mới, chủ yếu tập trung vào hàng xuất khẩu, gia công theo đơn đặt hàng của các công ty, trường học...
Căng thẳng nhất trong thời điểm này là các siêu thị điện máy. Giám đốc một siêu thị điện máy tại TPHCM cho biết từ giữa năm 2011 đến nay, sức mua hàng điện máy giảm đến 40%, doanh thu giảm mạnh trong khi hợp đồng thuê mặt bằng đã ký dài hạn, giá thuê không giảm. Chi phí cao, sức mua giảm mạnh, tồn kho chất đống nên doanh nghiệp (DN) hết đường xoay xở. Theo tổng giám đốc của một chuỗi siêu thị điện máy, song song với bề nổi mở rộng hệ thống bán lẻ trong vài năm trở lại đây, ngành điện máy đang đứng trước nhiều rủi ro lớn.
Âm thầm bỏ cuộc
Giữa năm 2011, ngành điện máy đã báo động tình trạng ế ẩm, khó khăn khiến không ít DN “bỏ cuộc chơi”. Không kể đến những cửa hàng, siêu thị điện máy nhỏ ở các khu vực ngoại thành âm thầm đóng cửa vì thua lỗ, siêu thị điện máy WonderBuy phá sản từ giữa tháng 6-2011 do lỗ 52 tỉ đồng trong gần một năm hoạt động. Trước đó, siêu thị điện máy Lộc Lê, Vietnamshop.com... cũng đóng cửa vì quá vắng khách. Từ đầu năm 2012 đến nay, danh sách đóng cửa được bổ sung siêu thị điện máy Best Carings tại Phú Mỹ Hưng, quận 7 - TPHCM. Tại Hà Nội, một loạt siêu thị điện máy như Pico, Trần Anh, Media Mart… cũng thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa.
Không chỉ siêu thị điện máy, nhiều siêu thị kinh doanh tổng hợp cũng đang chao đảo. Cuối tháng 2, sự kiện Công ty CP Nhất Nam đóng cửa siêu thị Fivimart Phú Mỹ Hưng – siêu thị cuối cùng trong chuỗi 4 siêu thị của DN này tại TPHCM - gây chú ý dư luận. Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam, giải thích không phải công ty vỡ nợ mà việc đóng cửa là do hết thời hạn thuê mặt bằng, ngừng hoạt động để chuyển đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp với thị trường bán lẻ phía Nam. Mặc dù vậy, bà Hậu cũng thừa nhận việc kinh doanh tại TPHCM gặp rất nhiều khó khăn do môi trường cạnh tranh quá khốc liệt.
Trước Fivimart, giữa tháng 11-2011, siêu thị SATRA Bàu Cát (thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn) cũng đóng cửa. Tuy nguyên nhân đóng cửa không được DN công bố nhưng theo các DN kinh doanh siêu thị, SATRA Bàu Cát đóng cửa là do kinh doanh không hiệu quả.
Theo giới kinh doanh, sự “ra đi” của 2 siêu thị này chỉ là khởi đầu cho quá trình sàng lọc trên thị trường bán lẻ trước sức ép của tình hình khó khăn chung cộng với sự mở rộng ồ ạt của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới tại Việt Nam. Trong cuộc cạnh tranh được đánh giá là không cân sức, các nhà bán lẻ Việt Nam đang dần để lộ nhiều nhược điểm và chịu mất khách về tay những “đại gia” quốc tế.
Cơ hội cho nhà bán lẻ nước ngoài
Trong khi các DN bán lẻ Việt Nam đang chật vật vì khó khăn, các nhà bán lẻ nước ngoài lại đang tìm cách xâm nhập mạnh thị trường Việt Nam. Ngoài những tập đoàn bán lẻ lớn đang có mặt tại Việt Nam như Metro, Aeon, Casino, Lotte…, hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang ráo riết đầu tư vào Việt Nam. Những nhà bán lẻ đã có mặt thì tăng tốc nhân rộng sự hiện diện của mình thông qua các siêu thị, trung tâm mua sắm với tốc độ mở 4-5 siêu thị mới/năm và không giấu giếm khả năng mở thêm nhiều điểm mới trong năm 2012. |
Thanh Nhân
Người lao động
|