Chủ Nhật, 22/04/2012 13:01

Cái chết được báo trước!

Hàng chục ngàn doanh nghiệp đã chết và sẽ còn có thêm hàng chục ngàn doanh nghiệp khác phải ra đi nếu tình hình khó khăn như hiện nay vẫn kéo dài. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân của những cái chết đó là do lãi vay ngân hàng quá cao, sức mua của thị trường giảm sút. Thực tế, những yếu tố trên chỉ đóng vai trò như chất xúc tác cho một kết cục tất yếu. Câu chuyện của ngành bất động sản và vật liệu xây dựng là một ví dụ điển hình.

Bong bóng trên thị trường bất động sản đã lây lan nhanh sang nhiều ngành có liên quan khác, mà gần nhất là ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. 

Thời bong bóng!

Trở lại năm 2007, thời điểm thị trường chứng khoán và địa ốc đang lên cơn sốt cao độ. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã không cưỡng lại được sức cám dỗ của những khoản lợi nhuận kếch xù mà chứng khoán, bất động sản hứa hẹn sẽ mang lại.

Ở thời điểm đó, các công ty địa ốc là thượng đế. Người ta xếp hàng rồng rắn hoặc tận dụng những mối quan hệ cá nhân để giành cho được quyền mua căn hộ, bởi chỉ cần có được một suất mua là đã có thể sang tay để kiếm vài chục triệu đồng. Bầu không khí đó đã thúc đẩy rất nhiều doanh nghiệp lao vào chứng khoán, bất động sản. Nhưng ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt, lại tỏ ra rất cảnh giác. “Một khi có rất nhiều người tham gia, thì thị trường sẽ trở thành bong bóng”, ông nhận định. Giờ đây, nhớ lại giai đoạn đó, ông mừng vì mình đã cảnh giác, trong khi rất nhiều đồng nghiệp và những doanh nhân mà ông biết đang ôm đất và chết dần, chết mòn.

Các cơ quan quản lý đã không làm gì, thậm chí còn chiều theo doanh nghiệp, theo nhà đầu tư bằng việc xé rào quy hoạch để đổi lấy thành tích thu hút vốn đầu tư cho ngành, cho địa phương mình.

Quay lại quá khứ, nếu bình tĩnh suy xét một chút, chúng ta có thể nhận ra đằng sau những hàng người xếp hàng rồng rắn mua căn hộ có một cái gì đó bất thường. Thứ nhất, với giá bán đến vài chục triệu đồng một mét vuông, thì những người thực muốn mua đó không phải là người không có chỗ ở, mà chủ yếu là mua để đầu cơ với hy vọng có thể nhanh chóng sang tay để kiếm lời. Hơn nữa, với chính sách thanh toán, thường là chỉ đặt cọc trước 5% giá trị căn hộ, nên một người với số tiền đủ mua một căn hộ vẫn có thể đặt mua 4-5 căn, càng làm cho sức mua bị thổi phồng. Thứ hai, số lượng dự án chung cư đưa ra chào bán chỉ đếm trên đầu ngón tay, càng làm cho thị trường căn hộ trở nên nóng hơn dẫn đến phong trào đầu tư ồ ạt vào chung cư, bất chấp lời cảnh báo về nguy cơ bong bóng của các chuyên gia kinh tế.

Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cũng vào cuộc và phớt lờ các cảnh báo. Thậm chí, đáp lại khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) lúc ấy, còn khẳng định đầu tư vào địa ốc là “lấy ngắn nuôi dài”. Đến nay, thực tế “ngắn” có nuôi được “dài” hay không, hẳn mọi người đã biết.

Điều đáng nói là bong bóng trên thị trường bất động sản đã lây lan nhanh sang nhiều ngành có liên quan khác, mà gần nhất là ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Trong giai đoạn 2005-2009, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng của thị trường tăng bình quân tới 20%/năm, trong đó đỉnh điểm là năm 2008 tăng gần 30%. Còn nguồn cung xi măng thì thường bị thiếu hụt trong mùa khô, thậm chí năm 2008 còn xảy ra một cơn sốt và đẩy giá bán lẻ xi măng tăng vọt. Thế là các doanh nghiệp ồ ạt đầu tư vào sản xuất vật liệu xây dựng. Chỉ trong vòng bảy năm, năng lực sản xuất xi măng tăng gần ba lần, lên 65 triệu tấn vào năm 2011. Năng lực sản xuất thép xây dựng tăng hơn hai lần trong sáu năm, từ hơn 4 triệu tấn vào năm 2006 lên 9,1 triệu tấn trong năm 2011.

Ngành sản xuất gạch ốp lát cũng không kém cạnh, từ 150 triệu mét vuông năm 2005 lên 400 triệu mét vuông vào cuối năm 2011. Thế nhưng, từ sau năm 2009 sức mua của thị trường đã bắt đầu chững lại hẳn và đến năm 2011 thậm chí không tăng mà còn giảm. Đến nay, rất nhiều doanh nghiệp thép, xi măng, gạch ốp lát... dù chỉ hoạt động một nửa công suất, nhưng hàng vẫn tồn đầy kho. Đây là hậu quả của những năm tháng phát triển chạy theo bong bóng của thị trường bất động sản.

Doanh nghiệp say thì Nhà nước phải tỉnh!

Nhìn lại những gì diễn ra trong gần 10 năm qua, chúng ta có thể thấy từ chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp đến công tác quản lý ở tầm vĩ mô của các cơ quan quản lý nhà nước đều có vấn vấn đề.

Trước hết là về phía doanh nghiệp. Dường như hoạt động kinh doanh của nhiều công ty không dựa trên chiến lược bài bản và mang tính dài hạn, mà chủ yếu là kiểu kinh doanh chụp giựt, đánh quả hay nói thẳng ra là kinh doanh theo kiểu đánh bạc. Hãy thử nhìn vào ngành thép và xi măng. Để chớp được thời cơ khi thị trường đang sốt, rất nhiều doanh nghiệp đã chọn thiết bị kém chất lượng, rẻ tiền của Trung Quốc nhưng có thể mua, lắp đặt và vận hành trong vòng một năm, thay vì mua của châu Âu hay Nhật Bản, dù chất lượng tốt và hiệu quả hơn, nhưng bù lại phải chờ nhà cung cấp chế tạo. Rất nhiều nhà máy xi măng, lò luyện thép mà Trung Quốc đã bỏ đi được nhập về Việt Nam trong năm năm qua.

Bên cạnh đó, việc nhận ra tình trạng bong bóng của thị trường không khó, nhất là khi nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã liên tục cảnh báo về nguy cơ này. Có lẽ doanh nghiệp đã quá say sưa với viễn cảnh những khoản lợi nhuận lớn sẽ thu được nhanh chóng và họ cũng không ngờ mọi thứ lại có thể sụp đổ nhanh chóng như thế, nên đã bất chấp mọi cảnh báo mà lao vào cuộc.

Thế nhưng, cho dù doanh nghiệp, các nhà đầu tư có say sưa đến đâu mà không có vốn thì cũng đành bó tay. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là vai trò của các ngân hàng. Lẽ ra, khi các doanh nghiệp say thì các ngân hàng càng phải rất tỉnh táo. Nhưng thực tế lại không như thế, mà ngược lại còn lao vào cuộc đua để thỏa mãn cơn khát vốn của các nhà đầu tư. Mức cung tiền của nền kinh tế trong giai đoạn 2004- 2009 tăng bình quân tới 32,2%/năm, tăng trưởng tín dụng lên đến 37%/năm, cao gấp nhiều lần so với các nước trong khu vực.

Trong bối cảnh đó, nhất là khi xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới vào năm 2008, lẽ ra các cơ quan quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô phải kịp thời nhìn ra nguy cơ và có biện pháp kìm hãm cơn say của các doanh nghiệp, các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đáng lẽ đã phải siết lại đà tăng của cung tiền, của tín dụng từ nhiều năm trước. Các bộ quản lý ngành, các địa phương lẽ ra phải có biện pháp hạ sốt đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà khả năng sản xuất đã trở nên dư thừa. Nhưng các cơ quan quản lý đã không làm gì, thậm chí còn chiều theo doanh nghiệp, theo nhà đầu tư bằng việc xé rào quy hoạch để đổi lấy thành tích thu hút vốn đầu tư cho ngành, cho địa phương mình.

Tóm lại, doanh nghiệp, doanh nhân là những người săn tìm lợi nhuận, họ có thể chấp nhận rủi ro lớn để đổi lấy cơ hội có lợi nhuận cao. Nhưng điều hành một ngành hay một nền kinh tế với tư cách quản lý nhà nước lại phải luôn tỉnh táo và cảnh giác cao độ với mọi rủi ro.

Tấn Đức

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Nhiều giải pháp để cứu DN khỏi "chết lâm sàng" (22/04/2012)

>   Cước vận tải lao theo giá xăng dầu (22/04/2012)

>   Ferrari nhắm đến thị trường Việt Nam (21/04/2012)

>   Sau giá xăng: Sẽ đến lượt quả trứng, mớ rau (21/04/2012)

>   20h ngày 20/04, giá xăng lên 23.800 đồng (20/04/2012)

>   Bất an với quí 1 (20/04/2012)

>   Chủ tàu Hoa Sen nợ lương thuỷ thủ hàng tỉ đồng (20/04/2012)

>   Phát hiện 145 dự án thất thoát, lãng phí (20/04/2012)

>   Dẹp “loạn” giấy phép con (19/04/2012)

>   Dự án gang thép Formosa tăng vốn lên 22 tỉ đô la Mỹ (19/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật