Thứ Tư, 11/04/2012 06:13

Công ty chứng khoán nào sẽ bị knock-out?

Mới bước vào đợt tổng kiểm tra và giám sát sức khỏe của UBCK được hơn một tuần, những gương mặt CTCK có khả năng bị knock-out chưa thể nhận diện được nhưng qua những gì diễn ra trong vài năm qua thì rất nhiều công ty đối mặt với nguy cơ này.

Thua lỗ nặng, cụt vốn

Mặc dù các doanh nghiệp đã bước sang quý hoạt động thứ hai của năm 2012 nhưng cho tới thời điểm hiện nay nay vẫn còn khoảng 20 CTCK chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2011. Trong số đã công bố (hơn 80 công ty) có quá bán là thua lỗ.

Số liệu từ UBCKNN cho thấy, tới thời điểm này đã có tới 46 CTCK báo cáo hoạt động thua lỗ trong năm vừa qua, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp ghi nhận những kỷ lục đáng buồn.

Trường hợp của CTCP Chứng khoán Tầm nhìn (HRS) là một ví dụ. Trong báo cáo tài chính đưa ra trong tuần trước, HRS tiếp tục thua lỗ 9,6 tỷ đồng và đây là năm thứ 5 liên tiếp công ty này đã bị âm vào vốn. Lỗ tổng cộng tính từ 2007 đã lên tới 45,8 tỷ đồng và VCSH hiện chỉ còn hơn 14 tỷ đồng.

Một điều đáng lo ngại là doanh thu của doanh nghiệp này trong những năm gần đây không được cải thiện và ở mức thấp báo động. Năm vừa qua, HRS chỉ thu về 2,7 tỷ đồng. Tính chung cho cả 5 năm, doanh thu cũng chỉ vỏn vẹn 12 tỷ.

Trong năm 2011, HRS đã tăng vốn thêm 15 tỷ (lên 60 tỷ) nhưng xem ra số vốn bỏ thêm này chỉ đủ trang trải cho thua lỗ và bổ sung thêm chút ít vào số tiền còn lại của doanh nghiệp này.

Một "người bạn đồng hành" của HRS là Chứng khoán VIT. Công ty này cũng đã kịp có năm lỗ thứ 5 liên tiếp.

Trong khi đó, 3 đại diện không bi bét bằng HRS và VITVina, KIS và Chứng khoán Navibank cũng đã có 4 năm thua lỗ liên tục.

Theo kết quả kinh doanh 2011 đã kiểm toán, Chứng khoán Navibank (NVS) chỉ đạt doanh thu 17 tỷ đồng và thua lỗ 15 tỷ. Tổng lỗ lũy kế đã lên tới 36 tỷ đồng. NVS thua lỗ trong bối cảnh trong năm 2011 đã nhận được một cú huých về vốn khá mạnh từ một số cá nhân thuộc Saigon Invest Group và vốn điều lệ đã được tăng vọt từ 35,1 tỷ lên 161 tỷ đồng.

Một trường hợp có khả năng thua lỗ 4 năm liên tiếp nữa là HSSC. Công ty này chưa công bố kết quả kinh doanh 2011, song trước đó đã lỗ 3 năm liên tiếp và âm thầm rút khỏi thị trường hồi trước Tết âm lịch. Mặc dù có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 15,7 tỷ đồng.

Không thuộc diện "cá biệt" như những trường hợp trên, nhưng một loạt các CTCK cũng đã bị đưa vào diện cảnh báo do thua lỗ trong năm vừa qua, như APS (lỗ gần 92 tỷ đồng), Alpha (-7 tỷ), OSC (-4,7 tỷ đồng), VDS (-126 tỷ), HPC (-94,7 tỷ), TLS (-592 tỷ), ORS (-40,9 tỷ), AVS (-40,5 tỷ)...

Trừ TLS có doanh thu tương đối lớn, còn lại các CTCK khác đều rất nhỏ và có nguồn thu rất eo hẹp và không thể bù đắp cho chi phí cũng như sự thua lỗ trong đầu tư chứng khoán và có VCSH đang teo tóp lại rất nhiều so với những gì mà các cổ đông đã bỏ ra trong nhiều năm qua.

Sự tệ hại nằm ở chỗ TTCK vẫn khá nhỏ bé, giao dịch ít và ảm đạm trong khi thống kê cho thấy 10 CTCK lớn nhất (trong số 105 công ty) đã chiếm 80% doanh thu của cả ngành. Trong khi đó, theo những đề xuất ban đầu thì có khả năng UBCK sẽ phải loại bỏ 50% (thậm chí có đề xuất loại 70-80%) số CTCK ra khỏi cuộc chơi nếu không đủ tiêu chuẩn.

Thị phần ít, vốn còn lại không nhiều, hoạt động kinh doanh không có cơ sở vững chắc cho thấy sự tồn tại của nhiều trong số các doanh nghiệp nêu trên là khá lay lắt và có thể chỉ là để nằm chờ cơ hội khác hoặc mong chờ sự may mắn nào đó.

Ngay cả đối với những CTCK lớn và chiếm thị phần không nhỏ thì rủi ro vẫn rất cao. Trường hợp SBS lỗ tới 609 tỷ đồng trong năm 2011, TLS âm 592 tỷ đồng hay SHS -381 tỷ đồng cho thấy một thực trạng đáng lo ngại cho dù các công ty này đang lỗ lực cải tổ và giành giật lại thị phần, cũng như được sự quan tâm, nhòm ngó của nhiều nhà đầu tư lớn.

Như trường hợp SBS, công ty này có vốn điều lệ lên tới gần 1.267 tỷ đồng, nhưng VCSH tính tới cuối 2011 chỉ còn 931 tỷ đồng.

Nguy cơ cụt vốn của các doanh nghiệp lớn này là khó xảy ra nhưng làm gì để bù đắp lại các khoản thâm hụt nói trên là một vấn đề đáng quan tâm. Trong bối cảnh khá nhiều CTCK làm chủ về tài chính đã vượt qua khó khăn và chinh phục được các khách hàng thì tình hình lại càng bi đát hơn đối với các CTCK vốn đã thua lỗ triền miên mà nguồn thu ngày càng co lại.

Mất thanh khoản và thu hẹp hoạt động

Cho dù đã qua thời kỳ khó khăn nhất và TTCK đã hồi phục khá ấn tượng, nhưng một điều đáng buồn là vẫn có những dấu hiệu mất khả năng thanh toán tại CTCK.

Trong một thông báo phát đi trong tuần đầu tháng 4/2012, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) đã có quyết định cảnh cáo Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An (TAS) do liên tiếp vi phạm quy định tại Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán chứng khoán.

VSD yêu cầu Chứng khoán Tràng An tăng cường việc kiểm soát hoạt động giao dịch chứng khoán, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành để hạn chế sai sót dẫn đến việc tạm thời mất khả năng thanh toán tiền cho các giao dịch chứng khoán.

Trước đó, hồi cuối tháng 11/2011 Tràng An cũng đã từng vi phạm lỗi này.

Dẫu rằng, tình trạng mất thanh khoản tạm thời của Tràng An là không nghiêm trọng như SME hồi cuối năm ngoái, nhưng rõ ràng nó vẫn cho thấy một điều là nhiều CTCK hiện vẫn đang rất khó khăn và eo hẹp về đồng vốn.

Sự khó khăn chung cũng đã khiến hàng loạt CTCK tiếp tục thu hẹp mạng lưới hoạt động.

Gần đây nhất, ngày 3/4, UBCK đã ban hành quyết định chấp thuận cho Chứng khoán Phương Đông (ORS) đóng cửa Chi nhánh Đồng Nai và Chứng khoán Dầu khí (PSI) đóng cửa Chi nhánh Hà Nội tại quận Hoàn Kiếm; đóng cửa Chi nhánh Thanh Hoá tại số 38A Đại lộ Lê Lợi, thành phố Thanh Hoá; đóng cửa Chi nhánh Nghệ An tại thành phố Vinh.

Trước đó, Chứng khoán Rồng Việt cũng đã đóng cửa chi nhánh Đà Nẵng, chi nhánh Sài Gòn; SME đóng cửa chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và chỉ còn hoạt động tại trụ sở chính tại Hà Nội;  Chứng khoán An Phát đóng cửa chi nhánh TP.HCM; Thăng Long đóng cửa chi nhánh Thanh Hóa...

Trải qua một năm đầy sóng gió, các CTCK đang cố gắng tự tái cấu trúc lại hoạt động với một loạt những biện pháp như cắt giảm chi phí hoạt động, giảm nợ xấu, tái cơ cấu hoạt động... Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã phải rút nghiệp vụ cơ bản nhất là môi giới như trường hợp HSSC, TSS, SME, Hamico (Gia Anh).

Có thể thấy, rất nhiều CTCK hiện gần như đã mất hút khỏi thị trường như 4 CTCK nói trên và rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong tình trạng gần như không có doanh thu, thua lỗ liên tiếp nhưng cho tới thời điểm này giới đầu tư vẫn chưa thấy một động tĩnh gì liên quan tới việc thanh lọc thị trường.

Việc rà soát lại những mảng tối trong báo cáo tài chính của các CTCK cũng như việc phân loại xếp hạng để qua đó loại bỏ bớt những công ty yếu kém dường như đang được thực hiện rất chậm chạm. Phải chăng đang có một cuộc chạy đua để tránh cửa tử hay vẫn còn nhiều vấn đề khúc mắc trong những vùng tối trong báo cáo tài chính của các CTCK cần được giải quyết trước khi khai tử?

Mạnh Hà

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   Đổ tiền vào chứng khoán lúc này là 'lời cao' (10/04/2012)

>   Bản tin 20 giờ qua: Bất ngờ trước việc giảm lãi suất (11/04/2012)

>   VND vào diện cảnh báo, PXA bị kiểm soát (10/04/2012)

>   VSG được giao dịch trở lại dưới dạng kiểm soát từ 12/04 (10/04/2012)

>   Thông tư 52: Trung tâm Lưu ký cũng phải công bố thông tin (10/04/2012)

>   Quỹ đầu tư săn doanh nghiệp mạnh (10/04/2012)

>   Sự lạ lùng của thị trường (10/04/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 10/04/2012 (10/04/2012)

>   10/04: Bản tin 20 giờ qua (10/04/2012)

>   Hủy niêm yết tự nguyện: Không dễ (09/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật