Cảnh báo sự giảm sút của ngành xây dựng
Các chỉ số thống kê cho thấy, GDP do ngành xây dựng tạo ra trong quý I năm nay bị giảm so với cùng kỳ năm trước. Đây là một vấn đề cần cảnh báo.
Sự sút giảm GDP do ngành xây dựng tạo ra trong quý I/2012 do nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân ở cả đầu vào và ở cả đầu ra. Ở đầu vào, yếu tố quan trọng nhất là vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bị co lại.
Nhìn tổng quát, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong quý I/2012 được nhận diện trên hai mặt.
Một là, vốn đầu tư quý I/2012 đã co lại. Sự co lại của vốn đầu tư được thể hiện trên hai điểm. So với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư nếu tính theo giá thực tế thì tăng như trên, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì vốn đầu tư đã bị giảm. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP quý I/2012 đạt 36,2%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (38,8%). Đây là yếu tố quan trọng làm tốc độ tăng GDP quý I/2012 thấp so với cùng kỳ năm trước (tăng 4% so với tăng 5,57%). Điều đó cũng lý giải tại sao GDP do ngành xây dựng tạo ra nếu quý I năm trước tăng 4,41%, thì quý I năm nay lại bị giảm 3,8%. Tăng trưởng công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng bị ảnh hưởng lớn.
Hai là, hệ số giữa tỷ lệ vốn đầu tư/GDP so với tốc độ tăng GDP của quý I năm nay cao hơn của cùng kỳ năm trước (gần 9,1 lần so với gần 7 lần). Tuy hệ số trên thường được tính toán và quan sát trong một thời gian dài, nhưng đó cũng là dấu hiệu cảnh báo là, phải nâng cao hiệu quả đầu tư thì tăng trưởng kinh tế mới nhanh chóng “thoát đáy vượt dốc đi lên”, nếu không, lạm phát rất dễ lặp đi lặp lại, vì hiệu quả đầu tư là yếu tố tiềm ẩn của lạm phát. Nói cách khác, kinh tế vẫn đứng trước nguy cơ “kép” mà các chuyên gia đã cảnh báo là “đình - lạm” và việc giải quyết còn khó hơn nhiều khi giải quyết một nguy cơ riêng rẽ.
Đi vào từng nguồn vốn sẽ thấy rõ hơn bức tranh vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong quý I năm nay.
Vốn đầu tư khu vực này có 3 nguồn: từ ngân sách nhà nước, từ vay, từ doanh nghiệp nhà nước.
Nguồn từ doanh nghiệp nhà nước đang chịu tác động bởi hai yếu tố. Một là lợi nhuận đạt thấp, nên tái đầu tư cũng thấp. Hai là, các doanh nghiệp nhà nước thực hiện thoái vốn ở các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành. Nếu tính theo giá thực tế thì nguồn đầu tư này tăng nhẹ, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì giảm sâu.
Nguồn từ ngân sách đạt tỷ lệ thấp là 19% kế hoạch năm (tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước), trong đó, Trung ương quản lý tương ứng là 18,6% (tăng 7,9%), địa phương quản lý tương ứng 19,1% (giảm 0,7%). Vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng với tốc độ không cao, khi số doanh nghiệp đăng ký mới bị giảm, số doanh nghiệp bị ngừng sản xuất, giải thể thì tăng.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài so với cùng kỳ năm trước, bị sụt giảm vốn đăng ký (đạt 2,63 tỷ USD, giảm 36,4%, trong đó đăng ký mới đạt 2,26 tỷ USD, giảm 22,8%, đăng ký bổ sung 368 triệu USD, giảm 69,6%); về vốn thực hiện đạt 2,52 tỷ USD, giảm nhẹ 0,8%, trong đó riêng tháng 3 đạt hơn 1,5 tỷ USD - mức rất cao tính theo tháng từ trước đến nay. Giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đạt thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước.
Ở đầu ra cũng đang bị co lại. Sự sụt giảm của ngành xây dựng kéo theo sản lượng sản xuất của nhiều loại vật liệu xây dựng bị sụt giảm mạnh. Chỉ số tồn kho của ngành sản xuất vật liệu xây dựng tăng cao, vượt xa so với chỉ số tồn kho chung của toàn ngành công nghiệp chế biến.
Minh Nhung
đầu tư
|