Báo cáo thường niên DN 2011: Nóng chuyện liên kết kinh doanh
VCCI vừa công bố “Báo cáo thường niên DN VN năm 2011” với chủ đề của năm là liên kết kinh doanh.
Theo đó, 5 ngành được lựa chọn để nghiên cứu, bao gồm: Sản xuất chế biến thực phẩm; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; Sản xuất xe có động cơ; dịch vụ vận tải và kho bãi; du lịch. Với các hình thức liên kết trong kinh doanh bao gồm: Liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, liên kết trong mạng sản xuất, liên kết theo ngành ngang hoặc liên kết theo vùng...
Lỏng lẻo
Đây là nhận xét chung của các chuyên gia khi nhận định về tính liên kết của các DN VN nói chung và của 5 ngành được báo cáo phân tích nói riêng.
“Mổ xẻ” điểm yếu liên kết của ngành sản xuất chế biến thực phẩm, lấy ví dụ thực tế từ ngành thuỷ sản, PGS TS Nguyễn Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Kế hoạch và phát triển - Trường Đaị học Kinh tế Quốc dân nhận xét, sự liên kết của các chủ thể kinh tế chính trong chuỗi giá trị của ngành này chưa chặt chẽ, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh thường xuyên xảy ra, không có sự ràng buộc về lợi ích kinh tế. Việc ký kết hợp đồng giữa của các chủ thể vô cùng bấp bênh về giá cả tuỳ thuộc vào từng thời điểm, số lượng. Xuất phát từ sự bất cân đối cung cầu nguyên liệu đã tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN chế biến về giá mua chất lượng nguyên liệu. Đặc biệt đối với những DN chế biến trên cùng địa bàn và sản xuất cùng một mặt hàng, mức độ cạnh tranh diễn ra càng khốc liệt hơn, mỗi DN đều đưa ra một bảng báo giá mua và bảng này biến động từng ngày, từng giờ... nhất là đối với những tháng nguyên liệu khan hiếm
Không chỉ có thuỷ sản, mà ngay cả ngành sản xuất ôtô, ngành vốn được xem là “mũi nhọn” của công nghiệp, trong đó phần lớn là các DN FDI cũng trong tình trạng tương tự. Một khảo sát của VCCI, Tổng cục Thống kê và Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) năm 2010 cho thấy, trong tổng số 23 DN FDI, có 6 DN không mua nguyên liệu đầu vào từ các DN cung ứng của VN, nghĩa là họ chỉ mua của các DN FDI ở VN, thậm chí trong đó có 3 DN chỉ NK từ nước ngoài. Nếu xét về mối liên kết kinh doanh giữa các DN cung ứng đầu vào của VN và các DN sản xuất FDI, thì có khoảng 15% các nguyên liệu đầu vào của các DN FDI là từ sản phẩm được sản xuất bởi các DN VN. Bà Lê Thị Hải Vân - Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), thành viên nhóm nghiên cứu cho rằng: “sự hợp tác hỗ trợ giữa các DN FDI và các DN cung ứng trong nước còn rất hạn chế và chủ yếu dừng lại ở việc nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả quy trình sản xuất, còn việc chuyển giao công nghệ thì hầu như không có”.
Trong khi đó, ở lĩnh vực logistics, đại diện Viện Nghiên cứu và phát triển logistics (VLI) cho biết, vấn đề đáng quan tâm là ngành này đang phát triển tự phát hơn là có chủ đích. Chính vì vậy khả năng cung ứng bị hạn chế và chất lượng không đồng đều. Các DN logistics VN chưa mạnh dạn và chủ động gia nhập thị trường khu vực, có nguy cơ tiếp tục bị lệ thuộc và “thua trên sân nhà”. “Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do thiếu trình độ chuyên môn và kỹ năng trong nhiều việc, từ quản trị kinh doanh toàn cầu (hay quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu) xây dựng chính sách phát triển kinh tế, khung thể chế đến quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân lực...” - ông này nhấn mạnh.
Liên kết để tránh “bẫy thu nhập trung bình”
Để tiếp nối đà tăng trưởng và tránh khỏi điều mà rất nhiều quốc gia khác đang gặp phải là “bẫy thu nhập trung bình”, thì VN cần phải có các chính sách và giải pháp để cải thiện chất lượng tăng trưởng. Nhưng muốn nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, các DN VN không cách nào khác là phải xác định rõ vị trí của mình trong chuỗi giá trị sản xuất, từ đó có các biện pháp liên kết kinh doanh để cùng nhau phát triển. Việc nền kinh tế VN ngày càng hội nhập đòi hỏi các DN phải liên kết để không chỉ cạnh tranh với các DN lớn ở thị trường nước ngoài mà còn giữ vững và phát triển thị trường trong nước
Thực tế cho thấy, do tác động của khủng hoảng kinh tế nên số lượng DN ra đời trong năm 2011 đã giảm đi đáng kể.Theo số liệu của báo cáo, tính đến 31/12/2011, tổng số DN đăng ký theo Luật DN đạt 622.977 DN. Trong năm 2011, số lượng DN mới đăng ký đạt 77.548 DN, giảm khoảng 13% về số lượng DN đăng ký mới và giảm 5,7% về vốn so với năm 2010. Từ thực tế đó, năm 2012 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế VN nói riêng. Trong bối cảnh khó khăn này, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt để giúp ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN. Trong khi đó, các DN cần tiếp tục thực hiện tái cấu trúc DN nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm để có thể tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, cần phải thiết lập và xây dựng các mối liên kết kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh của DN và hàng hoá VN.
Khuyến nghị từ thực tiễn
Bên cạnh việc chỉ ra những điểm yếu trong liên kết DN khiến sức cạnh tranh của DN trong 5 ngành báo cáo đã lựa chọn nói riêng, bản báo cáo cũng đã đưa ra những kiến nghị đối với Chính phủ và gợi ý cho DN nhằm đẩy mạnh tính liên kết trong cộng đồng DN.
Bản báo cáo cho rằng cần xây dựng khung thể chế để tăng cường liên kết kinh doanh giữa các DN theo vùng, theo thông qua hiệp hội DN, theo chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị: Nhà nước cần sớm ban hành Luật Hội hoặc Nghị định riêng về Hiệp Hội DN. Cần có quy hoạch phát triển các vùng kinh tế một cách cụ thể trên cơ sở khai thác lợi thế cạnh tranh của các vùng, đặc biệt là vùng nguyên liệu. Nhà nước cần có định hướng rõ rệt khi quy hoạch xây dựng các CCN, cụm công nông nghiệp trên cơ sở mối liên kết giữa các DN.
Ngoài ra, tăng cường kết nối vật lý, kết nối pháp lý và kết nối nguồn nhân lực trong việc phát triển các dịch vụ logistics, bao gồm: tăng cường kết nối hạ tầng giao thông vận tải hiện hữu đồng thời phát triển hạ tầng mới với các phương thức vận tải thích hợp. Thống nhất các quy định pháp lý và đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực của ngành logisctics để đáp ứng nhu cầu xây dựng các hệ thống logistics hiệu quả, bảo đảm chuỗi cung ứng hiệu quả.
Hình thành một khung thể chế hiện đại hướng tới phát triển du lịch bền vững. Có thể hình thành tổ chức tư vấn du lịch ở cấp quốc gia để hỗ trợ ngành du lịch xây dựng, triển khai các chính sách cũng như công tác quản lý phát triển ngành.
Về phía DN, báo cáo cho rằng, các DN cần mạnh dạn đột phá tham gia và phát triển các bộ phận kinh doanh như thiết kế và công nghệ để tham gia sâu và hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời các DN cần tham gia chặt chẽ vào hệ thống các cụm, khu công nghiệp, liên kết theo chuỗi ngành, sản phẩm.
Chẳng hạn, các DN trong ngành chế biến thực phẩm cần thực hiện tổ chức lại sản xuất theo mô hình liên kết dọc, trong đó lấy hộ chăn nuôi, nuôi trồng làm trung tâm, DN chế biến có vai trò đầu tàu của mối liên kết hoặc tổ chức các nhóm liên kết ngang của những người sản xuất và chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau như: tổ hợp tác, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất... Phát huy tính năng động của các đơn vị trung gian với vai trò cầu nối giữa DN chế biến với người sản xuất đồng thời nâng cao hiệu quả các hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhằm gắn kết trách nhiệm các bên.
Ngoài ra, theo báo cáo các DN nên tăng cường tham gia các hiệp hội DN, chung sức xây dựng các hiệp hội này để có thể sớm trở thành trung tâm kết nối, hợp sức các DN cùng nhau phát triển. Các hiệp hội nghề nghiệp chính là những tổ chức quan trọng trong việc phát triển các liên kết kinh doanh ở tầm vĩ mô cũng như trong các chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cụ thể.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI: Bức tranh toàn cảnh về môi trường kinh doanh
“Báo cáo thường niên DN VN năm 2011” giới thiệu khái quát môi trường kinh doanh trong nước và thế giới với những diễn biến ngày càng phức tạp từ cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Đặc biệt, bức tranh về năng lực DN VN cũng được minh họa thông qua các chỉ số về lao động và tài chính trong một số ngành được lựa chọn, cụ thể là ở những ngành mà thông qua đó việc liên kết kinh doanh- chủ để năm của Báo cáo năm 2011- được thể hiện rõ nét nhất. Báo cáo cũng đưa ra một số kiến nghị chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và gợi ý đối với DN trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh, trong đó có khả năng liên kết kinh doanh.
Chúng tôi tin tưởng rằng dưới sự chỉ đạo sáng suốt và quyết liệt của Chính phủ và đặc biệt trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TƯ ngày 9 tháng 12 năm 2011 về “Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân VN trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, trong thời gian tới các DN VN sẽ có nhiều điều kiện và động lực để tiếp tục phát triển.
Ông Vũ Quốc Trí -Giám đốc Dự án ESRT, Tổng cục Du lịch: DN vẫn còn Tư duy ỷ lại
Do hầu hết các DN du lịch VN là DNNVV nên không đủ khả năng tiếp cận trực tiếp với thị trường nguồn khách nên họ phải liên kết với các DN lớn để nhận được sự phân phối lại nguồn khách. Cũng bởi quy mô nhỏ nên việc kinh doanh còn mang tính manh mún, phân tán, sức cạnh tranh yếu. Mặt khác, việc nâng cao chất lượng phục vụ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc khai thác và bổ sung các dịch vụ. Khi số lượng khách du lịch tăng lên, du lịch trở thành một ngành công ngihệp thì những DN có quy mô nhỏ sẽ bị hạn chế trong đón tiếp, phục vụ các đoàn du lịch lớn và áp dụng công nghệ quản lý hiện đại.
Bên cạnh đó, các DN du lịch quốc doanh tuy đã có một số thay đổi trong cơ chế quản lý, song vẫn còn tư duy ỷ lại, trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước. Các DN tư nhận, HTX, hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, năng lực có hạn, nhưng sức liên kết với nhau, liên kết với DN lớn còn rất hạn chế...
Bà Nguyễn Thị Tòng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày VN: Phát huy vai trò cầu nối
Hiệp hội Da Giày VN (LEFASO) được báo cáo chọn là tình huống nghiên cứu điển hình. Trong vai trò đại diện quyền lợi, LEFASO đã có tiếng nói tháo gỡ khó khăn và bảo vệ quyền lợi cho các DN thành viên. LEFASO cũng đã cung cấp các dịch vụ xúc tiến thương mại và đầu tư, các thông tin thương mại và thị trường, các dịch vụ tư vấn pháp lý cho các DN thành viên. Để tăng cường liên kết giữa các DN thành viên, giúp họ trao đổi kinh nghiệm và nâng cao năng lực sản xuất, LEFASO đã tổ chức nhiều diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ trong việc chuyển giao công nghệ kỹ năng quản lý. Tuy nhiên, thực trạng liên kết giữa các DN thành viên trong hiệp hội còn kém và chủ yếu là tự phát. Một số DN đã liên kết với nhau để thực hiện các đơn hàng lớn, hỗ trợ nhau trong cung ứng nguyên vật liệu, công cụ sản xuất, máy móc thiết bị, và chia sẻ một số thông tin về thị trường,... Sự liên kết này thường chặt chẽ hơn giữa các DN hoạt động trên cùng một vùng địa lý. |
Tuấn Anh
Diễn đàn doanh nghiệp
|