Thứ Năm, 29/03/2012 15:04

Mong manh con số, chỉ tiêu

Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2012 đạt 24,52 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Trong đó có 8 nhóm hàng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như thủy sản, cà phê, dầu thô, dệt may, da giày, máy vi tính, sản phẩm điện tử… Một kết quả có thể nói là rất khả quan.

Tuy nhiên, phân tích nội tại 3 tháng đầu năm đã chỉ ra nhiều vấn đề bất ổn bởi mức tăng trưởng kim ngạch chủ yếu nằm ở khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đạt 15,54 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ; khu vực DN 100% vốn trong nước đạt 8,9 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước.

Điều này cho thấy các DN FDI đang tiếp cận đối tác nhập khẩu và thâm nhập thị trường nước ngoài tốt hơn DN Việt Nam, nên dù trong bối cảnh khó khăn lượng hàng hóa xuất khẩu vẫn tăng mạnh. Ngược lại, các DN Việt đang rơi vào tình trạng kém sức cạnh tranh ở thị trường nước ngoài do phải chịu sức ép từ thiếu nguyên liệu, nhân công, vốn, đơn hàng đến các rào cản kỹ thuật được dựng lên trong năm 2012 từ các thị trường chủ lực.

Đầu năm 2012, Bộ Công Thương đưa ra dự báo tình hình xuất khẩu cả năm 2012 rất khả quan nhưng thực tế đang gây ra nhiều lo ngại. Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản được dự báo đạt khoảng 20,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2011.

Tuy nhiên 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này chỉ đạt 4,52 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhóm ngành này đang phải đối mặt với việc các thị trường xuất khẩu chủ lực thực hiện nhiều biện pháp kiểm duyệt vệ sinh an toàn thực phẩm, các hàng rào kỹ thuật, các quy trình kiểm dịch gắt gao.

Với tình hình này, các mặt hàng nông, thủy sản khó về đích đúng chỉ tiêu đề ra. Hay mặt hàng gạo xuất khẩu dự kiến không giảm về lượng nhưng sẽ giảm trị giá khoảng 3,9%; mặt hàng cà phê dự kiến xuất khẩu 2,6 tỷ USD, khối lượng xuất khẩu tăng 1,7%, giá trị sẽ tăng 5,2%.

Nhưng thực tế, kim ngạch xuất khẩu gạo đang giảm 42,5% về lượng và 42,5% về trị giá; kim ngạch xuất khẩu cà phê đang giảm 10% về lượng và 12% về trị giá. Vì vậy, để đạt được những chỉ tiêu năm 2012 dự báo sẽ rất khó.

Hiện các quốc gia trên thế giới đều có ý thức trong việc đảm bảo nguồn cung, nên việc xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn. Các hợp đồng xuất khẩu gạo những tháng đầu năm chủ yếu là những hợp đồng từ cuối năm 2011 chuyển sang và thời gian giao hàng kéo dài tới quý III-2012.

Philippines là một thị trường lớn nhưng đến ngày 19-3 mới bắt đầu đấu thầu hợp đồng xuất khẩu, như vậy phải đến khoảng tháng 5 thị trường này mới bắt đầu nhập hàng. Trong quý I-2012, một số mặt hàng có lượng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, như chè xuất khẩu tăng 22,6%, cao su tăng 37,6%, hạt tiêu tăng 11,7%, nhân điều tăng 17%. Nhưng trong các ngành này vẫn còn tiềm ẩn khó khăn phía trước.

Chẳng hạn như cà phê, điều đang đối mặt với thiếu vốn, thiếu nguyên liệu; cao su do tác động yếu tố giảm giá xuất khẩu và đặc biệt các ngành còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu…

Khi các ngành xuất khẩu chủ lực đang gặp nhiều khó khăn, việc đặt ra các chỉ tiêu, các con số cụ thể sẽ chỉ là ảo vọng nếu không có những giải pháp thực tế để tháo gỡ vướng mắc đang dàn trải trước mắt. Theo đó, để tháo gỡ vướng mắc cho DN cần có sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan, ban ngành, bởi những kiến nghị của DN phải cần sự chung sức mới có thể giải quyết được.

Chẳng hạn như Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết đang cần 6.000 tỷ đồng để thu mua nguyên liệu trong nước và 6.000 tỷ đồng cho nhập khẩu điều thô đến hết tháng 9. Kiến nghị đã lâu và nhiều lần nhưng mới được Bộ Công Thương ghi nhận, còn các tổ chức tín dụng vẫn thờ ơ.

Hay mới đây, Hiệp hội Nuôi trồng và chế biến thủy sản Việt Nam kiến nghị việc áp dụng Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon chưa hợp lý, DN xuất khẩu phải chịu thuế đối với túi nilon đóng gói hàng xuất khẩu với chi phí lên đến gần 80 triệu USD/năm, làm giảm sức cạnh tranh của DN.

Bộ Công Thương đã trao đổi với Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế về việc tạo điều kiện cho DN xuất khẩu được hoàn thuế, thế nhưng kiến nghị trên vẫn chưa được xem xét, DN vẫn phải chấp hành thuế theo luật định.

sài gòn ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin tức khác

>   Nợ Vinashin: Bộ Tài chính đang nghiên cứu hoán đổi nợ cũ lấy trái phiếu mới (29/03/2012)

>   Ô tô không phải “chùm khế ngọt”! (29/03/2012)

>   Giữ tăng trưởng bằng đa ngành (29/03/2012)

>   Vật liệu xây dựng: Ế ẩm triền miên (29/03/2012)

>   Kiểm tra giá sữa ngay từ khâu thông quan (28/03/2012)

>   Doanh nghiệp từ chối mua đường trong nước (28/03/2012)

>   Viettel đặt mục tiêu sản xuất 1 tỉ đô la thiết bị vào 2015 (28/03/2012)

>   Dấu hiệu rõ rệt của đình đốn sản xuất (28/03/2012)

>   'Tôi chịu trách nhiệm khi nói thủy điện Sông Tranh 2 an toàn' (28/03/2012)

>   Dệt may đặt hy vọng vào quí 2 (28/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật