Sức mua giảm mạnh
Nhiều doanh nghiệp tính toán quay lại thị trường truyền thống và tăng cường khâu tiếp thị, quảng bá, mở thêm điểm bán… với hy vọng thêm đầu ra cho sản phẩm.
“Rất chậm” là câu trả lời chung mà chúng tôi nhận được từ các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh khi hỏi về tình hình tiêu thụ hàng hóa 3 tháng đầu năm, đặc biệt là tháng 3. Sức tiêu thụ của thị trường giảm rõ rệt, các DN đang phải tính toán lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tìm mọi cách để tiêu thụ hàng.
Khuyến mãi vẫn khó bán
Tại nhiều công ty, doanh thu tháng 3 không những không tăng mà còn giảm so với cùng kỳ. Bà Lê Thanh Lâm, Phó Giám đốc Công ty SG Food, cho hay sức mua hiện rất yếu, ngay cả ngành thực phẩm cũng bị ảnh hưởng. Từ đầu năm đến nay, mặc dù công ty “gồng mình” không tăng giá nhưng doanh thu tháng 3 giảm 10% so với cùng kỳ, thực tế giảm đến trên 20% vì cùng thời điểm này năm ngoái, số lượng đại lý, sản phẩm ít hơn hiện tại.
Nguyên nhân là do người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu một cách rõ rệt. Tình hình quá xấu nên công ty phải điều chỉnh kế hoạch năm và dừng lại một số chương trình phát triển sản phẩm mới.
Bà Lê Thanh Lâm cho hay các giải pháp khuyến mãi giảm giá cũng không có tác dụng nhiều đến sức mua vì với các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, mức giảm 5% - 10% quy ra tiền không đáng là bao nhưng nếu giảm sâu hơn nữa thì công ty sẽ lỗ nặng. “Giải pháp tối ưu là phải tìm thêm nguồn tiêu thụ, đặc biệt là kênh trường học và nhà hàng, khách sạn… cũng như mở thêm đại lý bán hàng” – bà Lâm cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 2, cho hay đang chi cho khuyến mãi “đậm” hơn năm ngoái nhưng hàng vẫn bán chậm hơn. Nhận định hàng may mặc không thuộc nhóm ưu tiên mua sắm trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên từ trước Tết, Sài Gòn 2 gần như không tăng lượng hàng bao nhiêu cho mùa Tết và hiện sản xuất cho thị trường nội địa đã giảm 20% - 25%.
Những năm trước, mỗi tháng công ty tung ra khoảng 70-80 sản phẩm mới nhưng nay giảm chỉ còn khoảng 1/2 số đó. “Chúng tôi không có tham vọng tăng trưởng doanh thu nội địa trong năm nay mà chỉ cố duy trì tình trạng hiện có, không mở thêm cửa hàng mới mà tập trung chào hàng vào các siêu thị và sản xuất theo đơn đặt hàng” - ông Toàn nói.
Trông chờ nông thôn, chợ truyền thống
Những năm trước, kênh phân phối chợ truyền thống bị nhiều DN làm ngơ vì cho rằng bán hàng vào đây sẽ mang tiếng là “hàng chợ”, nay dưới sức ép của việc sụt giảm doanh số, nhiều DN bắt đầu tìm cách xâm nhập thị trường này.
Vừa bỏ ra gần 200 triệu đồng để mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên đường Nguyễn Kiệm - TPHCM, Công ty Thực phẩm Việt Hương đã lên kế hoạch tiến sâu vào kênh phân phối chợ truyền thống.
Ông Nguyễn Kim Ngân, giám đốc công ty, cho biết: Mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm là để người tiêu dùng dễ dàng mua hàng, thông qua đó quảng bá sản phẩm, hình ảnh công ty. Còn việc mở rộng kênh phân phối vào chợ truyền thống là việc phải làm. năm 2012 theo kế hoạch, Việt Hương sẽ phát triển thêm khoảng 30% đại lý bán hàng và tập trung “đẩy” hàng ra kênh phân phối chợ, khu vực nông thôn, các tỉnh, thành… “Trước đây, chúng tôi chưa chú tâm lắm đến kênh phân phối chợ nhưng nay bắt buộc phải làm để bù đắp cho doanh số tại các kênh phân phối bán lẻ hiện đại đang có dấu hiệu chựng lại, thậm chí sụt giảm” – ông Ngân thừa nhận.
Không chỉ đưa hàng vào chợ, một số công ty còn tích cực hưởng ứng đưa hàng về nông thôn để qua đó tiếp thị, quảng bá sản phẩm trực tiếp với người tiêu dùng và thiết lập thị trường tiêu thụ mới. Đại diện Công ty Nhựa Duy Tân cho hay hễ chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đi đến đâu thì nhựa Duy Tân theo đến đó, sau khi bán hàng là thiết lập đại lý phân phối, chi nhánh… Bước đầu hoạt động này đã mang lại hiệu quả khả quan, nhờ vậy mà cải thiện đầu ra cho sản phẩm.
Hàng tồn kho tăng cao
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 2, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng 17,4% so với cùng kỳ năm truớc. Nhiều ngành có chỉ số tồn kho tăng rất cao, trong đó, tồn kho chế biến và bảo quản rau quả tăng 80,6%, sản xuất phân bón tăng 71,9%, sản xuất sắt, thép tăng 53,4%...
Chỉ số tiêu thụ một số ngành đang giảm mạnh như: chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản giảm 10,4%; sản xuất giày, dép giảm 21,7%; sản xuất đồ uống không cồn giảm 30,4%; sản xuất sắt, thép giảm 34%; sản xuất xi măng giảm 37,8%... |
THANH NHÂN
Người lao động
|