Thanh tra nhà thu nhập thấp: Chữa cháy?
Bộ Xây dựng vừa có quyết định thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại Hà Nội và 6 dự án của 3 tổng công ty Vinaconex, Handico và Viglacera.
Theo đó, đoàn thanh tra có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Sau khi hoàn tất công tác thanh tra, những vướng mắc tồn tại của cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ được đoàn thanh tra kiến nghị sửa đổi, bổ sung, báo cáo lên Bộ Xây dựng.
Sau giai đoạn dài “hỗn mang” của loại hình nhà ở vốn nhận được nhiều kỳ vọng này, đây được coi là một tín hiệu đáng mừng. Bởi lẽ cũng giống như thị trường BĐS, một đợt thanh tra quy mô sẽ giúp cho các cơ quan chức năng “bắt đúng bệnh, bốc đúng thuốc”.
Từ đó có thể có những quyết định, chính sách kịp thời tháo gỡ khó khăn hoặc ngăn chặn tiêu cực. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, động thái này của Bộ Xây dựng đáng ra phải làm từ 1 năm trước - thời điểm báo chí “đánh động” về những thất bại và bất ổn của loại hình nhà ở này.
Cách đây chưa lâu, kết luận của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà ở đã khiến nhiều người “ngỡ ngàng”.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã chậm chạp trong việc xây dựng chương trình quốc gia về nhà ở giai đoạn 5 năm, chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn 2030, cũng như các dự án nhà ở xã hội đều chậm so với tiến độ. Thông tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết đã có 42 dự án nhà ở thu nhập thấp được khởi công với mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 1.714 căn hộ đã đưa vào sử dụng, đạt 1% kế hoạch. Hai dự án tại Ngô Thì Nhậm, Hà Đông (Hà Nội) và Nguyễn Tri Phương (Đà Nẵng) đều được xây dựng cao trên 6 tầng trong khi Luật Nhà ở quy định không xây quá 6 tầng. Ngay cả việc Bộ Xây dựng ban hành thông tư hướng dẫn UBND TP Hà Nội về đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp cũng bị đánh giá chưa hợp lý khi chỉ giới hạn “các hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại các quận, phường”.
Cụ thể theo quy định, điều kiện để nhập hộ khẩu Hà Nội là phải có nhà, trong khi phần lớn các đối tượng có nhu cầu mua nhà thu nhập thấp chỉ có hộ khẩu tạm trú và trên địa bàn Hà Nội còn có các đối tượng mua nhà thuộc các xã, huyện. Ngoài ra, Bộ Xây dựng còn bị đánh giá là chậm thành lập các đoàn thanh tra để kiểm tra kết luận những tồn tại trong việc thực hiện chương trình như: đầu tư dàn trải gây lãng phí vốn đầu tư, giá cho thuê nhà ở sinh viên giữa các địa phương không thống nhất hay các dự án nhà ở xã hội chậm triển khai…
6 dự án nhà thu nhập thấp rơi vào tầm ngắm lần này gồm: dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu tái định cư Kiến Hưng và khu dân cư Ngô Thì Nhậm (CT1), quận Hà Đông, Hà Nội do CTCP Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai và CTCP Xây dựng số 21 Vinaconex làm chủ đầu tư. Hai dự án nhà thu nhập thấp ở khu đô thị Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội do Handico 3 và Handico 5 làm chủ đầu tư.
Tổng công ty Viglacera có dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp gồm 5 tòa tại khu đô thị mới Đặng Xá, huyện Gia Lâm và dự án tại lô đất CT1 và CT2 thuộc quỹ đất 20% khu đô thị mới xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Vấn đề người dân quan tâm nhất là giá bán vượt ngưỡng của các dự án này. Theo đó, để có được một căn hộ thu nhập thấp, người dân phải bỏ ra ngót nghét 1 tỷ đồng.
Dù cuộc thanh tra của Bộ Xây dựng dễ làm người ta liên tưởng đến động thái “chữa cháy” sau kết luận nghiêm khắc của Thanh tra Chính phủ, nhưng hy vọng nó sẽ mang lại nhiều đổi mới cho nhà ở giá thấp. Việc tìm ra nguyên nhân của những bất cập của loại hình nhà ở này cùng với những căn hộ mẫu đang được xây dựng chắc chắn sẽ mang lại “luồng gió mới”, giúp người dân đô thị tiếp cận gần hơn với một chốn an cư.
Vẫn còn 99% số căn hộ có thể “hưởng lợi” từ đợt thanh tra này của Bộ Xây dựng. Và người dân vẫn có quyền hy vọng về một căn nhà giá thấp thực sự trong tương lai.
Hoài Trâm
sài gòn tiếp thị
|