Thứ Hai, 26/03/2012 07:06

Tháng 4, giá xăng sẽ “ngấm” vào lạm phát

Theo TS Lê Anh Tuấn, Kinh tế trưởng, Giám đốc nghiên cứu quỹ Dragon Capital, một phần khá lớn của lạm phát vòng 2, của việc tăng giá các mặt hàng trong tháng 3 sẽ rơi vào tháng 4.

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 chỉ tăng 0,16% so với tháng 2. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều tháng qua, tương đương với tháng thấp nhất của năm 2011, có vẻ là một tin khá tốt vì trong tháng 3 nhiều mặt hàng tăng giá như xăng dầu, gas, sữa…Tuy nhiên, theo TS Lê Anh Tuấn, Kinh tế trưởng, Giám đốc nghiên cứu quỹ Dragon Capital, một phần khá lớn của lạm phát vòng 2, của việc tăng giá các mặt hàng trong tháng 3 sẽ rơi vào tháng 4.

“Chúng ta không thể nào chủ quan. Lạm phát của Việt Nam rất nhạy cảm và có thể thay đổi rất nhanh. Để kiểm soát lạm phát một cách bền vững, ngoài góc cạnh chính sách tiền tệ và tài khóa, việc quan trọng nhất và bức thiết là phải thay đổi cơ chế điều hành giá của các mặt hàng lương thực, thực phẩm và xăng dầu” - ông Tuấn lưu ý.

Lạm phát cao gấp bốn lần Indonesia, Malaysia

. Thưa ông, sau khi giá xăng và giá gas được điều chỉnh tăng thì nay bắt đầu có tác động nhẹ lên các mặt hàng lương thực, thực phẩm, chi phí vận tải... Liệu sức khỏe nền kinh tế sẽ ra sao?

+ TS Lê Anh Tuấn (ảnh): Năm 2011, chỉ số lạm phát lương thực của Việt Nam khoảng 26,5% trong khi các nước mới nổi khác - kể cả những nước phải nhập khẩu lương thực, thực phẩm như Indonesia, Malaysia, Sri Lanka… thì chỉ số lạm phát lương thực của họ chỉ dừng ở một con số 4%-9%. Rõ ràng đó là một nghịch lý! Tại sao chúng ta là nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm mà chỉ số lạm phát lương thực lại cao gấp ba, bốn lần những nước phải đi nhập?

Thời gian qua, Chính phủ cũng đã giao cho các công ty lương thực, thực phẩm trong nước có trách nhiệm để bình ổn giá nhưng thực tế giá của các mặt hàng thực phẩm vẫn liên tục tăng. Vì vậy, đã đến lúc cần phải xem lại năng lực quản lý của các doanh nghiệp (DN) đã được giao nhiệm vụ.

Thời điểm này, sau một năm chính sách tiền tệ thắt chặt, việc tái cơ cấu nền kinh tế hay khối ngân hàng đều phụ thuộc vào kết quả của việc kiềm chế lạm phát. Do đó không chỉ những người dân mà ngay cả nền kinh tế cũng không thể chịu thêm một năm lạm phát cao nữa.

. Thật ra có ý kiến cho rằng việc tăng giá xăng là việc phải làm…

+ Với mặt hàng xăng dầu, hiện Petrolimex kiểm soát đến 60% thị phần, vậy mà có nhiều người cho rằng nên để DN có quyền tự định giá. Đó là chuyện lợi bất cập hại. Thứ hai, cơ chế cách tính giá của xăng dầu vẫn là một dấu hỏi lớn đối với người dân. Nhiều con số được công bố trên báo chí nhưng thực hư của nó thì lại chưa rõ ràng. Ngay cả chuyện DN luôn so sánh giá xăng dầu trong nước với giá của Campuchia, Trung Quốc… thì đó là sự so sánh khá khập khiễng, bởi chúng ta không hề biết cơ cấu, cách tính giá của nước họ như thế nào.

Cần thả nổi có kiểm soát

. Nói như ông, phải chăng việc “té nước theo mưa” mỗi lần giá xăng, giá điện… tăng bắt nguồn từ cơ chế điều hành giá?

+ Một điều mà cơ quan không nên làm đó là khi giá tăng thì không nên có những tuyên bố giải thích đại loại như đáng lý phải tăng giá xăng lên 6.500 đồng/lít hoặc lẽ ra phải tăng giá điện lên bao nhiêu %. Nói như vậy chẳng khác nào cho rằng đợt này tăng ít và có thể sẽ còn điều chỉnh tăng nữa. Người dân nghe những thông tin đó sẽ rất hoang mang.

Đối với xăng dầu, thực tế giá ảnh hưởng trực tiếp lên chi phí sản xuất không cao - cộng trực tiếp lên chỉ số lạm phát không cao nhưng lại gián tiếp tác động đến lạm phát tâm lý. Ví dụ, giá xăng tăng thì không thể tác động nhiều tới giá gói xôi, vậy mà giá xôi cũng tăng ngay. Hay như các bác tài xe ôm, một lít xăng tăng 2.100 đồng nhưng họ tăng ngay giá cuốc xe ôm đến mươi, vài chục ngàn đồng. Chúng ta đang khiến xảy ra tình trạng lạm phát tâm lý. Cứ xăng tăng thì ai cũng “tự vệ” tăng giá các mặt hàng theo vì sợ lỗ. Trong khi đó, khi giá xăng giảm thì đâu có việc giá xôi sẽ giảm, nghĩa là không hề có giảm phát vòng 2.

. Vậy theo ông, giải pháp điều hành giá, cụ thể là giá xăng, cần thế nào để tránh yếu tố lạm phát tâm lý?

+ Điều quan trọng nhất trong điều hành giá là đừng bao giờ để giá tăng sốc, một lần điều chỉnh đến 2.000 đồng/lít xăng. Ví dụ, giá thế giới tăng nhẹ thì chúng ta cũng tăng 3%-5%, sau đó giá thế giới giảm thì chúng ta cũng giảm ở mức 3%-5%. Cách điều hành này khiến người dân, DN có thể quen dần với việc giá xăng dầu thay đổi. Nói như vậy tức là chúng ta “thả nổi” nhưng có kiểm soát của Nhà nước chứ không phải thả nổi rồi để DN làm gì thì làm.

Tôi muốn nhấn mạnh một điều, trong quá trình kiểm soát lạm phát, chúng ta không thể thua trên mặt trận điều hành giá.

Phải giữ ở con số 5%-6%

. Theo ông, trong những tháng tới đây, chỉ số CPI sẽ diễn biến như thế nào?

+ Tháng 3, chỉ số CPI thấp hơn so với dự đoán của nhiều người là do giá mặt hàng thịt heo giảm mạnh. Đặc biệt, trong tháng 3, giá xăng vẫn chưa tác động nhiều đến chỉ số này. Phải đến tháng 4, giá xăng mới bắt đầu “ngấm”, lại cộng dồn thêm tâm lý lạm phát. Từ đây, dự đoán của tôi về chỉ số CPI trong tháng 4 tăng khoảng 0,6%-0,8%. Nếu cứ đà tăng giá của nhiều mặt hàng (các siêu thị đã nhận được khá nhiều yêu cầu tăng giá - NV), trong tháng 5 chỉ số lạm phát có thể sẽ ở mức 11,5%, nếu kềm giá tốt thì khả năng lạm phát về một con số vào tháng 6.

Muốn vậy, trong tháng 4, nhất quyết không thể để thêm một mặt hàng thiết yếu nào tăng thêm. Ngay cả với giá điện, phải đợi đến tháng 6, khi tình hình dịu đi thì chúng ta mới có thể tính đến phương án này.

. Đến thời điểm này, ông đánh giá như thế nào về mục tiêu kiềm chế lạm phát?

+ Năm 2008, chỉ số lạm phát là 20%, đến năm 2011, chỉ số lạm phát tiếp tục ở mức cao là 18%. Điều này làm cho nhà đầu tư trong và ngoài nước họ chưa tin vào khả năng kiểm soát lạm phát ở Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam hiện đang rất yếu, do đó phải giữ chỉ số lạm phát 8%-9%, thậm chí chúng ta phải bắt buộc đặt ra mục tiêu trong bốn, năm năm tới đây phải đẩy nó về con số 5%-6% thì mới làm cho nền kinh tế tốt lên.

Để làm được điều đó, giải pháp căn cơ nhất vẫn là thay đổi cơ chế điều hành giá của lương thực, thực phẩm và giá xăng dầu.

. Xin cảm ơn ông.

Dấu hiệu đình lạm

Trong một hội thảo gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế đã phát đi cảnh báo về khả năng nền kinh tế có dấu hiệu của đình lạm. Tháng trước, Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm tăng 3,9% so với cùng kỳ, chỉ bằng hơn nửa tốc độ tăng của cả năm 2011.

Với ngành nông nghiệp, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh về lượng do khó khăn thị trường dẫn tới tồn kho cao và một phần do một số mặt hàng sụt giảm mạnh nguồn cung.Trong khi đó, tổng cầu giảm rất mạnh. Báo cáo tháng 2 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tổng phương tiện thanh toán đến ngày 20-2 ước giảm 0,64% so với tháng trước và giảm 0,11% so với cuối năm 2011.

TS (Theo VnEconomy)

MAI PHƯƠNG

Pháp luật TP

Các tin tức khác

>   Việt Nam với giải pháp 'Giấu bụi dưới thảm' (26/03/2012)

>   Kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (26/03/2012)

>   Phân bổ sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ: Còn nhiều bất cập (25/03/2012)

>   Bí vốn kéo dài: DN từ nín thở đến tắt thở (25/03/2012)

>   CPI tháng 3/2012 nhích rất khẽ: Mừng hay lo? (24/03/2012)

>   25/03, Thủ tướng họp với các chuyên gia kinh tế (24/03/2012)

>   Hà Nội: Tổng sản phẩm nội địa tăng 7,3% trong quý 1 (23/03/2012)

>   Nhật đầu tư gần 1 tỷ USD xây KCN phụ trợ tại Hà Nội (23/03/2012)

>   522 triệu USD phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng (23/03/2012)

>   ANZ đánh giá lạm phát Việt Nam đang giảm (23/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật