CPI tháng 3/2012 nhích rất khẽ: Mừng hay lo?
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2012 với mức tăng 0,16% so với tháng trước, thấp nhất trong so sánh với 20 tháng qua và với cùng kỳ 3 năm gần đây.
Diễn biến này cũng phá vỡ xu hướng gia tốc của 4 tháng trước đó. Thêm nữa, dưới tác động từ việc tăng giá mạnh các mặt hàng xăng dầu, gas thì mức điều chỉnh nói trên là khá thấp.
Ở các chỉ tiêu quan trọng khác, tình hình cũng có dấu hiệu khả quan hơn. So với cùng kỳ, CPI tháng này chỉ còn tăng 14,15%, chốt lại 7 tháng liên tiếp hạ nhiệt. Đây cũng là mức tăng thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 4/2011 đến nay.
Qua quý 1 với chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,55%, đo bằng CPI tháng này so với cuối năm trước, cho thấy triển vọng giữ lạm phát cả năm ở một con số đã tiến được bước đầu tiên. Nhưng nhiều quan ngại lại dấy lên.
Trong một hội thảo gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế đã phát đi cảnh báo về khả năng nền kinh tế có dấu hiệu của đình lạm. Thực tế quan điểm này cũng có cơ sở, nếu áp vào tình hình sản xuất hiện nay.
Tháng trước, cũng Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 3,9% so với cùng kỳ, chỉ bằng hơn nửa tốc độ tăng của cả năm 2011.
Với ngành nông nghiệp, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh về lượng, nguyên nhân là do khó khăn thị trường dẫn tới tồn kho cao, nhưng cũng có phần do một số mặt hàng sụt giảm mạnh nguồn cung.
Trong khi đó, tổng cầu giảm rất mạnh. Báo cáo tháng 2 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng phương tiện thanh toán đến 20/2 ước giảm 0,64% so với tháng trước và giảm 0,11% so với cuối năm 2011.
Trong diễn biến kể trên, riêng tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng giảm 12,62% so với tháng trước, nhưng tăng 3,05% so với cuối năm 2011 (do trước Tết Ngân hàng Nhà nước bơm mạnh tiền hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng thương mại).
Tính trong cả quý 1 năm nay, diễn biến cơ bản là tổng cầu giảm rất mạnh, “đối đầu” với tình hình sản xuất có một bộ phận khó khăn hơn. Thêm tác động từ lạm phát thế giới chuyển vào trong nước qua một số mặt hàng nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất như xăng dầu, gas… khiến lạm phát còn tăng nhưng ở mức thấp.
Một số thị trường quan trọng đã cho thấy những biểu hiện của trạng thái trên: người dân tiết giảm tiêu dùng nhưng lạm phát vẫn còn. Khả năng là dòng tiền có chuyển dịch tỷ trọng vào các mặt hàng thiết yếu.
Tại Hà Nội, địa phương có CPI tháng này tăng 0,19%, cơ quan thống kê cho biết, tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ quý 1/2012 không cao, nếu loại trừ yếu giá chỉ tăng 2,8% so cùng kỳ. Như vậy, đây cũng là tỷ lệ tăng rất thấp trong nhiều năm qua (năm 2009 nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,1%, năm 2010 tăng 15,5%, năm 2011 tăng 11,9%).
Cũng cơ quan trên cho biết, sức tiêu thụ của người dân 3 tháng đầu năm nay không cao như các năm trước. Trong khi giá cả của nhiều loại hàng hóa hiện nay giữ ở mức khá cao, giá xăng dầu và đặc biệt là giá gas tăng liên tục trong 3 tháng qua.
Thu nhập của người dân thời gian qua ít thay đổi, đời sống gặp nhiều khó khăn khiến người dân đang dần thắt chặt chi tiêu cũng như thay đổi cách chi tiêu đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thương mại. Mức tiêu thụ nhiều loại sản phẩm, nhất là hàng cao cấp trên thị trường đã giảm xuống rõ rệt.
Còn tại Tp.HCM, thị trường tháng 2 có mức tiêu dùng giảm khá thấp. Một số doanh nghiệp bán lẻ lớn có doanh thu trong tháng 2 giảm nhiều, có nơi giảm đến 51% so với tháng Tết. Trong tháng 3/2012, sức mua trong dân cư tăng khá hơn.
Tuy nhiên, theo cơ quan thống kê, tình hình kinh tế sụt giảm, giá cả biến động trong thời gian qua vẫn còn ảnh hưởng đến tâm lý mua sắm của người dân. Người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu ở nhiều nhóm ngành hàng không thuộc nhu yếu phẩm, hoặc chuyển sang dùng những sản phẩm rẻ hơn.
Tổng mức bán lẻ trong 3 tháng đầu năm 2012 tăng tương đương so với cùng kỳ, trong đó mức bán lẻ các ngành nhà hàng ăn uống, du lịch, dịch vụ tăng nhẹ chủ yếu là do tăng về giá.
Điểm lại diễn biến đáng chú ý của 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong tháng này, CPI lương thực, thực phẩm giảm khá mạnh, trong khi ăn uống ngoài gia đình lại tăng tương đối cao.
Mức tăng đỉnh điểm rơi vào nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, do tác động từ tăng giá gas và dầu. Cùng nguyên nhân tăng giá xăng, CPI nhóm giao thông tăng cũng khá. Giáo dục cũng có CPI tăng trên 1% như hai nhóm trên.
Trở lại với lo ngại của một số chuyên gia ở đầu bài viết, nếu loại trừ tác động quốc tế lên giá xăng dầu, gas ở trong nước, thì CPI tháng này thậm chí có thể đã giảm nhẹ. Như vậy, cũng có thể đây là dấu hiệu của thiểu phát?
Chỉ số giá vàng giảm 0,44% so với tháng trước; chỉ số giá USD cũng giảm tương ứng 0,63%.
Anh Quân
tbktvn
|