Phân bổ sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ: Còn nhiều bất cập
Không phủ nhận nhiều dự án đầu tư hiện nay đang rất cần đến nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), nhưng đang có tình trạng các địa phương cứ lập dự án, sử dụng nguồn vốn này quá "thoáng", còn TƯ là cơ quan đi vay thì phải lo trả lãi suất. Đó là đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khi rà soát việc sử dụng TPCP ở không ít bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011-2015.
|
Dự kiến giai đoạn 2012-2015 sẽ có hơn 800 dự án giao thông được sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. |
Buông lỏng giám sát
Để đi tới nhận định này, thời gian qua, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã làm việc với các bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Công an; Quốc phòng và các tỉnh Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thái Nguyên về việc sử dụng TPCP giai đoạn 2011-2015. Đoàn cũng đã khảo sát thực địa dự án giao thông trục chính nối thị xã Phú Thọ với quốc lộ 2; đường 39 B Thanh Nê - Diêm Điền (Thái Bình); Bệnh viện 700 giường ở Long An; tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc (Hà Nam). Qua hoạt động giám sát thấy nổi lên vấn đề, Chính phủ không rà soát kỹ để loại bỏ các công trình, dự án không nằm trong danh mục Nghị quyết 12 của Quốc hội; chưa làm rõ các công trình, dự án không đưa vào chương trình TPCP và phương án xử lý hậu quả sau cắt, giảm nên chưa phân rõ trách nhiệm của cơ quan sử dụng vốn nhà nước. Việc bố trí vốn cho các công trình, dự án có khối lượng hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày 31-12-2011 và các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012 còn thiếu kiểm soát, có tính bình quân xảy ra ở nhiều địa phương, dẫn đến chỉ đạo thi công vượt khối lượng khá lớn so với số vốn được phê duyệt; không bám sát kế hoạch vốn được nhận hằng năm để phân kỳ đầu tư, gây ra nợ khối lượng xây dựng cơ bản lớn, tạo gánh nặng nợ rất lớn cho ngân sách nhà nước. Có dự án có tên trong danh mục lại không được bố trí vốn. Năm 2011, UBTVQH chỉ cho phép bổ sung 40 dự án mới vào danh mục. Song đã có tới 333 dự án được khởi công mới sai đối tượng, không thuộc danh mục sử dụng vốn TPCP.
Cầu luôn vượt cung
Theo quy định hiện hành, tổng mức đầu tư ban đầu của các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư từ nguồn vốn TPCP giai đoạn 2011- 2015 là 225 nghìn tỷ đồng, đã bố trí vốn năm 2011 là 45 nghìn tỷ đồng. Như vậy, giai đoạn 2012-2015 còn lại là 180 nghìn tỷ đồng, kế hoạch năm 2012 là 45 nghìn tỷ đồng. Qua tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết các dự án đều có phát sinh, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lớn so với phê duyệt ban đầu. Có dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 2 lần, có những dự án không chỉ điều chỉnh về giá nhân công, vật liệu, giá đền bù, giải phóng mặt bằng... mà còn điều chỉnh cả về thiết kế kỹ thuật, quy mô dự án. Lại có những dự án vừa thi công, vừa đấu thầu, vừa điều chỉnh tổng mức đầu tư. Vì thế, tiền TƯ rót về chỉ đáp ứng được 47,1% nhu cầu các bộ, ngành, địa phương đề nghị.
Trong đó, giao thông được đáp ứng 49,7% so với nhu cầu, thủy lợi 37%, y tế 43,8%. Các chương trình kiên cố hóa trường học và y tế cấp huyện được bố trí đủ số vốn còn thiếu nhưng so với nhu cầu địa phương thì còn thiếu rất nhiều (chương trình bệnh viện tuyến huyện chỉ đáp ứng 24,9%, chương trình kiên cố hóa trường học và nhà công vụ cho giáo viên chỉ bằng 11,7% nhu cầu các địa phương đề nghị). Để hoàn thành các dự án giai đoạn 2012- 2015, các bộ, ngành, địa phương đề nghị được đầu tư vốn TPCP là 381,8 nghìn tỷ đồng. Nếu tính thêm yếu tố trượt giá trong 4 năm tới thì tổng nhu cầu là hơn 500 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 2,8 lần so với khả năng cân đối vốn TPCP giai đoạn 2012-2015.
Do tính cấp thiết, một số bộ, ngành, địa phương vẫn đề nghị được bố trí vốn cho một số dự án có trong Quyết định số 171/QĐ-TTg, nhưng không thuộc danh mục Nghị quyết số 881/2010/UBTVQH12; một số dự án mới chưa có trong danh mục dự án sử dụng vốn TPCP.
Điều hành linh hoạt
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH nêu quan điểm, nếu phân cấp quá rộng, lại thiếu biện pháp quản lý đồng bộ, sẽ dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và vốn TPCP, hậu quả đầu tư kém, gây phân tán và lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Do đó, chỉ phân bổ 180.000 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2012-2015, để bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, duy trì nợ công ở mức cho phép. Đồng thời, đề nghị đưa nguồn vốn này và các khoản thu, chi khác của Nhà nước vào trong cân đối ngân sách, bắt đầu từ năm 2013, sau khi Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực thi hành. Mục đích là để phản ánh đầy đủ, chính xác thu, chi của Nhà nước, đồng thời bảo đảm quản lý, kiểm soát chặt chẽ, giữ vững an ninh tài chính quốc gia.
Ngoài ra, không bổ sung quy mô, mục tiêu dự án. Thực hiện rà soát các dự án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, siết chặt và lập lại trật tự trong đầu tư công. Kiên quyết loại bỏ những công trình không hiệu quả, thời gian thực hiện kéo dài. Đồng thời, để giữ kỷ cương, đề nghị Chính phủ làm rõ những nguyên nhân gây chậm trễ, kiểm điểm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Nếu không, việc cân đối các nguồn lực trung hạn trong tương lai để thực hiện các công trình, dự án đã phê duyệt sẽ làm tăng nhanh nợ Chính phủ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên cũng không vì thế mà quá cứng nhắc với những công trình đặc biệt quan trọng, những công trình đang thực hiện dở dang, nếu không được sớm hoàn thiện sẽ hư hỏng, gây lãng phí. Với tinh thần đó, một số công trình cấp thiết mà Chính phủ đề nghị bổ sung thêm, nhưng không thuộc danh mục đã được Quốc hội thông qua thì cần được đưa ra xin ý kiến Quốc hội.
Đó là Bệnh viện Ung thư TP Đà Nẵng, Trung tâm Ung bướu và Tim mạch trẻ em Bệnh viện Bạch Mai; 5 dự án thành phần đường vào Nhà máy Điện nguyên tử Ninh Thuận; dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang.
Hà Phong
Hà Nội mới
|