Tăng thuế, thêm phí: Cứ đi ôtô là tận thu?
Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, hiện ô tô đang phải chịu 8 loại thuế, phí bao gồm: Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí đăng ký biển số, phí bảo hiểm vật chất, phí bảo hiểm dân sự, phí xăng dầu.
Từ 1/6 tới, các phương tiện giao thông sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộ, trong đó ôtô con đến 9 chỗ 1,8 triệu đồng/năm. Thời gian tới ôtô có thể sẽ phải đóng thêm các loại phí gồm: phí lưu hành xe từ 20 đến 50 triệu đồng/năm, phí vào nội đô giờ cao điểm 30.000 đồng đến 50.000 đồng/lượt.
Nặng thuế khóa: Xe khó lăn bánh
Một chiếc xe ôtô nhập về Việt Nam trước tiên sẽ phải chịu thuế nhập khẩu, với xe nguyên chiếc hiện nay từ 68%- 78% và với bộ linh kiện để lắp ráp trong nước là 20-25%. Dựa trên giá nhập cộng với thuế nhập khẩu, ô tô sẽ bị đánh tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 45%- 50%-60% tuỳ theo dung tích, sau đó lại phải chịu thêm 10% thuế giá trị gia tăng.
Việc đánh thuế chồng lên thuế với ôtô khiến cho giá xe bán đến tay người tiêu dùng tại Việt Nam cao vào hàng đầu thế giới. Trong cơ cấu giá bán xe thì chiếm tới trên 50% là các loại thuế phải nộp. Năm 2011 Toyota Việt Nam chỉ tiêu thụ gần 30.000 xe ôtô các loại vậy nhưng đã nộp vào ngân sách nhà nước số tiền lên đến trên 400 triệu USD, như vậy đủ để thấy mức thuế đánh vào ô tô nặng đến như thế nào.
Thuế cao, nhiều người tự an ủi rằng, thôi thì trả lúc đầu cao nhưng mua xe rồi không phải nộp thêm gì, không như ở nước ngoài, lúc đầu trả thấp nhưng sau đó tháng nào, năm nào cũng phải đóng các khoản phí cao.
Điều đó có thể sẽ không còn nữa khi hàng loạt các loại phí đáng đánh vào ôtô ngày càng tăng và người tiêu dùng Việt Nam không chỉ chịu thuế cao mà còn cả phí cao nữa.
Như đã nói, đến nay ôtô đang chịu 6 loại phí gồm: phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí đăng ký biển số, phí bảo hiểm vật chất, phí bảo hiểm dân sự, phí xăng dầu. Từ 1/6 tới, các phương tiện giao thông sẽ phải đóng thêm phí bảo trì đường bộ, trong đó ôtô con đến 9 chỗ 1,8 triệu đồng/năm.
Nếu sắp tới ôtô phải đóng thêm phí lưu hành xe, phí vào nội đô giờ cao điểm thì thật sự là phí chồng lên phí. Để một chiếc xe được lưu hành, chủ sử dụng phải đống lệ phí trước bạ, phí cấp biển, phí đăng kiểm, phí xăng dầu và giờ đến phí bảo trì đường bộ, tiếp tới có thể là phí lưu hành xe, thì quả thật đó là phí chồng lên phí.
Không những thế xu hướng tăng phí vẫn đang diễn ra. Trước kia lệ phí trước bạ với ôtô chỉ từ 2-5% thì thời gian qua đã tăng lên 10-12% và mới đây một số địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh lại tăng tiếp lên 20% và 15%. Rồi phí cấp biển số cũng vậy trước chỉ 2 triệu đồng/ xe thì nay Hà Nội đã đi đầu nâng lên gấp 10 lần. Các loại phí khác như: phí đăng kiểm, phí xăng dầu... chưa chắc đã đứng yên với mức thu như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, chúng ta đang biến phí thành những loại thuế cao, rất kỳ lạ. Phí trước bạ chỉ là một khoản nộp để được nhà nước thừa nhận quyền sở hữu với tài sản mà người tiêu dùng đã mua. Vậy mà chúng ta biến thành 1 loại thuế cao đánh vào người tiêu dùng. Bây giờ mua 1 chiếc ô tô có giá 1 tỷ đồng tại Hà Nội sẽ phải đóng thêm 20% lệ phí trước bạ và 20 triệu đồng phí cấp biển, như vậy tổng cộng lên tới 22% giá trị chiếc xe là mức quá cao, không ở đâu như vậy và không thể hiểu nổi dựa vào đâu mà các cơ quan đưa ra mức thu này.
Với phí lưu hành xe, sau khi có đề nghị từ Bộ GTVT, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan nêu rõ một số chỉ đạo của Thủ tướng về đề nghị bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vào danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo pháp lệnh phí, lệ phí.
Có chống nổi ùn tắc?
Nhiều chuyên gia cho rằng biện pháp thu nhiều loại phí trên đầu phương tiện chỉ nhằm đánh mạnh vào túi tiền người dân, chứ không thể giảm ùn tắc.
Những tìm tòi của Bộ GTVT để giảm ùn tắc, hạn chế lượng ô tô cá nhân chỉ là "thu đi" và thực tế là tăng thu, ép thu, không có gì đột phá mà chỉ là cưỡng bức.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, năm 2006-2010 mức động viên thuế của chúng ta quá cao, tới 28%. Thuế cao, DN sẽ không có tích luỹ để tái sản xuất, người dân không có cơ hội tiêu dùng, mà đó lại là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng giảm mức động viên về 21-22% để DN tăng đầu tư sản xuất, người dân tăng tiêu dùng. Việc tăng thu phí phương tiện giao thông đi ngược lại với mong muốn trên.
Theo ông Nguyễn Mại, cách làm chính sách của nhiều cơ quan thời gian qua vẫn chỉ nhìn trên lợi ích cục bộ, nhỏ lẻ, thiếu tầm, tư duy không khác gì gánh hàng xén; nhiều chính sách liên tục thay đổi khiến cho không ít DN nản lòng. Chúng ta làm chính sách nhưng hình như không quam tâm đến động lực kinh tế. Người ta làm ra của cải vật chất mà không được hưởng thụ xứng đáng sẽ không có động lực để làm việc nữa.
Quyết định tăng lệ phí trước bạ với ôtô, xe máy, thu phí phương tiện... thì đối tượng chịu thiệt chính là người dân, đáng ra phải được hưởng thành quả do chính mình làm ra thì nay phải chịu cảnh giá xe cao gấp ba lần thế giới, thử hỏi mọi người sẽ nghĩ như thế nào?
DN là lực đẩy của phát triển kinh tế, chính sách làm ra gây khó khăn cho DN sẽ làm giảm động lực phát triển, làm thui chột sản xuất. Việc đưa ra các chính sách, các đề xuất mà thiếu cái nhìn tổng thể, sâu rộng không có sự dung hoà lợi ích các bên thì không mang lại hiệu quả.
Các DN ôtô cũng không khỏi bức xúc, là đối tượng chịu tác động lớn, nhưng họ không được tham vấn. Khi chi phí để sở hữu một chiếc xe tăng lên đồng nghĩa với khả năng nhu cầu của thị trường sẽ giảm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất. Chính sách thay đổi liên tục, ảnh hưởng đến sự ổn định của ngành sản xuất này, vậy nhưng các nhà làm chính sách hình như không có đánh giá tác động như thế nào đến sản xuất mà chỉ nghĩ đến việc đưa ra các loại phí mới, tăng phí.
Trần Thủy
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|