Sao lại đoan chắc là “tất yếu”?
Nếu so với thời điểm tháng 2-2011, hiện giá bán lẻ gas đã tăng tới 44%. Trong khi đó, giá gas nhập khẩu chỉ tăng 28% và tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ giữa hai thời điểm gần như không có chênh lệch. Vậy, không thể nói việc tăng giá gas là tất yếu như phát biểu của lãnh đạo Cục Quản lý giá trong lần tăng giá gas hôm 1-3.
Từ ngày 1-3-2012, giá gas (khí hóa lỏng - LPG) đồng loạt tăng mạnh và đây cũng là lần tăng thứ ba kể từ đầu năm đến nay, đẩy giá mặt hàng này lên 477.000-490.000 đồng/bình 12 ki lô gam.
Theo các doanh nghiệp cung ứng, họ phải tăng giá bán lẻ vì từ ngày 1-3 giá gas trên thị trường thế giới tăng 180 đô la Mỹ/tấn, lên 1.205 đô la Mỹ/tấn. Sau đó, khi Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống 0%, giá gas đã giảm 16.000 đồng/bình. Nhưng vì sao giá bán lẻ gas lại tăng tức thời theo giá thế giới như vậy, trong khi hầu hết các mặt hàng khác luôn có độ trễ?
Ai được lợi từ cơn sốt giá gas?
Năm 2011 thị trường Việt Nam tiêu thụ hơn 1,3 triệu tấn gas. Trong số đó, nguồn nhập khẩu là 745.490 tấn và phần còn lại được sản xuất từ hai nhà máy ở Dinh Cố và Dung Quất, với gần 600.000 tấn mỗi năm.
Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) hiện là doanh nghiệp nắm quyền phân phối toàn bộ nguồn gas sản xuất trong nước. Đồng thời, với lợi thế về hệ thống kho chứa và tàu lạnh, PV Gas còn là nhà nhập khẩu gas lớn nhất ở Việt Nam và chiếm tới 70-80% thị phần trong nước.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng gas nhập khẩu bình quân hàng tháng trong sáu tháng cuối năm ngoái khoảng 60.000 tấn. Nếu cộng với nguồn sản xuất trong nước, có thể thấy Việt Nam luôn có lượng gas tồn kho đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong ít nhất một tháng. Một điểm đáng chú ý là trong quí 4-2011, gas nhập khẩu giảm đột ngột, bình quân chỉ còn 42.476 tấn/tháng. Đây là kết quả phù hợp với xu hướng suy giảm của ngành sản xuất vật liệu xây dựng, một trong những ngành sử dụng nhiều gas nhất để làm nhiên liệu nung.
Thế nhưng, từ đầu năm 2012 lượng gas nhập về lại tăng mạnh trở lại. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, mức nhập khẩu trong tháng 1-2012 đến 72.421 tấn, tăng gần 29% so với tháng 1-2011 và Tổng cục Thống kê ước tính lượng nhập về trong tháng 2 khoảng 72.000 tấn nữa. Có lẽ các doanh nghiệp đã dự báo được giá gas thế giới tăng, nên đã mua nhiều hơn.
Giá hợp đồng nhập khẩu gas, kể cả mua từ nguồn sản xuất trong nước, đều được tính theo giá thế giới cộng với “premium” (premium bao gồm cước phí vận chuyển, bảo hiểm và lãi của nhà cung cấp và nó thường được cố định trong ba tháng). Hiện nay, “premium” dao động trong khoảng 75-100 đô la Mỹ/tấn. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá gas nhập khẩu trung bình của tháng 1-2012 là 921 đô la Mỹ/tấn (bao gồm “premium”) và của nửa đầu tháng 2-2012 là 1.075 đô la Mỹ/tấn.
Việc các nhà sản xuất viện lý do giá gas thế giới từ ngày 1-3 tăng lên 1.205 đô la Mỹ/tấn để điều chỉnh giá bán ngay từ đầu tháng 3 là thiếu thuyết phục. Chắc chắn, những lô hàng phải mua theo giá mới, cụ thể là từ ngày 1-3, chưa thể xuất hiện trên thị trường ở thời điểm giá bán lẻ gas tăng. Rõ ràng, việc điều chỉnh giá bán gas tức thời như vậy sẽ mang lại khoản lợi nhuận, do chênh lệch giá, không nhỏ cho các doanh nghiệp kinh doanh gas.
Tất nhiên, đã là kinh doanh thì giá cả phải theo thị trường. Hơn nữa, cũng chẳng doanh nghiệp nào muốn gánh một rủi ro quá lớn khi giá cả có nhiều biến động. Nhưng điều không bình thường ở đây là các doanh nghiệp gas thường tăng giá rất nhanh khi giá thị trường thế giới tăng, nhưng lại luôn trì hoãn giảm giá khi giá đầu vào hạ nhiệt. Trong những năm trước, khi giá gas thế giới đã giảm khá sâu, các công ty kinh doanh gas vẫn không chịu sớm điều chỉnh giá bán và viện lý do còn tồn kho sản phẩm phải mua với giá cao trước đó. Rõ ràng, trong mối quan hệ buôn bán này, các công ty kinh doanh gas luôn nắm phần cán, còn khách hàng - những “thượng đế” của họ, lúc nào cũng chịu thiệt thòi.
Thị trường gas liệu có bị thao túng?
Hiện tại, nếu quy về đô la Mỹ, giá bán lẻ gas ở thị trường Việt Nam lên đến khoảng 1.850 đô la Mỹ/tấn. Vấn đề đặt ra ở đây là mức giá này có phản ánh đúng chi phí thực tế của doanh nghiệp, hay quá cao? Cho đến nay, giá thành sản phẩm của các công ty kinh doanh gas vẫn chưa được minh bạch, ngoại trừ con số về giá đầu vào.
Với giá nhập, hoặc mua từ nguồn sản xuất trong nước, theo công bố của các doanh nghiệp hiện là 1.205 đô la Mỹ/tấn, cộng thêm thuế giá trị gia tăng sẽ là 1.325 đô la Mỹ/tấn. Như vậy, chênh lệch giữa giá bán lẻ với giá đầu vào đến hơn 525 đô la Mỹ/tấn (gần 11 triệu đồng/tấn). Nếu so sánh với định mức chi phí kinh doanh và lợi nhuận mà Bộ Tài Chính đang áp dụng với ngành kinh doanh xăng dầu (900 đồng/lít xăng) thì mức chênh lệch trên của gas là quá lớn.
Tất nhiên, so sánh gas với xăng, dầu có thể chưa phù hợp, do sản lượng bán cũng như phương thức bán hàng của hai sản phẩm này khác nhau. Thế nhưng, do gas là một trong 14 mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý giá, nên đây vẫn là vấn đề cần được Bộ Tài chính giải đáp, để minh bạch thông tin với người tiêu dùng.
Dù gas nằm trong danh mục quản lý giá của Nhà nước, nhưng việc tăng, giảm giá gas hoàn toàn do các công ty tự quyết định. Điều này khác với xăng dầu, điện hay nhiều nhóm hàng khác, việc điều chỉnh giá là do liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định hoặc phải có ý kiến của Cục Quản lý giá.
Có một điều lạ là việc điều chỉnh giá gas của các doanh nghiệp thường xảy ra đồng loạt và trong cùng một thời điểm, giống như có sự thỏa thuận trước. Điều đó đặt ra mối nghi ngờ, các công ty kinh doanh gas có thực sự đang cạnh tranh với nhau hay không? Liệu giữa họ có thỏa thuận hoặc liên kết ngầm nào với nhau, theo kiểu cartel, để cùng chi phối và ấn định giá cả thị trường hay không?
Một điểm bất hợp lý khác là cách tính giá gas sản xuất trong nước. Theo đó, mỗi tấn gas PV Gas bán ra từ hai nhà máy ở Dinh Cố và Dung Quất đều cộng thêm chi phí vận chuyển, phí bảo hiểm và lợi nhuận cho người bán (“premium”) và thuế nhập khẩu. Mức “premium” cụ thể tùy thuộc vào cái giá bỏ thầu của những công ty tham gia đầu thầu mua gas, thường dao động trong khoảng 75-100 đô la Mỹ/tấn. Đây rõ ràng là phí khống, cho dù PV Gas đã nhiều lần giải thích rằng, việc đưa phí vận chuyển, bảo hiểm vào giá bán gas sản xuất trong nước là để tạo mặt bằng giá chung với gas nhập khẩu, bảo đảm công bằng với các nhà nhập khẩu gas khác.
Nhưng làm như thế có bảo đảm công bằng với người tiêu dùng không? Vì sao không dùng khoản phí khống này để lập quỹ bình ổn giá, vốn có lợi cho cả đơn vị kinh doanh gas lẫn khách hàng của họ.
Cho đến nay, vai trò của Nhà nước trong việc quản lý giá cả mặt hàng gas rất mờ nhạt, nếu không nói là buông lỏng hoàn toàn. Nếu so với thời điểm tháng 2-2011, hiện giá bán lẻ gas đã tăng tới 44%. Trong khí đó, giá gas nhập khẩu lại chỉ tăng 28% và tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ giữa hai thời điểm gần như không có chênh lệch. Lẽ ra Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính phải nắm số liệu, phải so sánh, đặt dấu hỏi và kiểm tra... thay vì vội vàng tuyên bố “tăng giá gas là tất yếu”!
Tấn Đức
tbktsg
|