Thứ Năm, 01/03/2012 21:38

Rủi ro tiềm ẩn từ sở hữu chéo giữa các ngân hàng

Hiện nay, nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn và giá cổ phiếu rất thấp. Đây là điều kiện thuận lợi cho “mạng nhện” sở hữu chồng chéo giữa các ngân hàng tiếp tục lan tỏa.

Lách luật bằng “mạng nhện”

Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định một cổ đông cá nhân không được sở hữu quá 5% và một tổ chức không quá 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, trước đó tỷ lệ này lần lượt là 10% và 20%. Tại Thông tư 13/2010/TT-NHNN, quy định “Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng và các công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết của tổ chức tín dụng trong cùng một doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, tổ chức tín dụng khác không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, tổ chức tín dụng khác đó”.

Sở dĩ Luật các tổ chức tín dụng và thông tư quy định giảm tỷ lệ sở hữu cá nhân và tổ chức xuống là nhằm làm cho ngân hàng có tính đại chúng hơn. Ngoài ra, các nhà quản lý lo ngại sự mất an toàn của hệ thống do tình trạng sở hữu chéo hoặc khi một cá nhân hoặc tổ chức sở hữu tỷ lệ lớn có thể lũng đoạn ngân hàng.

Tuy nhiên, thực tế những người muốn sở hữu tỷ lệ lớn hơn quy định không khó. Người chủ sở hữu thực sự có thể không cần đứng tên mà vẫn chi phối ngân hàng thông qua một người thứ ba. Bên cạnh đó, tình trạng đầu tư “lòng vòng” giữa các ngân hàng với nhau tạo thành một “mạng nhện” cũng khá phổ biến. Chẳng hạn một ngân hàng A nào đó đầu tư vào ngân hàng B, B đầu tư cho ngân hàng C, rồi C lại đầu tư vào A. Việc đầu tư chéo này có thể công khai trên sổ sách nhưng cũng có thể là không.

Thực tế, việc tìm thông tin về các tổ chức tín dụng mua cổ phần của các tổ chức tín dụng khác là điều hết sức khó. Rất ít ngân hàng công khai tỷ lệ đầu tư vào các tổ chức tín dụng khác. Những trường hợp công bố chính thức như Vietcombank, Vietinbank không nhiều. Không những vậy, những con số cũng có thể chưa phản ánh hết thực tế việc sở hữu giữa các ngân hàng.

Thuyết minh báo cáo tài chính của ACB cho thấy số tiền đầu tư vào tổ chức tín dụng khác của ngân hàng này lên tới 950 tỉ đồng, tuy nhiên không ghi rõ đây là những tổ chức nào. Ngoài ra, ACB còn có số tiền đầu tư dài hạn là 3.144 tỉ nhưng không cho biết có bao nhiêu tiền đầu tư vào các tổ chức tín dụng. Có lần một lãnh đạo cao cấp của ACB tuyên bố là “cổ đông chính của Eximbank” song số liệu chính thức được biết đến thì ACB chỉ sở hữu 1,04% vốn điều lệ của Eximbank (EIB). Ngoài ra, trong giới tài chính còn cho rằng ACB đang nắm một lượng khá lớn cổ phần các ngân hàng khác như Đại Á (DaiABank), Việt Á (VietABank), Kiên Long (KienLongBank), Sacombank (STB), Techcombank...

Năm 2010, vốn điều lệ của Ngân hàng Phương Nam chỉ khoảng 2.500 tỉ đồng, nhưng có con số đầu tư vào tổ chức tín dụng khác đến thời điểm 31-12-2010 lên tới 595,63 tỉ đồng (theo thuyết minh báo cáo tài chính 2010). Tuy nhiên, không có chi tiết là Phương Nam đang đầu tư vào những tổ chức tín dụng nào.

Như vậy, giữa quy định trong luật và thực tế là một khoảng cách khá xa. Dù có bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu thì cá nhân và tổ chức tín dụng vẫn có trăm ngàn cách để lách.

Những rủi ro từ việc sở hữu chéo

Giữa năm 2010, ước tính số vốn để các ngân hàng tăng vốn điều lệ lên mức tối thiểu 3.000 tỉ đồng theo quy định của pháp luật vào khoảng hơn 30.000 tỉ đồng. Bất chấp sự khó khăn của thị trường tài chính, cuối cùng tất cả các ngân hàng cũng đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá số vốn này “không thực chất” do các ngân hàng sở hữu chéo lẫn nhau hoặc các “ông chủ” dùng tiền vay để tăng vốn. Hệ quả là vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống tăng mạnh nhưng vốn thực góp lại không tăng tương ứng. Điều này đồng nghĩa với các hệ số đo lường độ an toàn của các ngân hàng như CAR, vốn chủ sở hữu/tổng tài sản... không còn chính xác.

Bên cạnh đó, một rủi ro cần được tính đến là tình trạng cho vay thiếu kiểm soát có thể tăng mạnh. Chẳng hạn khi một tổ chức tín dụng lớn chiếm cổ phần chi phối ngân hàng khác và biến ngân hàng này thành “sân sau” của mình, họ có thể buộc ngân hàng bị chi phối cấp tín dụng cho những dự án rủi ro hoặc cho doanh nghiệp có quan hệ thân thiết. Ngoài ra, không loại trừ trường hợp lãnh đạo của ngân hàng chi phối lạm dụng quyền lực buộc ngân hàng mà mình có thể chi phối cấp tín dụng để phục vụ lợi ích cá nhân.

Một rủi ro khá lớn khác là khi các ngân hàng hình thành một “mạng nhện” thì sẽ nảy sinh độc quyền nhóm. Liên minh ngân hàng này có thể đủ sức mạnh để chi phối lãi suất, tỷ giá và kể cả chính sách. Điều này có thể gây xáo trộn trên thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.

Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, công bằng mà nói, những ngân hàng nhỏ cũng được hưởng lợi khi ngân hàng lớn đầu tư vào, tuy nhiên trong những trường hợp như vậy cần phải có quy định, giám sát chặt chẽ, minh bạch thông tin để hạn chế những tiêu cực phát sinh.

Hồ Bá Tình

tbktsg

Các tin tức khác

>   HSBC đề cử thành viên vào Hội đồng Quản trị Techcombank (01/03/2012)

>   Giảm đầu tư tiền gửi ngoại tệ (01/03/2012)

>   Lãnh đạo NH: “Lãi suất hạ càng nhanh càng tốt” (01/03/2012)

>   Sở hữu chéo ngân hàng: Mớ bòng bong khó gỡ (01/03/2012)

>   Thêm ngân hàng cổ phần giảm lãi suất cho vay (01/03/2012)

>   Hệ lụy sở hữu chéo cổ phần ngân hàng (01/03/2012)

>   Nhà đầu tư ngoại “nhắm” ngân hàng Việt (01/03/2012)

>   Ngân hàng nhóm 4: Cơ may trong cuộc chơi mới (01/03/2012)

>   Nhà băng khắt khe: Ưu tiên vẫn khó vay vốn (01/03/2012)

>   Chia sẻ hạn mức tín dụng? (01/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật