Nhà đầu tư ngoại “nhắm” ngân hàng Việt
Ông Keith Pogson, Tổng giám đốc điều hành Dịch vụ tài chính - ngân hàng Ernst & Young khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho hay, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặc biệt quan tâm đến quá trình tái cấu trúc các ngân hàng ở Việt Nam, nhằm tìm ra cơ hội mua lại những ngân hàng yếu.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang có những bước đi tích cực trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ông có thêm những khuyến nghị chính sách gì để quá trình tái cấu trúc này được vận hành nhanh chóng?
Để có một hệ thống ngân hàng vững mạnh, mỗi quốc gia chỉ cần 3 -5 ngân hàng lớn làm trụ cột. Đi kèm với xây dựng những ngân hàng trụ cột, những ngân hàng còn lại cũng phải đảm bảo là ngân hàng khỏe mạnh, không bị ảnh hưởng bởi nợ xấu, nợ dưới chuẩn. Ở Việt Nam hiện có nhiều ngân hàng nhỏ, tôi khuyến nghị, NHNN nên hỗ trợ, tạo điều kiện để hợp nhất các ngân hàng này. Theo đó, NHNN cần tạo khuôn khổ chính sách thuận lợi cho mua bán, sáp nhập ngân hàng, đảm bảo an toàn tiền gửi cho người dân khi sáp nhập. Thứ hai, cần phải có hướng xử lý nợ xấu, nợ dưới chuẩn. Luật pháp Việt Nam cũng như nhiều quốc gia không cho phép bán tài sản dưới giá trị sổ sách. Đây là thách thức trong tạo ra công cụ giải quyết nợ xấu, nợ dưới chuẩn.
Ernst & Young đã kiểm toán và tư vấn cho 24 ngân hàng quốc doanh và cổ phần lớn nhất Việt Nam. Vậy theo ông, những ngân hàng nào trong số này có thể trở thành trụ cột của ngân hàng Việt Nam thời gian tới?
Sở dĩ thị trường ngân hàng Việt Nam thời gian qua sôi động như vậy là vì chưa có ngân hàng nào vươn lên được thành trụ cột. Theo tôi, những ngân hàng trong Top 10 của Việt Nam hiện nay đều có khả năng dẫn đầu. Để có được vị thế đó, các ngân hàng cần 3 yếu tố: chiến lược cạnh tranh khác biệt với các đối thủ, quản trị doanh nghiệp minh bạch và đầu tư công nghệ thông minh.
Theo ông, Việt Nam có thể xử lý nợ xấu, nợ dưới chuẩn như thế nào?
Các ngân hàng có thể thành lập liên doanh với các ngân hàng khác để xử lý nợ xấu, hoặc bán lại nợ xấu cho các ngân hàng đầu tư. Trung Quốc đã xử lý nợ xấu, nợ dưới chuẩn bằng cách cho phép thành lập ngân hàng nợ xấu, nợ dưới chuẩn hoặc thành lập các liên doanh. Các tổ chức này được áp dụng cơ chế đặc biệt để xử lý các món nợ đó. Điều này rất quan trọng, vì nếu một ngân hàng có quá nhiều nợ xấu, nợ dưới chuẩn, lãnh đạo ngân hàng sẽ luôn phải tập trung xử lý nợ xấu, thay vì phát triển những lĩnh vực khác của ngân hàng theo hướng có lợi cho nền kinh tế.
Đánh giá của ông về mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài tới thị trường ngân hàng Việt Nam, nhất là với hoạt động mua bán, sáp nhập ngân hàng?
Các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các ngân hàng Việt Nam, vì nhiều lý do. Thứ nhất, trong hoàn cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, hầu hết thị trường đều không có mức tăng trưởng bình thường, thì thị trường có dân số lớn, tăng trưởng GDP cao, thu nhập bình quân đầu người tăng như tại Việt Nam sẽ rất hấp dẫn.
Thứ hai, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện vẫn còn phân tán, chưa có ngân hàng dẫn đầu, nên cơ hội cạnh tranh để trở thành ngân hàng dẫn đầu đang rất mở. Lý do nữa khiến các nhà đầu tư nước ngoài thấy hấp dẫn khi đầu tư vào thị trường ngân hàng là, thời điểm này, họ có lợi thế nhất định về kỹ năng, sản phẩm, công nghệ… Xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ quan tâm đến thị trường ngân hàng Việt Nam rất rõ ràng. Dĩ nhiên, xu hướng đó phải đi kèm với những cải cách của Việt Nam. Nếu quá trình tái cấu trúc ngân hàng ở Việt Nam diễn ra chậm, không hiệu quả, thì các nhà đầu tư sẽ thấy thị trường hấp dẫn, nhưng nhiều rủi ro.
Vậy tại sao thời gian qua vẫn chưa có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần ngân hàng trong nước. Theo ông, nhà đầu tư nào là đối tác tiềm năng của mua bán, sáp nhập ngân hàng Việt Nam?
Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhưng vẫn đang chờ đợi. Nguyên nhân do nhiều nước trên thế giới đang gặp khó khăn, các ngân hàng mẹ không dám mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, nhất là ngân hàng các nước Đức, Pháp, Italy… Theo tôi, ngân hàng các nước có tiềm năng đầu tư vào Việt Nam thời điểm này là các ngân hàng Australia, Mỹ, Canada và ngân hàng một số nước châu Á…
Nguyên nhân thứ hai khiến các nhà đầu tư vẫn đang quan sát là do họ vẫn đợi xem Chính phủ sẽ có khuôn khổ pháp lý nào cho hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và “room” cho nhà đầu tư nước ngoài là bao nhiêu. Room cổ phần 15- 20% hiện nay là không lớn.
Hiện nhiều ngân hàng nước ngoài muốn mua lại toàn bộ ngân hàng xấu của Việt Nam. Điều này vừa khiến ngân hàng yếu trong nước giải quyết được yếu kém, vừa giúp ngân hàng ngoại có giấy phép tiến vào thị trường Việt Nam. Tôi cho rằng, khi toàn bộ quy định về mua bán, sáp nhập rõ ràng hơn, thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có những bước đi rất nhanh ở thị trường ngân hàng Việt Nam.
Thùy Liên
Đầu tư
|