Nhà băng khắt khe: Ưu tiên vẫn khó vay vốn
Liên tiếp những gói tín dụng lãi suất thấp được các ngân hàng tung ra như để xuôi theo quan điểm hạ lãi suất của NHNN. Tuy vậy đích đến của việc giảm lãi suất này vẫn còn rất mơ hồ khi nhiều doanh nghiệp vẫn chưa dễ tiếp cận nguồn vốn mới.
Giảm nhưng không nới
Không còn là dự đoán, trong vòng nửa tháng nay các ngân hàng đã bắt đầu hạ lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất đã được các ngân hàng lớn hạ nhiệt khi theo nhau giảm xuống lần lượt từ 0,5 đến 2%. Sau khi Vietinbank (CTG), Vietcombank (VCB) công bố mức giảm thì mới đây Agribank sẽ chính thức áp dụng mức lãi suất mới. Theo đó thấp nhất là 14,5% dành cho các khoản cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Lãi suất cho vay các khoản khác dao động từ 17-19%. Đây là mức giảm khá sâu trong vòng 2 năm trở lại đây.
Với những thông tin như trên các doanh nghiệp có thể nhẹ nhõm hơn trong việc xoay sở vốn kinh doanh. Tuy nhiên việc giảm lãi suất hiện nay vẫn chưa phổ biến ở nhiều ngân hàng nhỏ, lãi suất vẫn chưa giảm đáng kể. Mức lãi suất mà các ngân hàng này áp dụng chủ yếu vẫn cao hơn 20%. Còn việc tiếp cận được vốn tại các ngân hàng lớn đã có công bố giảm vẫn còn vướng phải một số điều kiện.
Ông Bùi Quốc Nghĩa, Tổng Giám đốc công ty CP Đầu tư Trung Tín, cho biết mức lãi suất mà công ty ông tiếp cận được có thấp hơn khoảng đôi chút. Tuy vậy, để được vay với lãi suất thấp, doanh nghiệp cũng cần có nhiều điều kiện kèm theo như thanh toán hàng xuất khẩu qua ngân hàng đó, các khoản vay phải trên 40 tỉ đồng.
Trong khi đó giám đốc một công ty gia công da giày cho rằng hiện tại chỉ doanh nghiệp lớn mới vay được với mức lãi suất như trên, còn một doanh nghiệp nhỏ vẫn phải vay với mức cao hơn. Hiện tại việc vay với lãi suất trên 20% vẫn đang được nhiều ngân hàng sử dụng.
Ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM. Chưa thể nói đến đây là sự tác động của chính sách vĩ mô vào việc hạ lãi suất. Đây chỉ là những bước đi đầu trong việc mở rộng tín dụng của các ngân hàng dư thanh khoản. Để làn sóng này có thể lan tỏa vẫn phải cần thêm thời gian.
Cửa hẹp cho doanh nghiệp
Xu thế giảm lãi suất cho vay được dự đoán sẽ xuất hiện trong thời gian tới. NNHNN đã có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo những vấn đề về khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp. Trong khi đó các gói tín dụng được ngân hàng đưa ra thường được giới hạn đối tượng và thêm vào các điều kiện bắt buộc. Điều này rõ ràng là doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa thể phấn khởi khi mặt bằng lãi suất đang trên đà giảm.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, nguồn vốn trên dường như mới chỉ dành cho doanh nghiệp vốn dĩ vẫn đang khỏe mạnh về tài chính. Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, vẫn chưa thể áp dụng lãi suất mới trên diện rộng. Cơ hội nhiều nhất vẫn là các doanh nghiệp thân quen và gắn bó từ trước. Ngoài ra doanh thu phải đảm bảo và khả năng trả nợ phải được đảm bảo.
Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho thấy, những khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng đã đẩy khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa vào tình trạng khó có thể tiếp tục hoạt động.
Ngành thủy sản được xếp vào lĩnh vực ưu tiên nhưng việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp lại vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đã tỏ rõ quan điểm không tin tưởng vào mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm nay.
Việc thẩm định hồ sơ cho vay đối với doanh nghiệp thủy sản luôn khắt khe vì tính chất kinh doanh tương đối rủi ro. Giá nguyên liệu ngày càng tăng cao trong khi vốn lại tương đối hạn hẹp việc thu nhỏ quy mô sản xuất để cầm cự tới lúc tiếp cận vốn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Giám đốc một doanh nghiệp trong ngành này cho rằng, hầu hết doanh nghiệp thủy sản đều là đối tượng thỏa mãn yêu cầu của ngân hàng. Nhưng khi xét hồ sơ chi tiết thì con đường đến với nguồn vốn mới lại rất khó khăn. Xét tới xét lui vẫn chưa đạt yêu cầu được cấp vốn.
Nguồn vốn đang hạn hẹp, giá sản phẩm cũng khó tăng cho dù giá nguyên liệu đầu vào tăng là chia sẻ của ban giám đốc Công ty cổ phần XNK thủy sản Basa. Lãi suất ngân hàng đã giảm nhưng để tiếp cận nếu doanh nghiệp không đủ sức chống chọi thì sẽ khó thoát khỏi việc thu hẹp sản xuất trong tời gian tới. Thậm chí Chủ tịch HĐQT Basa cũng đã "cảnh báo" rằng, nếu trong vòng 2 hoặc 3 tháng tới không tìm được nguồn vốn thì HĐQT sẽ xin ý kiến cổ đông về việc phá sản.
Mặt bằng lãi suất có thể sẽ kéo giảm trong thời gian tới, tuy vậy để có thể giải tỏa cơn khát vốn của rất nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn cần một cơ chế thoáng hơn từ hoạt động cho vay. Đồng thời mục tiêu của NHNN thông qua chị thị 01 cũng phần nào đi trúng đích.
Nam Phong
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|