Phía sau những con số xuất khẩu
Năm 2011, xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế. Cùng với các biện pháp hạn chế nhập khẩu, nhiều mặt hàng có khối lượng nhập khẩu giảm so với năm 2010. Nhưng đằng sau đó là gì?
Xuất khẩu gạo được 3,6 tỷ USD thì nhập khẩu phân bón và thuốc trừ sâu và nguyên liệu là 2,4 tỷ USD. Chưa kể nhập thêm 800 triệu USD lúa mì. Gạo Thái Lan đắt gấp rưỡi gạo ta mua lúc nào cũng sẵn.
Thuỷ sản xuất khẩu được 6,1 tỷ USD, thì nhập khẩu thuỷ sản nguyên liệu là 484 triệu USD. Nuôi gia súc, tôm, cá... thì thức ăn chăn nuôi do các công ty nước ngoài sản xuất tại Việt Nam, thức ăn truyền thống gần như không còn được màng đến. Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi năm ngoái lên tới 2,3 tỷ USD.
Nếu xuất khẩu rau quả đạt 628 triệu USD thì nhập khẩu mặt hàng này là 294 triệu USD.
Nghe nói xuất khẩu sữa được trên một trăm triệu USD, nhưng nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa là 848 triệu USD.
Chẳng thấy xuất khẩu duợc phẩm nhưng nhập khẩu nguyên liệu dược phẩm và dược phẩm lên tới 1,6 tỷ USD. Nhập khẩu sữa và dược phẩm từ các nền kỹ nghệ cao là thường tình, nhưng do sính hàng ngoại, nên các bà mẹ, bệnh nhân nghèo méo mặt.
Xuất khẩu dệt may và giày dép các loại được 20,5 tỷ USD, nhưng tiền nhập khẩu bông + vải + xơ sợi + nguyên phụ liệu dệt, may, da giày tổng cộng ngốn tới 12,1 tỷ USD.
Chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm chất dẻo xuất khẩu được 1,6 tỷ USD, thì cũng các mặt hàng này nhập khẩu là 6,4 tỷ USD.
Cao su và sản phẩm từ cao su xuất khẩu được 3,6 tỷ USD, nhưng nhập khẩu y trang các loại hàng này là 1,3 tỷ USD. Xuất khẩu mủ cao su liền mua săm lốp xe, kết cục sẽ như vậy.
Gỗ và sản phẩm xuất khẩu được 3,9 tỷ USD, nhưng nhập khẩu cũng tới 1,3 tỷ USD từ các nước ASEAN, châu Phi, Nam Mỹ, Bắc Mỹ. Nhưng năm qua, mỗi năm nhập khẩu gần 1 triệu m3 ván nhân tạo, trong khi ta lại xuất khẩu hàng triệu tấn gỗ dăm bào. Đến lúc các nước xuất khẩu gỗ sẽ giảm hoặc cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ, liệu ngành gỗ sẽ trông vào đâu, khi rừng trong nước đã cạn kiệt?
Xuất khẩu giấy và sản phẩm được 415 triệu USD, thì cũng những thứ này nhập khẩu tới 1,4 tỷ USD.
Xuất khẩu đá quý, kim loại quý, chủ yếu là vàng trang sức là 2,6 tỷ USD. Nhưng nhập khẩu đá quý và kim loại quý và sản phẩm 2,1 tỷ USD, hầu như là vàng miếng.
Sắt thép và sản phẩm từ sắt thép xuất khẩu được 2,7 tỷ USD, thì nhập khẩu sản thép + sản phẩm từ thép + kim loại thường + sản phẩm từ kim loại thường NK tới 10,3 tỷ USD.
Xuất khẩu máy vi tinh, sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử; điện thoại và linh kiện cộng máy ảnh, máy quay phim... là 15,3 tỷ USD. Nhưng nhập khẩu máy tính, điện tử, linh kiện và máy móc thiết bị phụ tùng cũng như dây điện, dây cáp điện là 23 tỷ USD,
Không rõ xuất khẩu thuốc lá được bao nhiêu, nhưng nguyên, phụ liệu thuốc lá nhập khẩu tới 302 triệu USD.
Nhập khẩu phế liệu từ sắt thép 1,1 tỷ USD còn xuất khẩu mặt hàng này thì không rõ.
Những số liệu nhập khẩu nói trên chưa tính đến xăng dầu, máy móc, thiết bị, phụ tùng, phương tiện vận tải để làm ra hàng xuất khẩu... hầu hết phải nhập khẩu. Trong đó, không ít là đồ thải loại, dọn hộ rác cho thiên hạ. Đấy là chưa kể búa xua hàng nhập lậu vào theo lối mòn, qua triền núi, vọt sang sông. Phần bắt được gần như chỉ là... ví dụ.
Rõ ràng, xuất khẩu thực tình không sáng sủa đến thế. Hàng công nghiệp chế biến chủ yếu là cắt, ghép, vặn, đóng thùng, dán nhãn, kẻ chữ. Đã vậy, tốc độ tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu thường tăng cao hơn tốc độ tăng giá sản phẩm xuất khẩu, nên thực thu từ xuất khẩu rất bèo. Công nghiệp hỗ trợ dẫm chân tại chỗ. Hàng nông, lâm, thuỷ sản số lượng nhiều, chủng loại phong phú nhưng chất lượng vẫn xoàng, lại quá cũng nhiều đầu mối. Xuất khẩu than, nhưng đã phải nhập khẩu than trước dự kiến vài năm.
Trong tình cảnh đó, việc xuất khẩu sang Trung Quốc, nhất là xuất khẩu qua biên giới càng bất cập.
Trước đây, 20 doanh nghiệp Việt Nam dẫn đầu về lượng cà phê xuất khẩu qua nước láng giếng này - chiếm khoảng 68% lượng cà phê xuất khẩu - nhưng nay gần một nửa rơi vào tay các DN có vốn nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Thương lái Trung Quốc đưa tàu vào sông Hàm Luông, Bến Tre gom dừa. Sáng thấy ít hàng họ tâng giá, chiều dân đổ xô mang tới, họ hạ xuống. Thương nhân Trung Quốc nằm vùng tại Vĩnh Long mua thanh long. Ở Long An thương nhân Trung Quốc dùng hộ chiếu du lịch để mua khoai lang. Năm nào cũng lặp lại cảnh bị ép giá, dừng mua đột ngột, từng đoàn xe chở hoa quả tươi lại nối đuôi nhau nằm bẹp trước cửa khẩu.
Chúng ta luôn đề ra các biện pháp tăng cường quản lý nhập khẩu, nhưng ra ngõ là gặp hàng ngoại. Thời hội nhập, hàng ngoại vào Việt Nam là chuyện thường. Nhưng lẫn trong số đó nhan nhản nào là đồ chơi bạo lực, nào là gia súc, gia cầm, phủ tạng động vật ôi thiu, hoa quả ngâm tẩm chất bảo quản...
Tình hình trên diễn ra nhiều năm nay rồi mà xem ra năm nào cũng vậy, xem ra mục tiêu cân bằng xuất - nhập sau những năm 2010 đã chưa đạt kỳ vọng, phải gia hạn tới năm 2020, như "Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2011-2020, dự báo đến năm 2030". Nhưng nếu chúng ta vẫn xuất khẩu hàng thô, gia công, lắp ráp, vẫn phải mở rộng cửa và càng phải mở rộng cửa mà không xây dựng hàng rào kỹ thuật, e chừng bài toán tăng bằng xuất - nhập vẫn chưa thể tìm ra đáp số.
Nguyễn Duy Nghĩa
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|