Thứ Bảy, 17/03/2012 08:24

Quên quản trị rủi ro: Phá sản ngay!

Dù lãi suất giảm, tỉ giá USD ổn định thì cũng không nên dựa hết vào vốn vay.

Theo số liệu thống kê mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong năm 2011, cả nước có 7.611 doanh nghiệp (DN) giải thể. Đó là con số những DN giải thế, còn rất nhiều DN đang hoạt động cầm chừng.

Sống sót là may!

Chị Nguyễn T. Hà, Trưởng phòng Nhân sự của một doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo, cho hay từ đầu tháng 3, DN buộc cắt giảm 1/3 nhân sự ở một số bộ phận, dù dịp cận tết này cũng đã giảm biên chế rồi nhưng đến nay vẫn phải tiếp tục giảm.

Ông T., giám đốc một DN chuyên về lĩnh vực truyền thông ở quận Tân Bình, cũng cho hay từ giữa năm 2011 đến nay, đơn đặt hàng giảm sút trầm trọng nên gần như ông đã giảm gần hết nhân sự, chỉ giữ lại những cán bộ chủ chốt, khi công ty có việc thì thuê người bên ngoài.

Vấn đề là tại sao nhiều DN phải lâm vào tình trạng phá sản, đóng cửa? Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Agrex Sài Gòn, xác định: DN phá sản, đóng cửa hay hoạt động kém phần lớn là do quản trị rủi ro yếu. Trước đây, DN thường chỉ chú ý phát triển theo chiều ngang và cũng không quan tâm đến quản lý rủi ro. “Phương án kinh doanh nào cũng cần tính toán đến việc đối phó rủi ro, khi gặp rủi ro thì phải tìm đường thoát nhanh nhất để giảm thiểu tổn thất” - ông Long nói.

Các doanh nghiệp cần lưu tâm đến vấn đề quản trị rủi ro cho dù thị trường biến động hay ổn định.

Ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc khối nguồn vốn và tiền tệ Ngân hàng HSBC, trong một hội thảo gần đây đã cho hay năm 2011 lãnh đạo của một ngân hàng nước ngoài đã từng tuyên bố ngân hàng của ông nằm ở top đầu thế giới. Nhưng không lâu sau, ngân hàng ấy lỗ nặng cũng vì quản trị rủi ro chưa tốt.

Phải đo rủi ro trước khi vay vốn

Vậy trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, DN phải làm gì để vượt qua? Có cần đến quản trị rủi ro? Ông Phạm Hồng Hải phân tích: “Năm 2011 là năm DN đối diện với khó khăn về thanh khoản và vốn. Năm nay lãi suất đang có xu hướng đi xuống. Tuy vậy, nếu DN tiếp cận được nguồn vốn thì cũng không nên vay hết mức. Cần xem xét dự án ấy kinh doanh có lãi thực sự thì mới vay và đừng dựa hết vào vốn vay”. Không chỉ chờ Chính phủ hỗ trợ tái cấu trúc mà DN cũng phải tự làm mới mình. “Mới đây chúng tôi đã chủ động tái cấu trúc bộ máy gọn nhẹ hơn nhưng hiệu quả để tiết kiệm chi phí lao động, lấy việc ổn định sản xuất và tăng trưởng ở mức hợp lý là mục tiêu chính, đồng thời đổi mới lại cơ cấu tăng trưởng cho gần với cơ cấu lại tổ chức và sản xuất” - ông Phạm Hải Long nói.

Trong một hội thảo mới đây, ông Hải kể: Cách đây 10 năm, tại Anh, HSBC có đưa ra thị trường một sản phẩm gắn với tiền gửi và kết quả thi đấu bóng đá đội mình yêu thích. Khi đội bóng đó thắng, người gửi tiền được hưởng thêm 1% lãi suất. Nếu đưa sản phẩm này vào thị trường Việt Nam có lẽ cũng rất thành công. Vấn đề là: khi bán sản phẩm ra thị trường VN thì ngân hàng sẽ gặp rủi ro thế nào? “Rất khó để quản trị được rủi ro tại đây nên HSBC đã không đưa ra thị trường. Như vậy, nếu xét thấy một phương án kinh doanh tuy có thành công về mặt thương mại nhưng không nhận diện rủi ro được cũng không nên đưa sản phẩm ra. Chúng ta không nên chấp nhận rủi ro trừ khi mình có thể đo lường” - ông Hải đưa ra lời khuyên.

Ông Hải nhấn mạnh: DN cần lưu tâm đến vấn đề quản trị rủi ro cho dù thị trường biến động hay ổn định. “Chẳng hạn, tỉ giá USD hiện đã ổn định, chính lúc ổn định này thì DN mới nên tranh thủ phòng chống rủi ro, bởi chờ khi thị trường khủng hoảng rồi mới phòng chống thì không còn cơ hội tốt nữa. Có một nguy cơ là trong lúc tỉ giả đang bình ổn, nhiều DN có điều kiện vay USD đang tận dụng vay vì lãi suất USD thấp so với vay tiền VND. Họ tin tưởng tỉ giá USD/VND sẽ không biến động trong tương lai. Khi nhiều DN cùng vay lượng lớn USD, đến một lúc nợ dồn lại sẽ ảnh hưởng đến tỉ giá thì tất cả cùng… chết, giống như đang ngồi trên chiếc thuyền nhưng mọi người ngồi dồn một góc thì khi gặp bão, thuyền sẽ lật rất nhanh”.

Quản trị rủi ro là công việc có ý nghĩa sống còn đối với một DN cũng như việc DN ấy có thể phát triển bền vững hay không.

Ông ANDREW, Giám đốc Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA)

DN nước ngoài nói chung hiểu biết bài bản các công cụ quản lý rủi ro hơn DN trong nước. Muốn đánh giá góc độ quản trị rủi ro của DN trong nước thì phải tách rời ra từng nhóm để đánh giá. Cụ thể như: DN nhà nước, công ty gia đình hay công ty có chi nhánh nước ngoài, mỗi một loại có cấp độ quản trị khác nhau. Tuy vậy, DN Việt Nam còn một khía cạnh khác ảnh hưởng trực tiếp đến quản lý rủi ro đó là văn hóa. Rủi ro lớn nhất của đa phần DN ở ta là vấn đề ý thức quản trị rủi ro… kém!

Bà Nguyễn Anh Xuân Quang, Giám đốc bộ phận tư vấn Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc

Yên Trang

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   EVN chưa có đề xuất gì về việc điều chỉnh giá điện (16/03/2012)

>   Điện cũng sắp có quỹ bình ổn giá (16/03/2012)

>   Tránh đánh thuế 2 lần trong buôn bán giữa các nước (16/03/2012)

>   Sharp đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu tại ASEAN (16/03/2012)

>   “Cái chết của S-Fone không đến từ công nghệ!” (16/03/2012)

>   Xuất khẫu gỗ: “Nghẽn”... thị trường (16/03/2012)

>   Đất hiếm: Nước lớn tranh chấp, lối đi nào cho VN? (16/03/2012)

>   SCG (Thái Lan) sản xuất xi măng tại Việt Nam (15/03/2012)

>   Xây dựng cơ chế điều hành Quỹ bình ổn giá điện (15/03/2012)

>   Vay 64,2 triệu USD xây dựng thủy điện Srêpôk 4A (15/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật