Nhiều cách “lách” huy động vàng
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Thông tư 22 quy định các ngân hàng ngưng huy động và cho vay vốn bằng vàng từ tháng 5-2010 và mới đây, NHNN cũng có văn bản 8492 yêu cầu các ngân hàng kể từ ngày 1-5-2012 chấm dứt việc huy động vốn bằng vàng, nhưng theo một lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM, số dư huy động vốn bằng vàng vẫn chưa giảm. Về cơ bản chỉ mới chuyển từ hình thức tiết kiệm vàng, sang hình thức phát hành chứng chỉ vàng và giữ hộ.
|
Khách hàng gởi vàng tiết kiệm tại một ngân hàng. |
Giữ hộ có lợi tức?
Thông tư 11 (sửa đổi Thông tư 22) của NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) không được cho vay vốn bằng vàng đối với khách hàng và các TCTD khác, kể cả các hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng chưa giải ngân hoặc giải ngân chưa hết; không được gửi vàng tại TCTD khác; không thực hiện các nghiệp vụ ủy thác, đầu tư và các hình thức cấp tín dụng khác bằng vàng.
Thông tư này cũng quy định rõ, TCTD không được huy động vốn bằng vàng, trừ trường hợp phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng để chi trả vàng theo yêu cầu của khách hàng, khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả. Việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của TCTD chấm dứt vào ngày 1-5-2012. Tuy nhiên hiện nay, các ngân hàng vẫn tiếp tục huy động dài hạn với nhiều hình thức khác nhau.
Cụ thể, tại Ngân hàng Á Châu (ACB) khách hàng vẫn gửi vàng được thời hạn đến 10 tháng dưới hình thức phát hành chứng chỉ vàng. Trong vai người đi gửi vàng tại ACB, chúng tôi hỏi: “Nghe nói từ tháng 5 sẽ không được gửi vàng nữa nên chỉ có thể gửi kỳ hạn 3 tháng, từ nay đến tháng 5 thôi phải không?”. “Chị có thể gửi kỳ hạn cao nhất là 10 tháng nếu chị muốn vì tụi em chưa được thông báo sẽ ngưng huy động vàng từ ban giám đốc”, cô nhân viên ngân hàng trả lời.
Cô nhân viên này cho biết thêm, ACB hiện chỉ nhận gửi số lượng vàng tối thiểu 15 chỉ của cùng một thương hiệu ACB và SJC thôi. Tại Phòng giao dịch 24 giờ của Ngân hàng Đông Á trên đường Võ Văn Tần quận 3, một nhân viên giao dịch cho biết, hiện khách hàng chỉ có thể gửi tiết kiệm vàng tại Ngân hàng Đông Á đến tháng 5-2012 theo quy định của NHNN, sau đó nếu muốn gửi tiếp sẽ phải chuyển sang hình thức “Hợp đồng giữ hộ vàng”. “Vậy có gì khác nhau?”- “Thực ra cũng không khác đâu, chẳng hạn bây giờ gửi tiết kiệm vàng PNJ và SJC (Ngân hàng Đông Á chỉ nhận gửi vàng tiết kiệm của 2 thương hiệu này – PV) thì lãi suất 3%/ năm. Sau tháng 5, khi chuyển qua hợp đồng giữ hộ vẫn được ngân hàng trả lợi tức 3%/năm”- cô nhân viên đon đả tư vấn.
Cô nhân viên này còn thông tin thêm: 2 hình thức này chỉ khác nhau ở chỗ khi gửi tiết kiệm vàng, khách hàng không được rút trước hạn; còn với hình thức hợp đồng thì khách hàng được rút trước hạn, không được hưởng lợi tức nhưng phải báo trước cho ngân hàng ít nhất 3 ngày.
Lãi suất huy động vàng tăng
Trước đây, với mức lãi suất huy động vàng phổ biến của các ngân hàng khoảng 2-2,5%/năm thì hiện nay đa số các ngân hàng đều đã nâng lãi suất lên 3- 3,5%/năm, thậm chí có ngân hàng đã huy động 4%/năm chỉ với kỳ hạn 1 tháng.
Mở đầu cho việc tăng lãi suất huy động vàng trong năm 2012 là Ngân hàng Á Châu. Vào giữa tháng 2, ngân hàng này đã thực hiện điều chỉnh lãi suất huy động. Theo đó, khi khách hàng tham gia mua chứng chỉ huy động vàng của chương trình “Ngày vàng ACB” sẽ được nhận lãi suất lên đến 3%/năm thay cho mức cao nhất trước đó là 2,5%/năm. Mới đây Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đưa ra biểu lãi suất huy động vàng tăng từ mức tối đa 2,5%/năm lên 3%/năm dành cho cá nhân mở mới tài khoản vàng giữ hộ với số vàng gửi tối thiểu 10 lượng trong chương trình “Kỳ hạn vàng, ưu đãi vàng”. Ngân hàng TMCP Đông Á cũng đưa biểu giá lãi suất theo hình thức giữ hộ vàng tăng lên 3% với kỳ hạn từ 3 tháng trở lên.
Theo ghi nhận của PV, hiện nay mức lãi suất huy động vàng ngắn hạn của một số ngân hàng khác còn cao hơn 3%/năm, đó là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) với 3,5%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm. Tại Ngân hàng TMCP Nam Á, nhân viên giao dịch cũng cho biết, nếu khách hàng gửi 1 lượng vàng trở lên trong 1 tháng sẽ nhận được lãi suất lên đến 4%/năm.
Khi được hỏi về lộ trình thu hẹp việc huy động bằng vàng, giảm lãi suất để có thể chấm dứt vào ngày 1-5-2012, một lãnh đạo ngân hàng TMCP cho rằng, hiện NHNN đang có dự định huy động vàng trong dân vì số lượng vàng người dân đang cất giữ ước tính 300-500 tấn vàng. Do đó các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động vàng để đón đầu. “Theo tôi, mức lãi suất 3-4% mới đủ sức hấp dẫn người dân gửi vàng vào ngân hàng, như vậy việc huy động lượng vàng rất lớn trong dân để làm lợi cho nền kinh tế mới khả thi” - vị này cho hay.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia NH, trong bối cảnh NHNN đặt ra mục tiêu kéo giảm lãi suất huy động VNĐ xuống 10%/năm trong năm 2012, lãi suất huy động vàng tăng nóng sẽ càng tạo tâm lý người dân chuộng mua vàng và cất trữ vàng. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến tình trạng vàng hóa ở nước ta ngày càng trầm trọng hơn. Vì vậy, theo chuyên gia này, bên cạnh chờ một cơ chế huy động vàng hữu hiệu, NHNN cần mạnh tay yêu cầu các NHTM đưa dần lãi suất huy động vàng về 0%/năm, chỉ thực hiện giữ hộ vàng miễn phí hoặc thu phí.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Ngân hàng, lý giải việc lãi suất huy động vàng tăng như hiện nay là vì các ngân hàng nằm trong nhóm được chuyển vàng thành VND đang tăng lượng vốn huy động, trong đó huy động vàng cho dù lãi suất vàng có tăng lên 3%/năm cũng còn rẻ hơn nhiều so lãi suất huy động bằng VNĐ. Còn với các ngân hàng đang gặp khó về thanh khoản cũng muốn huy động vàng để có thể dùng số vàng này thế chấp và vay trên thị trường liên ngân hàng. Hơn nữa, vào thời điểm hiện nay, giá vàng khá ổn định nên người dân không mua đi bán lại kiếm lời mà chỉ gửi vào ngân hàng để lãnh lãi suất.
Hạnh Nhung
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|