Nhập siêu 3 tháng vỏn vẹn 250 triệu USD
Tháng 3/2012, sau nửa đầu tái hiện trạng thái xuất siêu, giai đoạn cuối có thể đã không còn duy trì được diễn biến tích cực đó.
Tổng cục Thống kê trong một dự báo vừa phát đi cho rằng, kim ngạch nhập khẩu vẫn cao hơn xuất khẩu trong tháng này, chốt lại mức nhập siêu nhẹ khoảng 150 triệu USD.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2012 ước tính có thể đạt 9,15 tỷ USD, tăng 10,2% so với tháng trước; nhập khẩu ước là 9,3 tỷ USD, tăng tương ứng khoảng 8,4%.
Như vậy, trong toàn bộ quý 1 năm nay, hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng tăng dần qua các tháng, với kim ngạch vào cuối quý đã trở lại mức dung lượng tương đương với thời điểm “cao trào” nửa cuối năm ngoái.
Đáng lưu ý hơn nữa, khoảng giãn cách giữa hai chiều trao đổi thương mại không nhiều, duy trì khá dài mấy tháng nay. Đây có thể xem là diễn biến rất tích cực, nếu không xét đến tình trạng “xuất thô, nhập tinh” vẫn phổ biến.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng kinh ngạch xuất khẩu đã đạt khoảng 24,5 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu là gần 24,8 tỷ USD, tăng tương ứng 6,9%.
Như vậy, nhập siêu trong quý 1 năm nay ước khoảng 251 triệu USD, bằng khoảng 7,2% so với cùng kỳ.
Nhìn vào các nhóm hàng hóa có kim ngạch lớn, so với năm trước, xuất khẩu khả quan ở các nhóm như thủy sản tăng 11,7%, duy trì khá tốt; dầu thô tăng 9,1% do giá tăng khá cao; gỗ và sản phẩm tăng 18,3%; giày dép 14% và dệt may 15,4%.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính cũng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, phương tiện vận tải đều hơn gấp rưỡi. Riêng xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng rất cao, tới 106,7% so với cùng kỳ, nhưng tổng kim ngạch 3 tháng chỉ ở mức 129 triệu USD.
Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu gạo, cà phê, cao su lại giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với mức giảm 42,5%, 11,8% và 7,9%.
Về phía nhập khẩu, kim ngạch xăng dầu giảm khá sâu, gần 20% so với cùng kỳ; ô tô, xe máy cũng giảm mạnh, lần lượt là 32,4% và 9,3%.
Bất thường nhất là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng bông, sợi dệt, vải đều giảm mạnh ở mức 2 con số, trong đó nhập khẩu bông giảm tới 36,6% so với cùng kỳ, trái ngược hoàn toàn với diễn biến tăng mạnh ở kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may.
Tương quan trên cho thấy đã xuất hiện những biểu hiện đầu tiên về khả năng xuất khẩu các mặt hàng dệt may có thể giảm trong tương lai, như nhiều quan ngại thiếu đơn hàng đã được phát đi thời gian gần đây.
Anh Quân
tbktvn
|