Thứ Sáu, 23/03/2012 19:28

Xuất khẩu sang châu Âu qua thị trường cửa ngõ

Từ năm 2000 đến nay, kim ngạch thương mại Việt Nam-EU đã tăng từ 4,1 tỷ USD lên 24,29 tỷ USD; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 16,5 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,74 tỷ USD.

Tuy nhiên, để tăng cường hơn nữa khả năng cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam vào thị trường EU, doanh nghiệp cần nỗ lực đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm và có chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.

Yêu cầu chất lượng khắt khe hơn

Hội thảo "Đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường châu Âu" tổ chức ngày 23/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy hiện nay hàng hóa vào EU sẽ lưu thông trên thị trường của 27 nước thuộc khối, do đó việc tạo ra một sản phẩm và xuất khẩu sản phẩm đó vào thị trường một nước, đồng thời phải phù hợp với 26 nước còn lại là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Mặt khác, EU luôn là thị trường có nhiều quy định kỹ thuật khá khắt khe với mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, môi trường, phát triển bền vững; đồng thời vẫn đang duy trì chính sách bảo vệ sản xuất nội khối, các biện pháp tự vệ và chống bán phá giá.

EU ngày càng áp dụng nhiều hơn các quy định về chất lượng hàng hóa như quy định về hóa chất (REACH), về truy nguyên hàng hóa (TRACY); quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không quản lý (IUU)…

EU cũng đang đẩy mạnh thực hiện Luật nghề rừng (FLEGT) và lấy ý kiến Đạo luật về xuất khẩu kim loại rác. Với mặt hàng thủy sản, EU đưa ra nhiều yêu cầu về vệ sinh, dư lượng các chất có trong sản phẩm… và hàng năm đều tiến hành duyệt danh sách doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.

Trong giai đoạn 2011-2013, Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan (GSP) với mức thuế suất giảm trung bình 3,5 điểm %, với tỷ trọng mặt hàng đang được hưởng GSP là khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

EU cũng đang có ý định xem xét và điều chỉnh quy định GSP cho giai đoạn 2013 theo xu hướng giảm ưu đãi cho những nước có khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) nâng cao tính cạnh tranh.

Theo ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), khi xuất khẩu vào thị trường EU các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về thông tin đối tác, nhất là về khả năng thanh toán và tài chính nhằm tránh tình trạng bị trả chậm tiền hàng hoặc vừa xuất hàng thì đối tác tuyên bố phá sản.

Doanh nghiệp nên có chiến lược hợp lý giữa xuất khẩu sản phẩm chế biến và sản phẩm thô; chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm trước yêu cầu ngày càng khắt khe của EU; tích cực tham vấn các đoàn đàm phán, chuyên gia để được bảo vệ quyền lợi và chuẩn bị khai thác các cam kết, hiệp định thương mại.

Tiềm năng các thị trường cửa ngõ

Hiện tại, EU không chỉ là thị trường xuất khẩu mục tiêu của Việt Nam mà nhiều nước khác cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, đòi hỏi sản phẩm phải chất lượng, có tính cạnh tranh cao.

Khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm có xu hướng giảm vì kinh tế toàn cầu đang khó khăn, một số quốc gia chọn giải pháp gia tăng xuất khẩu để vượt qua khủng hoảng, khiến tính cạnh tranh ở nhiều thị trường xuất khẩu trở nên gay gắt hơn, trong đó có thị trường EU.

Do vậy, phát triển hình thức kinh doanh chuỗi và xâm nhập vào các chuỗi phân phối trung tâm của EU sẽ mang đến nhiều cơ hội và lợi thế cho sản phẩm Việt Nam.

Ông Jos Schellaar, Tổng Lãnh sự quán Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Hà Lan được đánh giá là cửa ngõ và là một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa vào thị trường EU với các lợi thế chiếm 4% tổng số vận chuyển đường bộ, giúp kết nối các cảng và khu công nghiệp với nội địa EU; chiếm 57% tổng số các trung tâm phân phối; đồng thời chiếm lĩnh thị trường ở các lĩnh vực giao nhận kho vận, công nghiệp hóa chất…

Những lợi thế về kinh tế, thương mại, xuất khẩu của Hà Lan sẽ hỗ trợ hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU thuận lợi hơn.

Còn theo bà Bruna Santarelli, Trưởng đại diện Thương vụ - Bộ phận Xúc tiến Thương mại Đại sứ quán Italy tại Việt Nam, Italy là nước xuất khẩu lớn thứ 7 và nước nhập khẩu lớn thứ 8, chiếm 3,5% thương mại toàn cầu.

Trong những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam vào Italy rất ổn định ở hầu hết các ngành, nhưng hai bên cần tăng cường trao đổi thông tin và khuyến khích doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động giao thương phát triển hơn nữa.

Thương vụ Italy có nhiều dịch vụ miễn phí để giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư, kinh doanh tại nước này như cung cấp danh sách các công ty Italy theo yêu cầu của doanh nghiệp Việt Nam, tổ chức các buổi giao thương song phương…/.

Mỹ Phương

Vietnam +

Các tin tức khác

>   WB phê duyệt 3 khoản tín dụng trị giá 522 triệu USD cho VN  (23/03/2012)

>   Quy định mới về nhập khẩu hàng hóa từ Campuchia (23/03/2012)

>   Còn 1.039 doanh nghiệp nhà nước (23/03/2012)

>   Doanh nghiệp ‘kêu trời’ vì cước vận tải tàu biển (23/03/2012)

>   Khi chính quyền can thiệp vào DN nguy cơ phá sản (23/03/2012)

>   Vận tải đường bộ, đường biển, đường không rục rịch tăng giá (23/03/2012)

>   Dệt may khó tìm địa điểm đầu tư (23/03/2012)

>   Ồ ạt bán cá tra, giá giảm mạnh (23/03/2012)

>   Vinashin được bán, cho thuê đất để tái đầu tư (23/03/2012)

>   Tín hiệu xuất siêu tháng 3 (23/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật