Dệt may khó tìm địa điểm đầu tư
Một số địa phương cho rằng, dệt may là ngành không tạo ra nhiều giá trị gia tăng nên hạn chế việc cấp phép các dự ánthuộc lĩnh vực này.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, tình hình đầu tư các dự án của ngành dệt may tại một số địa phương trên cả nước đang gặp ít nhiều trở ngại, bởi xu hướng hạn chế cấp phép không chỉ với các dự án dệt nhuộm vốn bị e ngại về vấn đề môi trường, mà khó cả với dự án may mặc.
Ông Trần Quốc Văn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cho rằng, Hưng Yên đã có khu công nghiệp dệt may, các dự án đầu tư vào đây được tỉnh tạo điều kiện tối đa. Tuy nhiên, với những dự án nằm ngoài khu công nghiệp, liên quan đến đất lúa, tỉnh sẽ xem xét cẩn trọng và tinh thần chung là hạn chế cấp phép các dự án này.
Thực tế là, sau thời gian chạy theo lượng vốn đầu tư, số lượng việc làm tạo ra… hiện các địa phương đã chú trọng hơn đến chất lượng các dự án đầu tư, cụ thể là kêu gọi đầu tư từ những ngành có công nghệ cao và ít gây ô nhiễm môi trường.
Các địa phương khi quy hoạch phát triển công nghiệp hầu như không dành đất cho lĩnh vực dệt nhuộm, nếu có thì cũng ở mức rất hạn chế và đi kèm với các yêu cầu khắt khe về xử lý nước thải, trong khi lại không hỗ trợ về hệ thống xử lý nước thải chung cho các doanh nghiệp.
Gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Mai Văn Ninh cũng chia sẻ quan điểm, tỉnh ủng hộ ngành dệt may, nhưng trong tương lai, tỉnh sẽ tập trung thu hút các ngành tạo giá trị gia tăng lớn hơn.
Không chỉ tại Hưng Yên, Thanh Hóa, đầu tư các dự án dệt may tại các địa phương khác như Đồng Nai, Bình Dương cũng không dễ dàng.
Việc các địa phương không còn nhiều mặn mà với các dự án dệt, may đang đặt ngành này vào tình thế khó, trong khi theo Quy hoạch Định hướng đầu tư dệt may đến năm 2020, nước ta vẫn tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư, với tổng vốn đầu tư cho giai đoạn này dự kiến lên đến 43.000 tỷ đồng, khẳng định vai trò của ngành xuất khẩu chủ lực này.
Theo số liệu của ngành dệt may, tính đến cuối năm 2011, ngành dệt may đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 2 triệu lao động công nghiệp trên cả nước. Với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng, tương đương 40 triệu đồng/năm, tổng quỹ tiền lương toàn ngành chi trả cho gần 2 triệu lao động mỗi năm tương đương 4 tỷ USD – một con số không nhỏ.
Trong khi đó, chỉ cần trên 1ha đất để xây dựng một nhà máy dệt may là có thể tạo việc làm cho 1.000 công nhân. Với thu nhập xấp xỉ 40 triệu đồng/người/năm, tổng thu nhập trên 1ha đất làm dự án dệt may đã là trên dưới 40 tỷ đồng.
Là doanh nghiệp có nhà máy đặt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 chia sẻ, lợi nhuận của riêng Công ty mẹ (chưa tính công ty thành viên) năm 2011 đạt 32,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp nộp bảo hiểm xã hội 37 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đạt 69 triệu USD, tạo hơn 9.000 việc làm cho người lao động. Như vậy, có thể thấy ngành may có những đóng góp nhất định.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex, ngành dệt may Việt Nam còn dư địa phát triển từ 20 năm đến 30 năm nữa, do đã có uy tín trên trường quốc tế. Nếu trước năm 2003, Việt Nam chưa có tên trên bản đồ dệt may thế giới, thì nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam luôn duy trì vị trí trong Top 5 thế giới.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, giai đoạn này, Việt Nam vẫn nên duy trì việc thu hút đầu tư vào các ngành sản xuất may mặc, giày dép và túi xách. Đây là những ngành rất quan trọng với Việt Nam, bởi dù thu hút các ngành công nghệ cao, thì bản thân người công nhân thủ công cũng không thể chuyển ngay sang làm việc cho các dự án công nghệ cao được.
“Công nghệ cao đòi hỏi một nền tảng hạ tầng và nhân lực tốt. Khi các yếu tố đó được đáp ứng đầy đủ thì nhiều nhà đầu tư sẽ chủ động tham gia. Ở Việt Nam có một số dự án công nghệ cao phát triển tốt, như Intel, nhưng cũng không dễ thu hút đủ nguồn nhân lực cho dự án của mình”, ông Hong Sun nhấn mạnh.
Hải Yến
đầu tư
|