Chủ Nhật, 25/03/2012 21:57

Kinh tế Vĩ mô Tuần 26 – 30/03: Lạm phát tăng thấp và dư địa nới tín dụng

Với thực tế CPI tăng thấp, dư địa để NHNN nới tín dụng đang trở nên rộng mở hơn. NHNN vừa cho biết có thể xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng sớm hơn dự tính là sau 6 tháng thực hiện.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Mỹ: Những bất đồng chính trị giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn chưa đến hồi kết khi trong ngày 20/3, Chính quyền Obama và đảng Dân chủ đã lên tiếng bác bỏ dự luật ngân sách tài khóa 2013 của đảng Cộng Hòa. Lý do được đưa ra là đảng Cộng hòa tiếp tục dành quá nhiều ưu ái cho giới “nhà giàu” và các tập đoàn, trong khi gánh nặng thuế tiếp tục đè nặng lên tầng lớp trung lưu và người lao động.

Mới đây, Tổng thống Barack Obama cũng đã kêu gọi Quốc hội chấm dứt chương trình giảm thuế trị giá khoảng 4 tỷ USD/năm cho ngành công nghiệp dầu mỏ, thay vào đó tập trung phát triển các nguồn năng lượng thay thế.

Trong một động thái hỗ trợ thị trường nhà đất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ phạt thêm 8 ngân hàng có hành động xiết nợ sai quy định đối với các chủ sở hữu nhà đất. Trước đó, 5 ngân hàng lớn nhất của Mỹ (Bank of America, Wellls Fargo, JP Morgan Chase, Citigroup và Ally Financial) cũng bị xử phạt sau một cuộc điều tra về các vấn đề trên.

Số liệu nhà ở kém khởi sắc trong tuần qua ít nhiều làm giảm niềm lạc quan về nền kinh tế Mỹ. Doanh số bán nhà đã qua sử dụng trong tháng 2 chỉ đạt mức 4.59 triệu đơn vị, thấp hơn dự báo và con số trong tháng trước. Số nhà xây mới trong tháng này cũng giảm nhẹ còn 698,000 đơn vị, thấp hơn số liệu tháng 1/2012.

Doanh số bán nhà mới trong tháng 2 cũng chỉ ở mức 313,000 đơn vị, thấp hơn con số dự báo khả quan của các chuyên gia.

Trong tuần tới, nền kinh tế Mỹ sẽ đón nhận một số dữ liệu kinh tế quan trọng như chỉ số niềm tin tiêu dùng, chỉ số tâm lý tiêu dùng và chỉ số thu mua PMI của Chicago trong tháng 3; số đơn đặt hàng dài hạn, thu nhập cá nhân, tiêu dùng cá nhân trong tháng 2.

Châu Âu: Chỉ sau một thời gian ngắn Hy Lạp chính thức thoát được nguy cơ vỡ nợ tam thời vào tháng 3, niềm tin đã bắt đầu nhen nhóm trở lại với nền kinh tế khu vực châu Âu.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nợ Eurozone đã đi qua và tình hình dần ổn định. Theo đó, ECB đã ngừng mua trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp theo Chương trình Thị trường Chứng khoán (SMP) trong nhiều tuần qua.

Trước đó, các tổ chức kinh tế cũng có cái nhìn lạc quan hơn khi cuộc khủng hoảng tài chính khu vực châu Âu đã lắng dịu xuống và đà phục hồi nền kinh tế Mỹ ngày càng ổn định hơn.

Nhằm lấy lại niềm tin của thị trường, các quốc gia trong khu vực đồng tiền chung EUR đang nỗ lực để phục hồi nền kinh tế.

Đặc biệt, ngày 17/03, Tây Ban Nha đã thông qua quyết định đóng cửa 24 doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tiến hành cổ phần hóa 21 công ty quốc doanh. Đây là một phần nội dung trong tiến trình chấn chỉnh lại nền kinh tế của quốc gia này.   

Trong khi đó, nền kinh tế Ireland cũng có bước tiến đáng kể khi thặng dư thương mại của quốc gia này trong năm 2011 đã đạt kỷ lục 44.7 tỷ EUR, tăng 3% so với năm 2010. Thặng dư thương mại trong tháng 1/2012 cũng đạt mức 3.2 tỷ EUR, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2011 và tăng 8.5% so với tháng trước đó.

Mặc dù đã có nhiều cơ sở để đặt niềm tin vào đà phục hồi của nền kinh tế khu vực, nhưng những nguy cơ tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng nợ công khu vực vẫn còn đó. Việc gia tăng các biện pháp ngăn ngừa khủng hoảng trong trung và dài hạn ở các quốc gia là điều cần thiết nhằm tránh rủi ro lịch sử lặp lại.

II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

CPI tháng 3 giảm còn 14.15%. Áp lực lạm phát 2012 chủ yếu từ chi phí đẩy

Tổng cục Thống kê vừa công bố CPI tháng 3 của cả nước chỉ tăng 0.16% so với tháng trước, tức tăng 2.55% so với cuối năm 2011 và tăng 14.15% so với cùng kỳ năm 2011.

CPI nhóm Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2.31% so với tháng trước do bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc điều chỉnh giá gas, xăng dầu vào đầu tháng 3.

Ngược lại, CPI nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0.83% khi nhu cầu và giá cả ở nhóm hàng hóa này mau chóng hạ nhiệt sau dịp Tết âm lịch.

Như vậy là CPI tháng 3 thậm chí tăng thấp hơn con số dự báo quanh mức 0.3% của chúng tôi – vốn đã là một con số rất lạc quan.

Với thực tế CPI tăng thấp như hiện nay, dư địa để NHNN nới tín dụng đang trở nên rộng mở hơn. Đáng chú ý, NHNN vừa cho biết có thể xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng sớm hơn dự tính là sau 6 tháng thực hiện; nhưng mục tiêu giới hạn cả năm vẫn không thay đổi.

Ngoài ra, rất có thể việc tăng giá điện sẽ sớm trở thành hiện thực vì tác động đến lạm phát sẽ hạn chế hơn so với thời gian trước đây.

Chúng tôi đã từng nhận định rằng áp lực lớn nhất lên diễn biến lạm phát trong năm 2012 sẽ đến từ các yếu tố chi phi đẩy. Việc đẩy mạnh điều hành giá cả theo cơ chế thị trường sẽ là tác nhân chính đẩy chỉ số giá tiêu dùng đi lên. Tuy vậy, khi mục tiêu kiềm chế lạm phát được ưu tiên hàng đầu và CPI tháng 3 đã về mức 14%, thì khả năng kiểm soát lạm phát ở một con số trong năm 2012 có thể nằm trong tầm tay.

Gần đây xuất hiện đã có nhiều e ngại về việc nền kinh tế sẽ rơi vào trạng thái thiểu phát. Chúng tôi cho rằng lo ngại vào lúc này có vẻ còn hơi sớm. Có lẽ sẽ hợp lý nếu vào cuối năm 2012 tăng trưởng của nền kinh tế vẫn ì ạch, cầu chưa trở lại... sau một đợt nới lỏng tiền tệ vào đầu năm.

Lãi suất liên ngân hàng có bất ổn?

Ngày 13/03, lãi suất bình quân liên ngân hàng ở kỳ hạn 6 tháng bất ngờ tăng vọt lên 21%, so với con số 13.41% vào ngày giao dịch 08/03. Tuy nhiên, doanh số giao dịch ở kỳ hạn này chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng, và cũng là mức thấp kỷ lục ở thị trường này.

Như vậy, có thể thấy sự “đột biến” ít ỏi này không hề đại diện cho một xu hướng gia tăng lãi suất liên ngân hàng hay bất ổn thanh khoản ở các ngân hàng.  

Điều này đã phần nào được chứng minh khi diễn biến giao dịch trên thị trường liên ngân hàng những ngày sau đó đã trở lại trạng thái bình thường.

Số liệu mới nhất (đến ngày 19/3) do NHNN công bố cho thấy mức lãi suất liên ngân hàng phổ biến ở các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng vẫn ở quanh ngưỡng gần 12.5 – 13.5% như thời gian gần đây. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần lại bất ngờ giảm mạnh so với mức trung bình trước đó.

III. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT

• Chính phủ vừa đồng ý với đề án lập quỹ tiết kiệm nhà ở và giao cho Bộ Xây dựng lấy ý kiến hoàn thiện thêm. Trong đề án lần này, hình thức tham gia quỹ mang tính tự nguyện với mức đóng góp dự kiến từ 1% tổng tiền lương hằng tháng của người lao động.

• NHNN cho biết có thể xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng sớm hơn dự tính là sau 6 tháng thực hiện; nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2012 ở mức 15 – 17%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14 – 16%.

• Việt Nam đã chọn Ngân hàng Standard Chartered làm cố vấn về việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm nhằm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Trước đó, ngày 20/12/2011, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ công bố quyết định thành lập một tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

• Theo xếp hạng của Bloomberg, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia Đông Nam Á lọt vào nhóm 50 nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á, chỉ có 3 quốc gia lọt vào top 50 này, bao gồm Singapore ở vị trí thứ 9, Malaysia ở vị trí thứ 32, và Việt Nam ở vị trí thứ 46.

• Theo Bộ Tài chính, Vinashin có thể khai thác từ việc chuyển nhượng, cho thuê… số diện tích đất còn lại chưa sử dụng (ước tính 1,200ha) để đầu tư cho hoạt động kinh doanh (không sử dụng vào mục đích khác, nhất là trả nợ).

• NHNN vừa ban hành Thông tư số 07/TT-NHNN quy định về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD). Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 02/05.

Theo đó, tổng trạng thái ngoại tệ âm hoặc dương cuối ngày của các TCTD không vượt qua 20% vốn tự có. Riêng các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có vốn tự có từ 25 triệu USD trở xuống được phép áp dụng mức giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ dương hoặc âm cuối ngày quy ra USD không được vượt quá 5 triệu USD (tức có thể cao hơn con số chỉ tiêu 20%).

• NHNN vừa yêu cầu các NHTMNN và NHTMCP do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, gồm Agribank, Vietinbank (CTG), Vietcombank (VCB), BIDVMHB, phải tiết giảm chi phí từ 5% đến 10%, hạ lãi suất cho vay và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng đăng ký các biện pháp và mức tiết giảm cụ thể với NHNN và Bộ Tài chính trước ngày 10/04/2012.

• Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất – nhập khẩu trong 15 ngày đầu tháng 3 đạt gần 4.45 tỷ và 4.4 tỷ USD, tương ứng tăng 9.5% và giảm 6% so với cùng kỳ tháng trước. Theo đó, hoạt động thương mại trong giai đoạn nửa đầu tháng 3 tái hiện trạng thái xuất siêu gần 50 triệu USD.  

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

Finfonet

Các tin tức khác

>   Thị trường tiếp tục dò tìm xu hướng (03/12/2009)

>   Thị trường chứng khoán thế giới: Ngày của sắc xanh (17/09/2009)

>   Chứng khoán thế giới ngày 09/09: Á - Âu trái chiều (10/09/2009)

>   Ngày giao dịch giằng co VN-Index trở lại giảm nhẹ (09/09/2009)

>   Đà giảm mạnh của VN-Index đã khựng lại (07/09/2009)

>   Thị trường có thể điều chỉnh? (26/08/2009)

>   Chứng khoán khấp khởi tăng cao, do đâu? (14/08/2009)

>   Thị trường chứng khoán khởi sắc: Niềm tin và hy vọng (13/08/2009)

>   VN-Index vượt qua 500 điểm (13/08/2009)

>   Lộ diện tâm lý phân cực tại các TTCK trên Thế giới (30/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật