Khó huy động vốn để cho vay
Với việc nhận chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng theo từng nhóm, đồng thời chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng đang là áp lực đối với các ngân hàng trong huy động tiền gửi.
Lãi suất huy động VND niêm yết phổ biến ở mức 4-6%/năm đối với không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, 13-14%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Thế nhưng, tình hình huy động vốn của ngân hàng khó được cải thiện so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính đến ngày 17/1 giảm 3,29% so với cuối năm 2011. Tín dụng đối với nền kinh tế cũng giảm 0,79% so với cuối năm 2011, trong đó tín dụng bằng VND giảm 0,21%, tín dụng ngoại tệ giảm 2,93%.
Theo đại diện một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM, sở dĩ nguồn vốn huy động ngày một khó khăn là do lãi suất huy động được cào bằng ở tất cả các ngân hàng. Khách hàng có tâm lý chọn ngân hàng uy tín, có quy mô để gửi tiền, nên các ngân hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn trong huy động vốn.
“Hơn nữa, với việc phân nhóm để phân giao chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng của NHNN trong năm nay sẽ là điểm bất lợi cho các ngân hàng nhỏ trong huy động tiết kiệm”, vị đại diện trên nói và cho biết, áp lực của chỉ số giá tiêu dùng chưa giảm cũng là một trong những rào cản đối với nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI tháng 2/2012 tăng 1,37% so với tháng 1/2012 và tăng 2,38% so với tháng 12/2011. Vì thế, các khoản tiền nhàn rỗi tiếp tục tìm đến hầm trú ẩn an toàn hơn, như vàng, nhất là khi các dự báo cho rằng, vàng sẽ còn tăng giá.
Lãi suất nội tệ trên thị trường liên ngân hàng đã tương đối ổn định so với cuối năm 2011. Tuy nhiên, so với trần lãi suất huy động tiết kiệm, thì lãi suất liên ngân hàng vẫn cao hơn. Hiện lãi suất qua đêm ở mức 15-15,5%/năm, kỳ hạn 2 tuần 16,5-17%/năm, 3 tuần 17-18%/năm, 1 tháng 18-19%/năm. Thế nhưng, muốn tiếp cận vốn trên thị trường này lại không dễ đối với ngân hàng quy mô nhỏ. Do đó, ngân hàng thuộc nhóm này tiếp tục đẩy mạnh cạnh tranh trong huy động dưới hình thức khuyến mãi, để thu hút vốn.
Theo đánh giá của ông Phạm Ngọc Đệ, Phó tổng giám đốc VietABank, lãi suất đang có xu hướng giảm dần, song nguồn vốn huy động vẫn khó, nên không thể mạnh tay cho vay ra. Vì thế, khả năng hoạt động của ngành ngân hàng năm 2012 sẽ chưa hết khó khăn và thách thức. Một phần, do áp lực lãi suất chưa thể giảm ngay và tình hình huy động tiết kiệm còn nhiều khó khăn trước áp lực giá vàng tăng. “Tiền gửi tiết kiệm sẽ dè dặt nếu diễn biến giá vàng tiếp tục nóng lên”, ông Đệ nhận định.
Tổng giám đốc OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, OCB đặt kế hoạch huy động tiền gửi khách hàng trong năm nay tăng 30% so với năm trước, nhằm để bù đắp những thiếu hụt, đồng thời càng nhiều nguồn càng an toàn. Thế nhưng, ông Tuấn cũng thừa nhận, trong bối cảnh thị trường hiện nay, muốn đẩy mạnh tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm cũng không phải là điều dễ dàng và huy động luôn khó hơn cho vay.
Vì vậy, lãi suất giảm là điều mong muốn của hầu hết các thành phần kinh tế, nhưng trước mắt, khi các ngân hàng phải giữ chân khách bằng cách cào bằng trần lãi suất ở các kỳ hạn tiền gửi và chưa thể cắt giảm chi phí huy động vốn đầu vào, thì lãi đầu ra cũng khó giảm. Song theo đánh giá của ông Tuấn, một khi lạm phát kỳ vọng xuống thấp, không có lý do cho việc lãi suất huy động cao.
Đồng quan điểm ông Nguyễn Thiện Long, Phó tổng giám đốc HDBank cho hay, lãi suất có giảm hay không phụ thuộc chủ yếu vào chỉ số lạm phát của nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Kiểm soát lạm phát ở mức thấp chính là cơ sở để giảm lãi suất.
Thùy Vinh
đầu tư
|