Thứ Tư, 07/03/2012 17:08

Khi doanh nghiệp bất động sản đa canh 

“Qua khủng hoảng, tôi rút ra được một kinh nghiệm xương máu. Đó là bên cạnh lĩnh vực cốt lõi, doanh nghiệp cần có những lĩnh vực khác để tạo nguồn thu ổn định”, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Công ty Phát Đạt (HOSE: PDR), nói.

Điều cần biết

Là chủ đầu tư một dự án bất động sản nổi đình nổi đám ở phía Bắc - dự án Vincom Village, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (UPCoM: SDI) cũng là đơn vị thành viên của Công ty Cổ phần Vincom (HOSE: VIC), một doanh nghiệp bất động sản lớn tại Việt Nam. Những điều này khiến ai cũng nghĩ rằng, Sài Đồng sẽ chỉ phát triển trong lĩnh vực bất động sản.

Trên thực tế, ngay trong chiến lược của mình, Sài Đồng cũng đã xác định, bất động sản là hướng phát triển chiến lược. Hội đồng Quản trị của công ty này đã đặt ra mục tiêu đưa Sài Đồng trở thành một thương hiệu mạnh về bất động sản tại Việt Nam và trở thành công ty đại chúng. Hiện nay, Sài Đồng đang giao dịch trên sàn UPCoM.

Tuy nhiên, thông báo mới đây của công ty này có thể khiến nhiều người bất ngờ. Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông ngày 8.2 lấy ý kiến bằng văn bản, Sài Đồng đã thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh với 3 mã ngành hoàn toàn mới: nuôi trồng thủy sản biển, nuôi trồng thủy sản nội địa và sản xuất giống thủy sản.

Không chỉ Sài Đồng, một doanh nghiệp bất động sản khác ở phía Bắc là Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP - Invest) cũng công bố thay đổi hướng đầu tư. Đầu tháng 2 vừa qua, Đại hội đồng cổ đông GP - Invest đã thống nhất đề xuất của Hội đồng Quản trị về việc phát triển thêm lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp này quyết định sẽ đầu tư khoảng 500.000 USD để thành lập liên doanh sản xuất viên hạt gỗ ép với một nhà đầu tư Đan Mạch và một đối tác trong nước.

Trước đó, một đại gia bất động sản ở phía Nam là Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng đã có bước đi tương tự: điều chỉnh bổ sung thêm lĩnh vực nông nghiệp vào giấy phép kinh doanh. “Qua khủng hoảng, tôi rút ra được một kinh nghiệm xương máu. Đó là bên cạnh lĩnh vực cốt lõi, doanh nghiệp cần phải có thêm những lĩnh vực khác để tạo nguồn thu ổn định”, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Phát Đạt, lý giải cho hướng đầu tư mới này.

Theo ông Đạt, bất động sản vẫn là lĩnh vực cốt lõi của Phát Đạt, nhưng cũng cần phát triển những ngành như trồng rừng, cao su, lúa gạo, chăn nuôi, để có nguồn thu ổn định, bổ sung nguồn lực cho bất động sản.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, thậm chí được dự đoán đến năm 2014 mới khởi sắc trở lại, việc tìm hướng đầu tư mới của các doanh nghiệp địa ốc có thể xem là hướng đi phù hợp. Mùa đại hội cổ đông năm nay, chắc chắn nhiều doanh nghiệp bất động sản khác sẽ công bố việc điều chỉnh hướng kinh doanh.

Tuy nhiên, mở rộng ngành nghề như thế nào cho hợp lý không phải là chuyện dễ dàng. Hơn nữa, đầu tư trái ngành thường luôn ẩn chứa nhiều rủi ro.

Nếu quan sát bước đi của các doanh nghiệp trên có thể thấy nông nghiệp, đặc biệt là trồng cao su, đang là sự lựa chọn hàng đầu. “Nông nghiệp là một lĩnh vực mà nhu cầu không bao giờ thiếu, luôn ổn định trong khi Nhà nước lại luôn có chính sách khuyến khích”, ông Đạt, Công ty Phát Đạt, nhận định.

Thực tế cho thấy đã có những doanh nghiệp thành công khi đầu tư vào nông nghiệp, cụ thể là trồng cao su. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) là một ví dụ. Cách đây 5 năm (2007), thời điểm thị trường bất động sản lên cơn sốt, nhưng ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HAG, vẫn âm thầm qua Lào đầu tư cao su khi nhìn ra nguồn thu khổng lồ từ ngành này.

Theo cách tính của ông Đức, với 51.000 ha đất trồng cao su đang có trong tay, tương đương khoảng 125.000 tấn mủ cao su và giá cao su đang ở mức 4.500 USD/tấn hiện nay, chỉ riêng doanh thu từ cao su mỗi năm cũng đạt khoảng 500 triệu USD.

Không chỉ khởi xướng phong trào trồng cao su, ông Đức mới đây còn công bố thêm kế hoạch phát triển một loại cây khác là dầu cọ. Theo ông, năm nay HAG dự kiến sẽ trồng khoảng 4.000 ha dầu cọ tại Lào với giống cây được nhập từ Malaysia. Vốn đầu tư cho dầu cọ là khoảng 3.500 USD/ha. Và cây dầu cọ sẽ bắt đầu cho thu hoạch sau 2,5 năm. Hiện tại, giá dầu cọ khoảng 1.100 USD/tấn.

HAG đã gặt hái một số thành công bước đầu khi đầu tư trồng cao su, nhưng những doanh nghiệp nối gót liệu có thu được kết quả khả quan như HAG hay không thì còn phải chờ thời gian trả lời.

Còn nuôi trồng thủy sản thì sao? Thủy sản là một lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam. Năm 2011 xuất khẩu của ngành này lên đến gần 6 tỉ USD. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã rất thành công với thủy sản, nhưng đó là những doanh nghiệp xem thủy sản là lĩnh vực sản xuất cốt lõi. Còn đối với một doanh nghiệp chuyên về phát triển bất động sản như Sài Đồng, họ sẽ làm gì với ngành thủy sản và liệu có tạo được một xu hướng đầu tư vào ngành này?

Nguyễn Hùng

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   BVG: Doanh thu trăm tỷ chỉ lãi ròng 1 tỷ đồng (07/03/2012)

>   QCC: Giải thể 2 xí nghiệp (07/03/2012)

>   MCP thận trọng với kế hoạch lợi nhuận năm 2012 (07/03/2012)

>   HOSE: Thêm 8 công ty chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2012 (07/03/2012)

>   APC đặt kế hoạch lãi ròng 29.8 tỷ đồng, cổ tức 20% (07/03/2012)

>   DN bất động sản: Nợ vay ngắn hạn “bỗng dưng” biến thành dài hạn (07/03/2012)

>   IDV sẽ mua 51% CTCP Xây dựng và Thương mại Vĩnh Sơn (07/03/2012)

>   RCL: Lãi ròng năm 2011 giảm 42% (07/03/2012)

>   Những "điểm nóng" mùa ĐHCĐ của các ngân hàng (07/03/2012)

>   HJS: Lãi ròng hợp nhất 2011 gấp 2.8 lần năm trước (07/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật