Những "điểm nóng" mùa ĐHCĐ của các ngân hàng
Các ngân hàng sẽ khó tránh được áp lực về cổ tức trong năm 2012 khi chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng được kiểm soát chặt hơn đang là gánh nặng đè lợi nhuận.
Mùa ĐHCĐ của các ngân hàng năm nay được dự báo sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của cổ đông khi diễn biến của việc hợp nhất và thâu tóm trong hệ thống dần rõ nét hơn và hoạt động kinh doanh của các ngân hàng tiếp tục bị ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ. Cũng vì thế mà các ngân hàng đang tỏ ra thận trọng hơn trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh trình cổ đông trong mùa đại hội này.
Hiện hầu hết các ngân hàng đang lên kế hoạch cho ngày ĐHCĐ thường niên năm 2012. Với tình hình kinh tế của năm 2012 và việc NHNN tiếp tục thắt chặt tín dụng để kiểm soát lạm phát, các ngân hàng cho rằng, kết quả hoạt động sẽ chịu ảnh hưởng nhất định. Do đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước khi đưa ra trình ĐHCĐ sẽ được HĐQT cân nhắc kỹ. Chủ tịch HĐQT một ngân hàng nhỏ tại TP. HCM cho hay, ban đầu, HĐQT dự kiến tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2012 vào giữa tháng 3 này, song do chỉ tiêu tín dụng ngân hàng nhận được thấp hơn nhiều so với kế hoạch dự kiến nên HĐQT và Ban điều hành phải họp để cân đối lại kế hoạch kinh doanh cho phù hợp.
WesterBank dự kiến trình ĐHCĐ mức tăng trưởng tín dụng năm 2012 là 15% và lợi nhuận cũng chỉ tăng khoảng 14% so với năm trước. Được biết, năm 2011, WesternBank đạt 161 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trên mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.
Tổng giám đốc DongA Bank Trần Phương Bình cho rằng, mức lợi nhuận hợp nhất 1.650 tỷ đồng mà Ngân hàng dự kiến đạt được trong năm 2012 (năm 2011 DongA Bank đạt 1.255 tỷ đồng) là tương đối phù hợp trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức đối với hoạt động của ngành ngân hàng như năm nay.
Ngay cả các ngân hàng lớn cũng không khỏi băn khoăn khi chỉ tiêu lợi nhuận xây dựng phải xứng tầm với mức vốn điều lệ. Đơn cử như Eximbank, với mức lợi nhuận trước thuế năm 2011 hơn 4.000 tỷ đồng, theo một lãnh đạo của ngân hàng này, năm 2012 chắc chắn sẽ phải đề ra kế hoạch lợi nhuận cao hơn con số trên khiến áp lực lên Ban điều hành rất lớn. Bởi vốn điều lệ của Eximbank tính đến nay đã đạt con số 10.560 tỷ đồng và theo kế hoạch dự kiến sẽ tăng thêm trong năm 2012.
Bên cạnh vấn đề lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng thì việc thâu tóm lẫn nhau trong hệ thống ngân hàng cũng đang là vấn đề NĐT nắm giữ cổ phiếu ngân hàng đặc biệt quan tâm tại ĐHCĐ của các nhà băng năm 2012. Khi diễn biến của cuộc thâu tóm Sacombank vẫn chưa có hồi kết thì những ngân hàng có kế hoạch và ý định niêm yết đều tỏ ra lo ngại về khả năng sẽ bị thâu tóm.
Với các nhà băng nhỏ, NĐT vẫn chờ đợi một làn sóng hợp nhất (sau động thái tự nguyện hợp nhất của SCB, TinNghiaBank và Ficombank vào cuối năm 2011) và đặc biệt là khi Chính phủ vừa chính thức phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015. Vì thế, HĐQT các ngân hàng quy mô nhỏ (không nằm trong nhóm 1 – 2, theo phân loại chỉ tiêu tín dụng năm nay của NHNN) lo ngại sẽ không tránh khỏi các câu hỏi chất vấn liên quan đến việc “liệu có nằm trong danh sách hợp nhất” của các cổ đông.
Vân Linh
đầu tư chứng khoán
|