Hà Nội: Sẽ đấu giá quyền sử dụng đất tại 53 dự án
Ngày 19/3, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, năm 2012, trên địa bàn thành phố sẽ có 53 dự án đủ điều kiện được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích đất nghiên cứu hơn 360.000ha, dự kiến thu về cho ngân sách khoảng 2.500 tỉ đồng; trong đó, khối quận, huyện 29 dự án; khối các sở, ngành 5 dự án và đấu giá đất, nhà khu vực nội thành 19 điểm.
Để đạt được kế hoạch đề ra, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất đất ngay từ quý 1/2012 đối với các khu đất, dự án đã đủ điều kiện đấu giá, được Ủy ban Nhân dân thành phố giao; lập, phê duyệt kế hoạch các dự án và tổ chức đấu giá đất xen kẹt, nhỏ lẻ theo phân cấp...
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, năm 2011, toàn thành phố mới có 10/29 quận, huyện, thị xã tổ chức đấu giá các khu đất xen kẹt, nhỏ lẻ trong khu dân cư với diện tích 5,7ha, đạt 36% kế hoạch về nguồn thu được giao.
Hiện chưa có địa phương, đơn vị nào tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất được theo quy định tại Nghị định 17/2010/NĐ - CP của Chính phủ. Thành phố đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về quy trình thủ tục thực hiện đấu giá để tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn, rất khó giải quyết hiện nay của Hà Nội là tình trạng nợ đọng tiền đấu giá quyền sử dụng đất tồn tại từ nhiều năm nay, gây thất thu cho ngân sách thành phố. Theo thống kê, số tiền trúng đấu giá nợ quá hạn đã lên tới 707 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản ảm đạm, nên sản phẩm đấu giá chưa thu hút nhà đầu tư hoặc kết quả thu được không cao. Lãi suất cho vay của ngân hàng tăng cao cộng với chính sách thắt chặt cho vay đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc bán hàng, huy động vốn. Bên cạnh đó, do một số dự án phải điều chỉnh quy hoạch nên hạ tầng kỹ thuật chưa xong, dẫn đến người trúng đấu giá chưa nộp tiền, thì có nhiều quận, huyện để nợ quá hạn cao, nhưng chưa ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá theo quy định của quy chế đấu giá.
Cụ thể như huyện Gia Lâm (504 tỷ đồng), huyện Đông Anh (160 tỷ đồng), huyện Thanh Trì (29 tỷ đồng), quận Cầu Giấy (13 tỷ đồng)... Ngoài ra, ở khu đấu giá Khu đô thị Nam Trung Yên, đến nay doanh nghiệp vẫn còn nợ 40% tiền trúng đấu giá (trước đó, doanh nghiệp từng nợ 105,6 tỷ đồng); tại khu đô thị mới Xuân Phương (huyện Từ Liêm), các nhà đầu tư còn nợ lên tới 279 tỷ đồng. Đây là khoản nợ đọng của 3 nhà đầu tư do phải chờ ý kiến của Ủy ban Nhân dân thành phố về việc điều chỉnh lại quy hoạch.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Vũ Hồng Khanh, để xảy ra tình trạng nợ đọng trên có phần nguyên nhân từ sự tham mưu của các quận huyện, sở ngành còn chậm và thiếu quyết liệt. Bên cạnh những doanh nghiệp, cá nhân cố tình chây ỳ nghĩa vụ tài chính với nhà nước còn phải kể tới tình trạng có doanh nghiệp muốn nộp tiền vào ngân sách cũng khó do sự quan liêu, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan chức năng.
Để xử lý dứt điểm tình trạng nợ tiền sử dụng đất kéo dài, Cục thuế Hà Nội sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra các dự án địa ốc nhằm làm rõ lý do nợ của từng doanh nghiệp; vận động, thuyết phục doanh nghiệp thực hiện nộp tiền sử dụng đất; tính và ra thông báo phạt chậm nộp (có dự án số tiền phạt chậm nộp lên đến hàng chục tỷ đồng).
Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đang xem xét để xử lý nghiêm các dự án chậm triển khai theo quy định của Luật Đất đai. Đối với các đơn vị có nợ quá hạn, nhất là tại huyện Đông Anh và Gia Lâm, phải tiến hành rà soát để hủy kết quả trúng đấu giá và tổ chức đấu giá lại.
Tuy nhiên, theo nhận định của các ngành chức năng, với tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn như hiện nay, trong khi ngành ngân hàng vẫn duy trì chính sách thắt chặt tín dụng, cùng với thị trường bất động sản chưa thể phục hồi, thì việc thu hồi tiền sử dụng đất đang nợ đọng tại các dự án vẫn hết sức khó khăn.
Thành phố Hà Nội cần chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp khắc phục để xử lý dứt điểm một số dự án nợ kéo dài; đồng thời tránh tình trạng tham gia đấu giá đất để đẩy giá lên cao với mục đích kiếm lời, không phản ánh đúng giá trị thực của thị trường, ảnh hưởng đến những người có nhu cầu ở thực sự./.
Minh Nghĩa
Vietnam+
|