Thứ Năm, 15/03/2012 17:41

Hạ lãi suất: Không phải nới lỏng chính sách tiền tệ 

Ngày 12/03, NHNN tiếp tục đưa ra hàng loạt giải pháp về lãi suất, thông qua các Quyết định 407/QĐ-NHNN và Thông tư số 05/2012/TT-NHNN (Thông tư 05) sửa đổi, bổ sung Điều I Thông tư số 30/2011/TT-NHNN ngày 28/9/2011.

Tác động của các chính sách này đến đâu? Có rủi ro nào cho tình hình lạm phát hiện nay? TS. Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia trả lời Thời báo Ngân hàng.

Cảm nhận của ông về sự điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động thế nào, thưa ông?

Trước hết, đây là một chủ trương đúng và hợp lý. Đúng là vì lãi suất đang cao quá, nhiều doanh nghiệp không chịu đựng nổi. Hợp lý vì với mức độ giảm lạm phát, tình hình thanh khoản trong hệ thống các TCTD được cải thiện như hiện nay thì mới giảm được ở mức 1%. Còn xét về mặt kinh tế, lãi suất giảm 1% cũng giúp doanh nghiệp giảm được chi phí, giảm giá thành. Khi lãi suất thấp xuống, doanh nghiệp vay được nhiều sẽ tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện để khôi phục lại sản xuất, vượt qua khó khăn. Điều đó sẽ tạo ra tăng trưởng, giảm được áp lực lạm phát…

Nhưng quan trọng hơn, việc hạ mặt bằng lãi suất thêm 1% sẽ gây dựng được lòng tin từ phía người dân, doanh nghiệp đối với Chính phủ, tin vào chính sách, vào điều hành của Chính phủ đã có kết quả. Chủ trương giảm lãi suất chủ chốt và lãi suất tiền gửi, sẽ tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay cho tất cả các doanh nghiệp.

Vậy theo ông, mức giảm lãi suất thêm 1% như vậy đã đạt tới kỳ vọng của doanh nghiệp chưa?

Kỳ vọng thì chưa đạt vì đây mới là chuyển biến bước đầu. Để đạt được theo kỳ vọng của doanh nghiệp còn phải phấn đấu quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực, kiên trì đến cùng, phối hợp nhiều chính sách như tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư, giải quyết các vấn đề bội chi ngân sách, nhập siêu… Đó là những vấn đề ngắn hạn, còn về lâu dài, Việt Nam cần phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng… Với các giải pháp đó sẽ tạo nên điều kiện vật chất để đưa nền kinh tế đi lên, giảm được lạm phát xuống, trên cơ sở đó mới giảm được lãi suất và tỷ giá một cách ổn định.

Phải chăng giải pháp hạ lãi suất lần này chỉ là một bước đi trong số rất nhiều việc cần làm thời gian tới?

Đúng như vậy, hạ lãi suất chỉ là một một biện pháp, nhưng có tính quyết định nhất. Ngoài ra, muốn giải quyết được một cách cơ bản thì phải thực hiện nhiều giải pháp khác như tiếp tục giảm chi tiêu công, giảm bội chi ngân sách; chính sách thương mại phải kiềm chế nhập siêu và đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu; chính sách đầu tư phải tránh giàn trải, để hệ số ICOR tốt lên, rủi ro vĩ mô ít đi. Ngoài ra, điều hành của Chính phủ phải nhất quán, công khai minh bạch và kỷ cương, kỷ luật tốt hơn... Tất cả các biện pháp đó phải được tiến hành đồng thời và đồng bộ mới tác động mạnh vào nền kinh tế.

Với diễn biến lạm phát  như thời gian qua, liệu lộ trình giảm lãi suất 1% mỗi quý có khả thi?

Giảm lãi suất phải được điều chỉnh theo mức độ giảm lạm phát. Hiện nay, lạm phát vẫn còn tăng trên 16% so với cùng kỳ. Với điều kiện như vậy, giảm lãi suất nhanh quá lại kích thích đẩy vốn ra thị trường, cho vay dễ dãi dẫn tới sử dụng có thể không hiệu quả, tác động ngược lại lên lạm phát. Cho nên, mức độ giảm lãi suất 1% là hợp lý. Những quý sau tốc độ giảm giá nhanh thì có thể giảm thêm nữa.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện nay là 14%/năm, nếu theo đúng kỳ vọng thì đến cuối năm sẽ còn khoảng 10%/năm. Ứng với chỉ số trượt giá cuối năm nay khoảng 9% thì lãi suất huy động vẫn thực dương. Với lãi suất huy động như vậy thì lãi suất cho vay cuối năm nay khoảng 14%/năm, kịch bản này là hợp lý với các doanh nghiệp.

Sau khi NHNN công bố hạ lãi suất, đồng thời mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ Nhà nước, nhiều tổ chức quốc tế nhìn nhận đây là hành động nới lỏng tiền tệ.  Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Hạ lãi suất không phải nới lỏng chính sách tiền tệ mà nới nghiệp vụ, quan trọng là lượng tiền cung ứng không hề nới ra nên các chính sách này không kích thích lạm phát. Còn việc mua vào ngoại tệ của NHNN thực tế là thay phương tiện thanh toán này bằng phương tiện thanh toán khác, tổng phương tiện thanh toán toàn thị trường giữ nguyên. Tuy nhiên khi cung tiền đồng ra mà không có hàng ngay, hoặc sản xuất chưa tăng kịp thì phải tìm cách rút tiền về. Đó là nghiệp vụ của ngân hàng, hoàn toàn có thể làm được.

Vậy việc NHNN tuyên bố sẽ đưa ra thị trường nguồn vốn dài hạn hơn thông qua thị trường mở nên hiểu thế nào, thưa ông?

Giải pháp đó hoàn toàn đúng và sẽ giải quyết được các vấn đề cơ bản của thị trường tiền tệ. Bởi vì hiện nay, nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn, rất khó để các TCTD cho vay dài hạn. Cho nên, biện pháp lâu dài là phải đưa hoạt động ngân hàng trở về thông lệ quốc tế và theo cung cầu thị trường, từng bước kéo giãn kỳ hạn ra theo nhiều bước. Thứ nhất, phải cơ cấu lại, hình thành dần nguồn vốn đầu vào với thời hạn huy động phải dài hơn. Thứ hai, NHNN dùng các nghiệp vụ của mình để kéo dài thời hạn cho vay. Ví dụ, trước đây tái cấp vốn cho các NHTM với thời hạn 1-2 tuần thì bây giờ tái cấp vốn 3-4 tuần… để các TCTD có điều kiện nới thời hạn cho khách hàng vay.

Đó là các biện pháp tích cực, đúng hướng và phải thực hiện càng nhanh càng tốt, càng có kết quả thì nền kinh tế chuyển biến càng nhanh và hoạt động ngân hàng không bị méo mó như hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Giảm lãi suất, liệu đã đủ chưa? (15/03/2012)

>   Một số NH áp dụng quy định bảo lãnh khá máy móc (15/03/2012)

>   HSBC: So với lạm phát, tăng trưởng tín dụng thấp đáng ngại hơn (15/03/2012)

>   IMF: Cần đặt mục tiêu chính là kiềm chế lạm phát (15/03/2012)

>   Lãi suất tiến và lùi (15/03/2012)

>   “Ngân hàng hợp nhất” đầu tiên đang dần ổn định (15/03/2012)

>   Đề án 254: Tổng vệ sinh nợ xấu - nợ bẩn (15/03/2012)

>   Dọn dẹp thị trường để bỏ trần lãi suất (15/03/2012)

>   Huy động vàng biến tướng! (14/03/2012)

>   OCB dành 2.000 tỷ ưu đãi lãi suất thấp hơn 2,5% (14/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật