Thứ Bảy, 31/03/2012 09:08

Giá tăng cao, chỉ số CPI thấp: Hãy cảnh giác!

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp dần, trong khi giá cả hàng hóa tăng chứng tỏ năng lực tiêu dùng suy giảm, điều này tác động xấu đến nền sản xuất.

GDP quý I/2012 chỉ tăng 4% CPI tháng 3 chưa phản ánh hết tác động tăng giá? CPI nhích nhẹ, nền kinh tế có dấu hiệu của đình lạm TPHCM: CPI tháng 3 bất ngờ giảm mạnh

Quý I năm 2012 đã chính thức trôi qua với những cái thở phào có phần nhẹ nhõm của những ai kỳ vọng vào chỉ số CPI và GDP ở ngưỡng “an toàn” để  đạt mục tiêu kéo mức lạm phát xuống 1 con số trong năm nay. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào nền kinh tế, không nên vội mừng.

CPI suy giảm…

Theo số liệu mà Tổng cục Thống kê công bố, tháng 1/2012 là tháng trùng với Tết Nguyên đán Nhâm Thìn nhưng chỉ số CPI cả nước chỉ tăng 1% so với tháng trước và tăng 17,27% so với cùng kỳ năm 2011. Sang tháng 2/2012, chỉ số CPI tăng 1,37% so với tháng trước và tăng 2,38% so với cuối năm 2011,  và so với cùng kỳ năm ngoái, tăng mức 16,44%. Đến tháng 3/2012, CPI cả nước chỉ tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 2,55% so với cuối năm 2011.

Giá cả tăng mạnh khiến người tiêu dùng đang ngày càng tiết giảm chi tiêu

Chỉ số CPI rõ ràng giảm dần, và mức 0,16% của tháng 3/2012 được đánh giá là mức giảm thấp nhất trong 3 tháng đầu năm, thấp nhất trong 20 tháng qua và với cùng kỳ 3 năm gần đây.

Quý I thường là khoảng thời gian mà năng lực tiêu dùng mạnh nhất trong năm vì gắn với thời điểm Tết Nguyên đán và tập trung hội hè, đình đám… nên sẽ là cao điểm mua sắm của người dân. Nhưng CPI cũng chỉ tăng được 1%, rồi 1,37% và 0,16%, trong khi đó giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh. Theo Tổng cục thống kê, đơn cử tháng 2/2012, trong 11 nhóm hàng hóa có 10 nhóm tăng giá và 1 nhóm giảm giá (bưu chính viễn thông với mức giảm 0,16%).

Cạnh đó, ở 2 thành phố đầu tàu kinh tế cả nước, là Hà Nội và TP HCM, chỉ số CPI tháng 3/2012 cũng giảm. Cụ thể, CPI của Hà Nội tăng 0,19% (tháng 2 đạt 1,45%). Còn tại TP HCM, cPI tháng 3 chỉ tăng 0,12% (tháng 2 đạt 1,32%).

Nhìn tổng thể vào chỉ số CPI 3 tháng đầu năm, các chuyên gia đưa ra nhận định rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ đã phát huy tác dụng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, khả năng kiềm chế lạm phát ở 1 con số vào cuối năm nay có khả năng thực hiện được. Cho nên, nếu chỉ nhìn vào mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số, chỉ số CPI rõ ràng cho tín hiệu đáng mừng.

Nỗi lo tăng…

Bên cạnh điều đáng mừng nêu trên, vấn đề đáng quan ngại hơn là, cho dù lạm phát đạt mức mong muốn nhưng CPI giảm trong khi giá cả các mặt hàng thiết yếu đã tăng cao chứng tỏ sức mua của thị trường giảm mạnh, đồng nghĩa năng lực tiêu dùng của người dân suy giảm.

Bởi lẽ, theo xu thế chung của sự phát triển, nền kinh tế sản xuất ngày càng nhiều hàng hóa và đời sống người dân ngày càng tăng thì năng lực tiêu dùng sẽ phải tăng theo. Nhưng vào cao điểm tiêu dùng (quý I gắn với Tết Nguyên đán, kỳ nghỉ dài, tập trung nhiều hội hè, đình đám…) mà chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, thậm chí tụt lùi, rõ ràng người tiêu dùng đang phải “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu.

Thực tế nhiều báo cáo kinh tế, thị trường đã chỉ ra, tình hình kinh tế sụt giảm, giá cả biến động, đặc biệt là tăng giá, trong thời gian qua khiến người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu ở nhiều nhóm ngành hàng không thuộc nhu yếu phẩm, hoặc chuyển sang dùng những sản phẩm rẻ hơn.

Cơ quan thống kê và các chuyên gia còn nhận định, tính trong cả quý 1/2012, về cơ bản tổng “cầu” giảm rất mạnh, tình hình sản xuất có khó khăn hơn. Đồng thời, do tác động của lạm phát thế giới chuyển vào trong nước qua một số mặt hàng nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất như xăng dầu, gas… khiến lạm phát còn tăng nhưng ở mức thấp.

Nguyên nhân chính của sự suy giảm “cầu” là do thu nhập của người dân thời gian qua ít thay đổi, đời sống gặp nhiều khó khăn. Và, hiện nay đang trội lên tâm lý kiểm soát tài chính để phòng thân của đa số người tiêu dùng trước những dự báo về nền kinh tế toàn cầu còn ảm đạm.

Từ đó, có thể nhận định, khi thấy CPI giảm, nếu gắn vào đích kiềm chế lạm phát để mừng, nhìn trong chiến lược nền kinh tế, đó sẽ là một quan điểm tiêu cực vĩ mô.

Bởi lẽ, năng lực tiêu dùng suy giảm (sức mua giảm) sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống sản xuất và phân phối sản phẩm. Khi đó, một phản ứng dây chuyền sẽ nảy sinh, đó là dòng vốn đầu tư cho sản xuất hàng hóa sẽ bị ứ đọng trong hàng hóa tồn kho. Nếu CPI tiếp tục suy giảm, lượng hàng hóa tồn kho sẽ tăng lên, vốn đọng tăng.

Hơn nữa, năng lực sản xuất kinh doanh của các DN sản xuất và phân phối hàng hóa phụ thuộc rất nhiều vào vốn. Trong khi lãi suất ngân hàng vẫn cao, quá sức hấp thụ của doanh nghiệp, nên mấy tháng đầu năm, thiếu vốn là một trong các nguyên nhân quan trọng khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phá sản hoặc ngừng sản xuất.

Do đó, khi CPI tiếp tục suy giảm sẽ xảy ra 2 kịch bản. Một là, các DN sẽ phải bán tháo hàng kiểu “chịu đau, cắt lỗ” để hồi vốn duy trì sản xuất. Khả năng này khó thực hiện trên diện rộng vì năng lực tiêu dùng đang bị hạn chế.

Hai là, khi hàng hóa khó bán, thậm chí ứ đọng nhiều (khả năng này nhiều hơn, vì CPI tụt lùi, sức mua giảm), các DN tiếp tục phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng sản xuất, thậm chí phá sản vì nợ lũy tiến, trong khi vốn đầu tư không sinh lời hoặc sinh lời quá ít không gánh được lãi suất ngân hàng và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng.

Cả hai kịch bản này đều khó đưa DN sản xuất và phân phối hàng hóa cán đích thặng dư cao để phục hồi nhanh.

Hơn thế, Tổng cục Thống kê thông báo, chỉ số GDP quý I/2012 chỉ tăng 4%. Mức tăng này thấp hơn cùng kỳ năm 2011, do hoạt động sản xuất, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn... Điều này báo hiệu, cho dù mức kiểm soát lạm phát đạt chỉ số như thế nào chăng nữa, cái đích quan trọng vẫn phải là tăng trưởng thực của nền kinh tế, trước hết dựa vào chỉ số GDP và sức khỏe đồng đều trong các bộ phận cấu thành nền kinh tế, trong đó sức khỏe tiêu dùng rất quan trọng.

Tựu trung, khi chỉ số CPI suy giảm, GDP cũng không cao, nhưng giá cả tăng cao đã lộ rõ sức khỏe của nền kinh tế đang không tốt, trong đó trọng tâm là nền sản xuất và tiêu dùng cùng gặp khó. Cho nên, nếu không cảnh giác cao độ để kiểm soát hài hòa cả vĩ mô và vi mô, đặc biệt là nếu không bắt đúng “mạch” và chữa đúng “tâm bệnh” của nền kinh tế, chúng ta dễ rơi vào bẫy chỉ số vĩ mô an toàn nhưng “sức khỏe” vi mô suy nhược./.

Xuân Thân

VOV

Các tin tức khác

>   JICA hỗ trợ Việt Nam 1,6 tỷ USD cho nhiều dự án lớn (30/03/2012)

>   Bất ngờ và bất an (30/03/2012)

>   “Đo sức khoẻ” nền kinh tế qua các chỉ số (30/03/2012)

>   Chuyên gia Mỹ đề cao 8 điểm của VN tham gia WTO (30/03/2012)

>   Tìm điểm cân bằng tăng trưởng và công bằng xã hội (30/03/2012)

>   Đang có dấu hiệu giảm phát? (30/03/2012)

>   Sẽ đẩy nhanh giải ngân vốn ODA của Nhật Bản (30/03/2012)

>   “Sức hút FDI của Việt Nam suy giảm vì lạm phát” (30/03/2012)

>   Khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc tăng đầu tư (29/03/2012)

>   CPI tháng 4 khó dự báo (29/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật