Thứ Sáu, 30/03/2012 15:40

Tìm điểm cân bằng tăng trưởng và công bằng xã hội

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan vẫn luôn trăn trở với một câu hỏi hóc búa: làm sao cân bằng giữa tăng trưởng và công bằng xã hội. Nhà nước quá chú trọng tăng trưởng, mà không chú ý tới công bằng xã hội thì gây ra bất ổn. Ngược lại, quá chú ý đến phúc lợi xã hội mà coi nhẹ tăng trưởng thì kinh tế trì trệ.

Có lần, ông Khoan đem câu hỏi này tham vấn nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, song cũng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Niềm băn khoăn của nguyên phó thủ tướng được đặt ra trong bối cảnh mô hình thị trường tự do đang lâm vào bế tắc, mà biểu hiện rõ nhất là phong trào chiếm phố Wall ở Mỹ, và hàng loạt quốc gia châu Âu đang lâm vào cảnh vỡ nợ. Ông Khoan đặt câu hỏi: “Trong bối cảnh quốc tế đó, Việt Nam chọn mô hình nào? Mô hình của chúng ta giờ đã có vấn đề rồi”. Câu hỏi của nguyên phó thủ tướng cũng là trọng tâm một cuộc tham vấn gần đây của Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với trường Đại học Kinh tế Quốc dân về mô hình tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn 10 năm tới.

Nổi lên vấn đề xã hội

Tiến sĩ Phạm Hồng Chương và các đồng sự ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân ghi nhận quan điểm “tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội” đã được đưa vào nhiều văn kiện, nghị quyết. Tuy vậy, ông nói: “Còn có những khoảng cách lớn giữa quan điểm và hành động, đó là chưa kể đến một số sai lầm ngay từ chiến lược phát triển quốc gia”. Ông nói: “Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao, nhưng chúng ta đã lựa chọn con đường chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá”. Hệ lụy của chiến lược đó đang để lại dấn ấn rõ nét tới xã hội và môi trường. Một nghiên cứu của ông Chương và các đồng nghiệp chỉ ra rằng có 4,6% lao động ở thành thị thất nghiệp và 20% lao động ở nông thôn chưa được sử dụng. Như vậy, tỷ lệ trên tương ứng với trên 10 triệu lao động thất nghiệp hoàn toàn. “Rõ ràng, lợi thế về nguồn lao động dồi dào ở Việt Nam đang bị lãng phí nghiêm trọng”, ông nói.

Hơn nữa, thành tựu xóa đói giảm nghèo vẫn còn nhiều thách thức. Tỷ lệ nghèo đói của Việt Nam sẽ tăng lên mức 20% theo chuẩn mới, thay vì khoảng 11% theo chuẩn cũ. Tỷ lệ này, theo nhóm nghiên cứu, sẽ cao gấp 2-3 lần, nếu tính theo chuẩn mới của thế giới ở mức 1,25 đô la/người/ngày.

Ở bình diện quốc tế, nhóm nghiên cứu trích dẫn số liệu của IMF năm 2010, theo đó, quy mô GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 1.061 đô la Mỹ theo tỷ giá hối đoái và 2.948 đô la Mỹ theo sức mua tương đương (PPP). Đây là những chỉ số thấp xa so với mức bình quân chung của khu vực, cũng như của thế giới. Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Chương nhận xét dù Việt Nam đã chuyển sang nước có thu nhập trung bình sau hơn 25 năm đổi mới, song xét về nhiều mặt, động thái tăng trưởng của nền kinh tế chưa thể hiện rõ quyết tâm và khả năng thoát khỏi nguy cơ tụt hậu. Hơn nữa, trong vài năm gần đây còn bộc lộ một số vấn đề về tính bền vững trong quá trình tăng trưởng. Ông Chương nhận xét nếu Việt Nam không có nỗ lực đột phá hơn nữa, thì khả năng đuổi kịp Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực là “viễn cảnh xa vời”.

Ghi nhận những đánh giá này, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng đã xuất hiện một số hiện tượng xã hội nghiêm trọng. “Có những người trở nên giàu có quá mức không phải nhờ sản xuất kinh doanh, mà là móc túi của dân thôi”, ông nói.

Ở một khía cạnh khác, theo nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, có ba đặc thù tiêu dùng của người Việt Nam đã giúp đất nước không chìm sâu vào suy thoái. Thứ nhất, các loại thức ăn, đồ uống chủ yếu Việt Nam tự cung cấp đủ, không phải nhập khẩu. Thứ hai, người Việt Nam có bản tính rất tiết kiệm, ăn hôm nay nghĩ ngày mai. Thứ ba, giữa thành thị và nông thôn, công nhân và nông dân có mối đan xen mật thiết, người ở thành thị có thu nhập giảm sút, thì có thể được ông bà, anh em ở nông thôn cho cân gạo, quả trứng để sống qua được giai đoạn khốn khó. “Qua khủng hoảng, chúng ta vẫn phát triển dương ở mức độ hợp lý. Tôi nghĩ, phải tính đến những đặc thù như thế của Việt Nam, chứ đừng nói kết quả tăng trưởng đó là do điều hành giỏi. Không phải thế. Chúng ta cần đánh giá công bằng”.

Nhóm của Tiến sĩ Chương trích dẫn một kết quả nghiên cứu về Việt Nam, rằng khi kinh tế tăng trưởng 10%, thì người nghèo chỉ có thể được hưởng lợi một phần tư số đó. Trái lại, nhóm các hộ giàu có thể hưởng lợi nhiều hơn từ các cơ hội tăng trưởng. Nhóm nghiên cứu nhận xét, trong khi tăng trưởng kinh tế góp phần to lớn vào việc xóa đói giảm nghèo thì chính nó lại làm tăng thêm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo do thành quả tăng trưởng không được chia sẻ một cách đồng đều, mà theo hướng có lợi cho nhóm người vốn đã có cuộc sống dư dật, khá giả hơn.

Ở đây có sự đánh đổi giữa mục tiêu tăng trưởng và công bằng xã hội. Nhóm nghiên cứu kết luận, sở dĩ có tình trạng trên là do tốc độ tăng trưởng ngày càng tập trung vào các ngành thâm dụng vốn, khai thác tài nguyên và sử dụng ít lao động.

Đường dẫn về đâu

Theo nhóm nghiên cứu, dù nhiều người đã đề cập đến việc xác định rõ vai trò nhà nước trong nền kinh tế thị trường, nhưng tư duy điều hành trên thực tế vẫn thể hiện rõ sự ôm đồm, thậm chí lấn át thị trường, của Nhà nước. Thể hiện rõ nhất trong lối điều hành này là ngân sách nhà nước được phân bố và đầu tư vào những lĩnh vực mà khu vực tư nhân hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt. Môi trường kinh doanh vẫn tồn tại những ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhà nước như đấu thầu, cấp đất... mà hiệu quả kinh tế của khu vực kinh tế này rất kém. Phương thức quản lý và điều hành khu vực công vẫn dựa nhiều vào tư duy “nhà nước cai trị” hơn là “nhà nước phục vụ”.

Những giải pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra bao gồm giảm dần đầu tư của Nhà nước vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thu hẹp khu vực doanh nghiệp nhà nước để tăng sân chơi cho khu vực kinh tế tư nhân.

Về phần mình, ông Kiên cho rằng nên xem lại cơ chế điều hành tập thể. Ông Kiên nói: “Có thành tích thì tập thể và cá nhân ai cũng nhận, nhưng có chuyện xảy ra thì chả có ai”.

Trong khi đó, chuyên gia Võ Đại Lược cho rằng nếu chúng ta không dựa vào thể chế, vào khoa học công nghệ và sử dụng nhân tài, thì đất nước này khó phát triển tốt được.

Thể chế đó, theo ông Lược, được thể hiện ở hệ thống luật pháp, bộ máy điều hành và phương thức điều hành. Ông cho rằng, hệ thống luật pháp của Việt Nam đang rất bất ổn khi có luật đất đai mà khiếu kiện vẫn tràn lan, có luật đầu tư mà đầu tư lại lãng phí, có luật phá sản mà chẳng mấy doanh nghiệp phá sản. Ông Lược cho rằng cần phải đổi mới hệ thống từ kinh nghiệm của các nước đi trước. “Chúng ta không có cách gì tốt hơn là đi theo con đường mà nhân loại đã đi, các nước tiên tiến nhất đã đi”.

Bên cạnh đó, theo ông Lược, hệ thống lương và rất nhiều rào cản khác trong bộ máy nhà nước đang loại bỏ người tài. Ông nói: “Chúng ta nhìn thấy, các anh giỏi nhất đều bỏ nhà nước ra làm tư cả. Bất cập như thế thì lấy đâu ra người giỏi để làm chính sách tốt và điều hành tốt được. Cho nên nhiều điều chúng ta muốn mà không làm được”.

Kết luận của nhóm nghiên cứu, và góp ý của các chuyên gia, hiển nhiên, chẳng có gì mới so với nhận thức chung gần đây. Tuy nhiên, đây là bản báo cáo đề tài cấp nhà nước được gửi chính thức cho Ủy ban Kinh tế, cơ quan quan trọng của Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ sự lo ngại những góp ý này liệu sẽ được tiếp nhận đến đâu. Tiến sĩ Chương nói: “Không ai chịu trách nhiệm cụ thể về các vấn đề nghiêm trọng đang diễn ra”. Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển bổ sung thêm: “Vấn đề là những người làm thì không ngồi đây và không nghe chúng ta”.

Tấn Đức

tbktsg

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật