“Sức hút FDI của Việt Nam suy giảm vì lạm phát”
Lạm phát, giá nhân công tăng, vấn đề đình công… đang khiến sức hấp dẫn đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam bị ảnh hưởng, tạp chí Mỹ Forbes nhận định.
Khi nhận thừa kế một nhà máy chế biến gỗ cách Tp.HCM một giờ lái xe về phía Bắc, anh David Lin, một doanh nhân người Đài Loan nhẩm tính, công ty có doanh thu 6 triệu USD mỗi năm này sẽ dễ dàng gặt hái lợi nhuận nhờ mức giá nhân công thấp ở Việt Nam và cũng như vị trí đắc địa của nhà máy giúp anh dễ vận chuyển sản phẩm tới khách hàng.
Đó là vào năm thời điểm 2003. Còn năm nay, anh Lin, 32 tuổi, lại đang muốn tìm cách đầu tư sang các quốc gia châu Á khác. Lợi nhuận của nhà máy gỗ của anh tại Tp.HCM đang ngày càng đi xuống, do 200 công nhân thường xuyên đình công đòi tăng lương.
Theo Forbes, tốc độ lạm phát vào hàng cao nhất ở châu Á của Việt Nam khiến chi phí sản xuất leo thang và làm suy giảm lợi nhuận của các công ty nội thất mua gỗ nguyên liệu từ nhà máy Yuan Chang Industry Vina của anh Lin. Nếu cách khách hàng này rời Việt Nam và công ty của anh Lin rơi vào cảnh thua lỗ, anh sẽ nghiên cứu chuyển sản xuất tới khu vực Nam Á. Khi đó, anh sẽ bán lại hoặc cho thuê khu nhà xưởng rộng 35.000 m2 ở Việt Nam. “Nơi tôi chuyển tới có thể là Bangladesh hoặc Ấn Độ”, anh Lin nói.
Theo anh Lin, thế mạnh của người lao động tại khu vực Nam Á là họ thạo tiếng Anh hơn người Việt Nam, và anh cũng tin là họ lao động cần cù hơn. “Không ai muốn nói tới các cuộc đình công, nhưng đó là điều chúng tôi đang phải đối mặt. Chúng tôi không giải quyết được và chỉ nghĩ cách để thoát khỏi vấn đề”, anh Lin nói.
Forbes nhận định, Việt Nam là quốc gia được đề cập nhiều nhất khi các doanh nghiệp nước ngoài tính cách khắc phục tình trạng chi phí lao động gia tăng ở Trung Quốc. Nhưng từ năm 2008 tới nay, thực tế đã khác. Năm ngoái, vốn FDI cam kết vào Việt Nam giảm còn 14,7 tỷ USD, từ mức 19,9 tỷ USD vào năm 2010. Lượng vốn giải ngân sụt 35%, còn 11,5 tỷ USD trong năm ngoái.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự suy giảm này chủ yếu là do lượng vốn đổ vào thị trường bất động sản sụt giảm. Tuy nhiên, phóng viên của Forbes cho rằng, sự thay đổi trong môi trường kinh doanh cũng ảnh hưởng bất lợi tới dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam.
Từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa kinh tế, đã có hàng ngàn doanh nghiệp nước ngoài tới đây làm ăn. Nhưng môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong mấy năm gầy đây đã trở nên khó khăn hơn, một phần vì tốc độ lạm phát cao. Từ năm 2008 tới nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam đã vượt mức 20% trong nhiều tháng do nhập khẩu vượt xuất khẩu và sự mất giá liên tục của VND. Thực tế này khiến các công ty sản xuất hàng để bán tại chỗ gặp khó, đồng thời việc tiếp cận với ngoại tệ cũng trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, chi phí lao động tăng cao cũng dẫn tới tình trạng ngày càng có nhiều cuộc đình công của người lao động đòi tăng lương. Báo chí trong nước cho biết, năm 2011 đã có 978 cuộc đình công, so với mức 541 cuộc vào năm 2007, cho dù Chính phủ Việt Nam đã tăng lương cơ bản vào tháng 10 năm ngoái. Người lao động Việt Nam đang trở nên đòi hỏi hơn vì tình trạng thiếu lao động có kỹ năng vẫn còn tồn tại. Ở thời điểm cuối năm 2010, hãng điện tử Foxconn của Đài Loan tại Việt Nam chỉ tìm được 3.000 lao động cho dây chuyền lắp ráp cần 5.000 nhân công.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam còn gặp những khó khăn khác. Đường xá còn chưa hoàn thiện, tình trạng mất điện bất ngờ… là một vài trong số đó.
“Những khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam cũng không khác so với ở các thị trường mới nổi khác: luật pháp chưa hoàn thiện, cơ sở hạ tầng yếu kém, hệ thống tài chính kém phát triển… Nhưng từ năm 2007, Việt Nam còn chịu tốc độ lạm phát cao, đồng tiền mất giá và tình trạng thiếu USD”, ông Tai Hui, Giám đốc nghiên cứu khu vực Đông Nam Á của ngân hàng Standard Chartered Bank, nhận xét.
Trên thực tế, báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB) năm nay tiếp tục đánh tụt điểm môi trường kinh doanh của Việt Nam xuống vị trí 98/183 quốc gia, giảm 11 bậc so với năm 2008.
Các nhà đầu tư Đài Loan nằm trong số những nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng ngại làm ăn ở Việt Nam. Vào năm 2010, các nhà đầu tư đến từ Đài Loan cam kết rót 1,45 tỷ USD vào Việt Nam. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống còn 565 triệu USD vào năm ngoái.
“Ban đầu thì tưởng như giá cả ở Việt Nam là rẻ, nhưng giá tăng nhanh, vào thị trường nội địa ở đây cũng chẳng phát triển mấy”, ông Bruce Lee, Tổng giám đốc công ty Elma Vietnam Industrial, nói. Tuy nhiên, ông Lee cũng không đánh giá cao thị trường Trung Quốc, ngoại từ một số khu vực ở phía Tây nước này.
Theo quan điểm của ông Leo Chiu, nhà tư vấn của Hội đồng Thương mại Đài Loan tại Việt Nam, nhiều công ty nước ngoài có thể ra đi. “Ai cũng muốn thể hiện là mình mạnh”, ông Chiu nói khi nhận xét về cam kết sẽ tiếp tục đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam. “Nhưng các doanh nhân luôn biết rõ tiền nằm ở đâu, và ngay khi nói xong lời cam kết, thì họ sẽ đi tìm ngay tới chỗ có tiền”, ông phát biểu.
Ông Jonathan Pincus, chuyên gia chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Tp.HCM thì cho rằng, đối với các vấn đề kinh tế, Việt Nam có xu hướng cho rằng đó là ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, thay vì những nguyên nhân như tham nhũng, bong bóng bất động sản và tài chính xì hơi, những quyết định đầu tư tồi của các doanh nghiệp nhà nước và năng lực quản lý kinh tế vĩ mô.
Về phần mình, nhiều người lao động Việt Nam cho hay, các cuộc đình công sẽ không còn xảy ra nếu tiền lương đủ để họ trả tiền thuê nhà, các chi phí sinh hoạt cơ bản và hỗ trợ cho gia đình ở quê. “Nhân viên ở đây ai cũng vui. Chúng tôi học được nhiều tư công việc. Công việc ở đây rất thoải mái”, anh Vo Quy, 31 tuổi, kế toán trưởng có thâm niên 7 năm làm việc ở hãng thép Fabrication Technology của Australia, nói với Forbes. Tiền lương ở công ty này cao hơn mức trung bình.
Những công ty sản xuất hàng giá rẻ, chẳng hạn đồ dệt may, để tiêu thụ ngay ở Việt Nam vẫn có thể làm ăn có lãi. Ngoài ra, các nhà máy đặt ở các khu vực xa thành phố cũng có lực lượng công nhân đông đảo - những người lao động địa phương có thể tiết kiệm chi phí khi sống tại nhà và đến nhà máy làm việc mỗi ngày.
Theo ông Thomas Thang, một lãnh đạo của Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp khác cũng tính sẽ ở lại Việt Nam vì tin rằng, Chính phủ sẽ giải quyết được các khó khăn kinh tế hiện nay. Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, việc Chính phủ cắt giảm thuế và phát triển hệ thống ngân hàng là hai hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp nước ngoài. Chưa kể, gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất cơ bản từ 14% về 13%, giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn.
Mặc dù một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã cắt giảm đầu tư vào Việt Nam trong năm ngoái, vốn đầu tư từ Hồng Kông vào Việt Nam lại tăng khá mạnh do các nhà sản xuất của vùng lãnh thổ này chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Nhật Bản cũng duy trì ổn định lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các nhà sản xuất của Nhật muốn tìm kiếm một địa chỉ sản xuất ổn định sau thảm họa động đất và sóng thần cũng như trận lụt lịch sử ở Thái Lan. Năm ngoái, vốn FDI của Nhật cam kết vào Việt Nam là 2,44 tỷ USD, tăng so với 2,4 tỷ USD trong năm 2010, và chỉ đứng sau Hồng Kông.
An Huy
tbktvn
|