Điểm nóng Trung Đông và ảnh hưởng đến giá vàng, dầu
Eo biển Hormuz (Iran) được xem là đầu mối giao thông quan trọng, với khoảng 20% - 30% sản lượng dầu mỏ của thế giới được trung chuyển qua eo biển này.
Căng thẳng Trung Đông
Nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực Trung Đông, eo biển Hormuz (Iran) được xem là đầu mối giao thông quan trọng, với khoảng 20% - 30% sản lượng dầu mỏ của thế giới được trung chuyển qua eo biển này. Iran hiện cũng là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 trên thế giới.
Được cho là để gia tăng sức ép đối với chương trình hạt nhân của Iran, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt lệnh cấm vận nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này, có hiệu lực từ ngày 1/7/2012.
Phản pháo lại hành động trên, Iran đã ngừng xuất khẩu dầu sang Anh và Pháp ngay những ngày sau đó.
Trong khi những căng thẳng ở Syria ngày càng leo thang thì tình hình ở eo biển Hormuz lại tạm dịu xuống.
Hệ quả gì từ cuộc chiến tranh Iran, nếu xảy ra?
Giá dầu tăng phi mã. Hệ lụy đầu tiên từ cuộc chiến này là Iran sẽ hạn chế hoặc thậm chí đóng cửa đường vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz. Điều này đồng nghĩa một lượng lớn dầu thế giới được vận chuyển qua eo biển này sẽ bị đóng băng.
Từ khi tình hình Iran leo thang từ những ngày cuối tháng 12/2011, giá dầu thô thế giới đã liên tục tăng cao.
Hiện, giá dầu thế giới đứng ở quanh mức 105 USD/thùng, đã tăng gần 7% so với giá dầu vào những ngày cuối năm 2011. Ở những thời điểm căng thẳng, giá dầu thô thế giới còn tăng vọt lên mức 109 USD/thùng.
Lạm phát tăng tốc. Dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế; và khi đó, việc giá dầu tăng phi mã sẽ đẩy lạm phát tăng tốc đi theo. Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô ở nhiều quốc gia vẫn đang phải gắng gượng để phục hồi thì việc giá cả bị đẩy lên quá cao sẽ có nguy cơ kéo kinh tế rơi vào giai đoạn “lạm phát đình trệ”.
Thương mại có nguy cơ sụt giảm mạnh. Ngày nay, hầu hết các nền kinh tế đều có độ mở rất lớn; do đó, nếu chiến tranh xảy ra, các dòng chảy hàng hóa và dịch vụ sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng. Điều này sẽ đủ để đẩy nhiều quốc gia trên thế giới vốn đang “chật vật” phục hồi rơi trở lại vào suy thoái.
Giá vàng leo thang. Khi các thị trường tài chính rơi vào giai đoạn bất ổn và lạm phát tăng phi mã thì việc nắm giữ vàng dường như là sự lựa chọn được nhiều người nhà đầu tư đặc biệt yêu thích. Việc ưu tiên nắm giữ vàng vật chất sẽ ít nhiều làm giảm giá đồng nội tệ, và càng làm phát tăng cao.
Hoàng Vũ (Vietstock)
finfonet
|